TT-Huế: Đề nghị truy thu tiền 3 doanh nghiệp thủy điện trồng 239ha rừng không có cây

Trần Hòe Thứ năm, ngày 23/09/2021 07:51 AM (GMT+7)
Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định truy thu tiền trồng rừng thay thế đối với 238,67ha rừng mà 3 doanh nghiệp thủy điện đã trồng nhưng không thành rừng, do không có cây.
Bình luận 0

Ngày 23/9, theo tin từ Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ quan này vừa đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định truy thu tiền trồng rừng thay thế đối với 3 doanh nghiệp thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, để thực hiện 3 dự án thủy điện A Lưới, Bình Điền và Hương Điền ở Thừa Thiên Huế, đã có 910ha rừng bị chặt bỏ để lấy đất xây dựng nhà máy. 

Giai đoạn 2016-2021, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện này đã được Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán để tự tổ chức trồng, chăm sóc 267ha rừng thay thế trên diện tích đất bán ngập lòng hồ với loại cây chủ yếu là gáo và tràm úc.

TT-Huế: Đề nghị truy thu tiền 3 doanh nghiệp thủy điện trồng 239ha rừng không có cây  - Ảnh 1.

Hầu hết diện tích rừng trồng thay thế ở vùng bán ngập thủy điện Bình Điền không có cây do cây trồng đã bị chết. Ảnh: A.K.

Thế nhưng, kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, hầu hết các diệt tích rừng thay thế mà các doanh nghiệp thủy điện trên đã trồng đều đã bị chết, các khu vực trồng rừng chỉ còn là đồi trọc.

Cụ thể, trong số 267ha rừng thay thế các các doanh nghiệp thủy điện trên đã trồng chỉ có 28ha có cây trồng. 

Trong đó, chủ đầu tư thủy điện A Lưới là Công ty Cổ phần Thủy điện miền Trung được phê duyệt diện tích rừng trồng thay thế là hơn 75ha. Doanh nghiệp này đã trồng là 76ha, nhưng chỉ có 17ha có cây trồng, còn lại 58ha không có cây trồng.

Chủ đầu tư thủy điện Hương Điền là Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Điền có hơn 57ha diện tích thiết kế được phê duyệt trồng rừng thay thế và doanh nghiệp này đã trồng 60ha. 

Nhưng qua kiểm tra, diện tích rừng doanh nghiệp này trồng có cây chỉ 4,5ha, và không có diện tích nào đạt tiêu chí rừng trồng.

TT-Huế: Đề nghị truy thu tiền 3 doanh nghiệp thủy điện trồng 239ha rừng không có cây  - Ảnh 2.

Trong số 267ha rừng thay thế 3 doanh nghiệp thủy điện đã trồng chỉ có 28ha có cây trồng. Ảnh: A.K.

Công ty Cổ phần Thủy điện Bình Điền, chủ đầu tư thủy điện Bình Điền, có diện tích thiết kế được phê duyệt trồng trừng thay thế là hơn 134ha, diện tích đã trồng 137ha. 

Hiện diện tích rừng doanh nghiệp này trồng có cây trồng chỉ hơn 17ha, trong đó diện tích đạt tiêu chí rừng trồng là hơn 1,5ha.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Huy- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xử lý kết quả kiểm tra, đánh giá rừng trồng bán ngập của các nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới, Sở NNPTNT tỉnh đã tổ chức cuộc họp có sự tham gia của đại diện các sở ngành liên quan ở tỉnh và chủ đầu tư các công trình thủy điện.

Trên cơ sở ý kiến các bên liên quan tại cuộc họp, Sở NNPTNT đã đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định truy thu tiền trồng rừng thay thế đối với 238,67ha rừng các doanh nghiệp thủy điện trên đã trồng nhưng không thành rừng, do không có cây. 

Trong đó, thủy điện A Lưới là 68,53ha, thủy điện Hương Điền 53,15ha, và thủy điện Bình Điền 116,99ha. 

TT-Huế: Đề nghị truy thu tiền 3 doanh nghiệp thủy điện trồng 239ha rừng không có cây  - Ảnh 3.

Để thực hiện 3 dự án thủy điện A Lưới, Bình Điền và Hương Điền ở Thừa Thiên Huế, đã có 910ha rừng bị chặt bỏ để lấy đất xây dựng nhà máy. Ảnh: C.T.V.

Đơn giá nộp tiền trồng rừng thay thế theo Quyết định số 997/QĐ-UBND ngày 15/4/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là 79.500.000 đồng/ha. Với đơn giá này, 3 doanh nghiệp thủy điện trên sẽ bị truy thu gần 20 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế.  

Theo ông Nguyễn Hữu Huy, Sở NNPTNT chỉ chấp nhận 20,99ha rừng do 3 doanh nghiệp thủy điện trồng có khả năng đạt tiêu chí rừng trồng. 

Đối với 7,55ha rừng trồng có cây nhưng không đảm bảo tiêu chí rừng trồng, Sở đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho các chủ đầu tư dự án thủy điện tiếp tục tra dặm, chăm sóc, quản lý bảo vệ đến hết thời gian đầu tư. 

Sau thời gian này, nếu diện tích này không thành rừng chủ đầu tư các dự án thủy điện phải phải nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để tỉnh tổ chức trồng lại rừng thay thế đối với diện tích này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem