TT-Huế: Đến khổ, cá trắm to 3-5kg nuôi trên sông lăn ra chết rất nhiều, nông dân than "bó tay"
TT-Huế: Đến khổ, cá trắm to 3-5kg nuôi trên sông lăn ra chết rất nhiều, nông dân than "bó tay"
Chủ nhật, ngày 13/09/2020 19:15 PM (GMT+7)
Đến chiều tối 11/9, cá trắm nuôi lồng trên sông Bồ tại Hương Xuân, Hương Toàn (Hương Trà), Quảng Thọ (Quảng Điền) tỉnh Thừa Thiên Huế… tiếp tục chết gây thiệt hại lớn.
Ông Nguyễn Văn Đương ở Tổ Dân phố (TDP) Thanh Lương 4, phường Hương Xuân lo lắng: “Đến chiều 11/9, hơn 200 con cá lồng nuôi trên sông Bồ của gia đình tui bị chết, chủ yếu là cá trắm cỏ có trọng lượng 3-5kg. Diễn biến thời tiết tiếp tục phức tạp, nguồn nước tại khu vực nuôi có dấu hiệu ô nhiễm nên nguy cơ cá tiếp tục chết gây thiệt hại lớn rất cao”.
Người dân nuôi cá trắm trong lồng trên sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên Huế) vớt cá chết.
Trước đó, một số cá lồng nuôi của hộ ông Đương có hiện tượng lờ đờ, ngoi lên mặt nước. Ông Đương đã báo với chính quyền địa phương để được trợ giúp ứng phó, bảo vệ cá lồng nuôi.
Cán bộ thủy sản, khuyến nông của địa phương trực tiếp về kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp xử lý nhưng chưa hiệu quả. Đến sáng 11/9, cá bắt đầu chết dần, đến nay vẫn chưa giảm.
Với thời gian nuôi, trọng lượng cá hiện nay chưa đạt để thu hoạch, tuy nhiên hiện nay ông Đương buộc phải thu tỉa để bán với giá rẻ nhằm hạn chế thiệt hại.
Bình thường cá trắm loại 3-5kg có giá trên dưới 60-100 ngàn đồng/kg, nhưng do trong điều kiện dịch bệnh, cá kích cỡ chưa đạt nên thương lái, người tiêu dùng mua với giá chỉ 40-60 ngàn đồng/kg. Ước thiệt hại do cá chết của hộ ông Đương khoảng 30-40 triệu đồng.
Cá lồng cá nuôi của hộ ông Nguyễn Công Lô ở cùng TDP Thanh Lương 4 cũng bị chết gần 200 con cá trắm cỏ, ước thiệt hại 30-40 triệu đồng. Ông Lô cho rằng, các yếu tố môi trường, nhiệt độ trên sông Bồ đã có sự thay đổi rất lớn so với trước.
Các biện pháp kỹ thuật nuôi và chăm sóc như lâu nay đã không còn phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu; một số hộ nuôi chưa thực hiện đúng các quy định, quy trình nuôi trong tình hình mới theo yêu cầu, khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Chủ tịch UBND phường Hương Xuân, ông Trần Lưu Đức thông tin, từ sáng đến chiều 11/9, cá lồng nuôi trên sông Bồ thuộc các TDP: Thanh Lương 2, Thanh Lương 3, Thanh Lương 4, Xuân Tháp bị chết với tỷ lệ tương đối lớn.
Theo thống kê trên toàn địa bàn phường có 14 lồng cá trắm cỏ của 14 hộ bị chết với 455 con, sản lượng hơn 2 tấn. Các loại cá bị chết đều đạt trọng lượng bình quân 3-6 kg/con, ước thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.
Theo ông Đức, nguyên nhân cá chết về mặt kỹ thuật chưa có cơ sở để cấp có thẩm quyền kết luận. Tuy nhiên theo nhận định bước đầu, có thể do mật độ lồng nuôi dày đặc, trong khi quy định tối thiểu lồng cách lồng 1m.
Người dân thiếu quan tâm trong việc xử lý thức ăn thừa; dòng chảy trên sông Bồ quá yếu, khó lưu thông dẫn đến ô nhiễm môi trường và thiếu oxy khiến cá nuôi bị chết.
Áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiệt hại
Tận dùng lợi thế mặt nước dòng sông Bồ qua địa bàn phường Hương Xuân với chiều dài 5km, hiện có 241 hộ dân phường Hương Xuân nuôi cá trắm cỏ, mè, chép… với 380 lồng; bình quân mỗi lồng nuôi từ 150-250 con.
Chính quyền địa phương thường xuyên tuyền truyền, triển khai các quy định về hoạt động chăn nuôi nói chung và nuôi cá lồng trên sông Bồ nói riêng để bà con nắm bắt và thực hiện.
Tuy nhiên, nuôi cá lồng trong thời gian qua mang lại lợi ích khá lớn nên bà con có sự chủ quan, tùy tiện, chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch và các biện pháp kỹ thuật trong hoạt động nuôi cá lồng.
Ngay sau khi xảy ra tình trạng cá chết, ông Hà Văn Tuấn, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) và lãnh đạo địa phương đã đến hiện trường, trực tiếp chỉ đạo một số biện pháp cứu cá lồng.
Trước mắt, vận động các hộ sử dụng các thiết bị máy móc, như máy bơm nước, mô tơ điện để sục khí tạo oxy trên các lồng nuôi, di chuyển các lồng đến các vùng nước sâu, có dòng chảy tốt hơn. Ông Tuấn cũng đã yêu cầu thủy điện Hương Điền xả nước về sông Bồ cứu cá, giảm thiệt hại cho bà con.
Ngoài phường Hương Xuân, nhiều lồng cá nuôi tại phường Hương Toàn (Hương Trà) và xã Quảng Thọ (Quảng Điền)… có hiện tượng cá lờ đờ, ngoi lên mặt nước, chết rải rác. Ước thiệt hại tại các địa phương khoảng 200 triệu đồng.
Theo nhận định ban đầu của Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên nhân cá chết chủ yếu do ô nhiễm nguồn nước, mực nước trên sông Bồ xuống thấp do nắng nóng kéo dài, dẫn đến dòng chảy yếu, thiếu oxy. Một số địa phương có mật độ lồng nuôi quá dày đặc, ảnh hưởng đến dòng chảy. Nhiều hộ chưa chấp hành các quy định, quy trình kỹ thuật nuôi…
Chi cục Thủy sản yêu cầu, các hộ nuôi cần tiến hành thu tỉa các loại cá đạt kích cỡ, trọng lượng khá cao để bán, hạn chế nguy cơ thiệt hại lớn. Đồng thời triển khai vệ sinh lồng bè, cho ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe, sức đề kháng.
Người dân triển khai ngay việc giãn các lồng nuôi đúng khoảng cách quy định, di chuyển lồng ra xa bờ, đến các vùng nước đủ độ sâu, mát và thông thoáng, dòng chảy tốt hơn; triển khai các biện pháp sục khí tạo oxy đảm bảo nhu cầu, điều kiện sinh sống, phát triển của vật nuôi…
Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Công ty CP Thủy điện Hương Điền thông tin, ngay sau khi nhận tin báo, đề nghị của lãnh đạo thị xã Hương Trà, công ty triển khai họp khẩn cấp, bàn biện pháp điều tiết nước về hạ du một cách hợp để cứu cá lồng trên sông Bồ. Mặc dù trong điều kiện mực nước trong hồ xuống rất thấp do nắng nóng kéo dài, tạm dừng hoạt động sản xuất từ nhiều tháng nay, nhưng công ty vẫn ưu tiên điều tiết nguồn nước về hạ du trong khả năng có thể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.