TS.Nguyễn Duy Thịnh: Acid benzoic được sử dụng trong tương ớt ở VN

Anh Thơ (thực hiện) Chủ nhật, ngày 07/04/2019 12:02 PM (GMT+7)
Liên quan đến thông tin lô hàng 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan bị dừng lưu thông tại Nhật Bản do ghi nhãn phụ không đầy đủ, sáng nay (7/4), phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) về vấn đề này.
Bình luận 0

img

PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm (Đại hoc Bách khoa Hà Nội). Ảnh: I.T

Ngay sau khi thông tin lô hàng 18.000 chai tương ớt Chin - su bị dừng lưu thông tại Nhật Bản do ghi nhãn phụ không đầy đủ và có chứa chất phụ gia acid benzoic, phía Masan khẳng định, họ không trực tiếp xuất sang Nhật Bản, lập tức xuất hiện nhiều thông tin trên mạng xã hội, các trang tin điện tử cho rằng: Masan không coi trọng sức khỏe người Việt, tại sao phía Nhật Bản đã cấm mà Masan vẫn sử dụng trong chế biến thực phẩm., ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trước hết, phải khẳng định, đây là một tin thất thiệt, gây hiệu ứng xã hội rất xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp. Trong việc sử dụng chất phụ gia acid benzoic, Masan không sai, cho đến thời điểm này, chất này vẫn dược phép sử dụng trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Mà không chỉ Việt Nam, đã có một tiêu chuẩn quốc tế về chất này. Acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), trong đó, Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này được quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm (tại Việt Nam, benzoic acid được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt).

Hiện có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong số các thành viên của Codex có nước cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm acid benzoic.

img

Tương ớt Chin - su bị thu hồi ở Nhật Bản. Ảnh: I.T

Như vậy, có thể khẳng định, việc sử dụng acid benzoic trong chế biến tương ớt của Masan là không sai, thưa ông?

- Đúng vậy,  thậm chí, tôi thấy doanh nghiệp còn có trách nhiệm xã hội khá lớn khi hàm lượng acid benzoic trong tương ớt Chin - su chỉ ở mức 0,41 - 0,45g/kg, thấp hơn tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần. Rõ ràng, họ không làm hại người Việt như những lời đồn thổi, thông tin thất thiệt trên mạng.

Nhiều người cũng đặt câu hỏi, tại sao phía Nhật Bản cấm mà Việt Nam vẫn cho sử dụng?

- Tôi cảm thấy đang có một tâm lý xã hội khá phổ biến là chỉ cần một cá nhân, tổ chức làm một việc gì đó đang còn tranh cãi là đám đông xúm vào bình luận, mạt sát, kêu gọi tẩy chay mà không chịu tìm hiểu kỹ ngọn nguồn. Đó là một tâm lý đám đông vô cùng nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tin doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

Ở đây, phải xác định rằng, Nhật Bản cấm là việc của họ, còn ở Việt Nam chất đó vẫn được phép sử dụng, có những chất Việt Nam cấm mà Nhật Bản vẫn sử dụng đó thôi. Tại sao chúng ta không khuyến khích, ủng hộ những doanh nghiệp nội đang phát triển rất mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Tại các thị trường mà Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan đang xuất khẩu trực tiếp và rộng rãi (Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan), quy định tối đa về hàm lượng benzoicacid trong tương ớt cũng là 1g/kg, tương tự như quy định của Bộ Y tế Việt Nam và Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Tuy nhiên, tại Nhật bản lại không cho phép dùng chất phụ gia này trong tương ớt mặc dù một số sản phẩm khác được dùng như trứng cá caviar, bơ thực vật, nước ngọt hay nước tương.

“Ngược lại, phụ gia mà Nhật cho phép sử dụng trong tương ớt là Nisin tuy nằm trong danh mục phụ gia cho phép của Việt Nam và Codex nhưng chỉ cho dùng với một số sản phẩm liên quan đến sữa lên men, pho mát và không được phép dùng trong tương ớt. Như vậy, nếu tương ớt Nhật bản nhập vào Việt nam có dùng Nisin thì cũng không được phép nhập khẩu. Do đó, việc nghiên cứu và tìm hiểu về quy định các phụ gia được phép sử dụng cũng như ghi nhãn mác cần tuân thủ nghiêm ngặt khi vào các thị trường xuất khẩu mới”- một chuyên gia đánh giá thêm.

Liên quan đến thông tin Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu chứa phụ gia acid benzoic, tối 6/4, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, dù chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản, tuy nhiên, Cục cũng đang chủ động khẩn trương kiểm tra về sự việc này và sẽ có thông tin chính thức sau khi đã có các thông tin chính xác, tin cậy.

Lãnh đạo Phòng Giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế mà Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này được quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm. Hiện nay có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam. Tiêu chuẩn chung là thế nhưng trong số các thành viên của Codex có nước cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm acid benzoic.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem