Tứ đại rắn độc giết gần 50.000 người mỗi năm ở Ấn Độ

Đăng Nguyễn - Times of India Thứ hai, ngày 12/08/2019 14:55 PM (GMT+7)
Ấn Độ được coi là “thủ phủ của rắn cắn” vì quốc gia này chiếm tới gần một nửa số người chết vì rắn độc mỗi năm trên thế giới và có số trường hợp bị rắn cắn cao kỷ lục.
Bình luận 0

img

Ấn Độ chiếm một nửa số người chết vì rắn cắn mỗi năm trên thế giới.

Theo Times of India,  mùa mưa là thời điểm rắn hoạt động mãnh liệt nhất. Chúng ra ngoài đi săn, tìm bạn tình và vô hình trung lạc vào những nơi khô ráo mà con người sinh sống. Đây là một trong những lý do khiến mùa mưa luôn là thời điểm có số lượng vụ rắn độc cắn chết người cao kỷ lục.

Điện thoại của Sunil Limaye đổ chuông không dứt trong những tháng này. Người phụ trách việc bảo tồn khu rừng ở Maharashtra thường nhận được thông báo về hai trường hợp bị rắn cắn mỗi ngày, từ tháng 6 đến tháng 9. “Chúng tôi đã nhận được hơn 70 cuộc gọi thông báo”, Limyae nói hồi tháng trước.

Nhiều người không biết rằng Ấn Độ là nơi có số trường hợp bị rắn cắn nhiều nhất thế giới, với trung bình khoảng 2,8 triệu trường hợp so với tổng số 5,8 triệu trường hợp trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

img

Rắn cạp nia Ấn Độ.

Năm 2017, WHO đưa vấn đề rắn cắn vào danh sách các bệnh dịch nhức nhối ở Ấn Độ. Theo thống kê, mỗi năm ở Ấn Độ có gần 50.000 người chết vì rắn cắn, chủ yếu là do 4 loài rắn kịch độc gây ra, hay còn gọi là tứ đại rắn độc ở Ấn Độ. Đó là rắn hổ mang Ấn Độ, rắn cạp nia Ấn Độ, rắn lục Russells và rắn lục vảy cưa.

Một tổ chức chuyên trị rắn cắn ở Ấn Độ với 257 thành viên, do bác sĩ Dayalbandhu Mazumdar sáng lập, hoạt động từ năm 2015 ở 14 bang trên khắp Ấn Độ. Tổ chức này nói họ đã cứu sống 3.500 nạn nhân bị rắn cắn trong 4 năm qua.

Điều đáng nói là 4 loài rắn kịch độc trên đều đã có thuốc giải, nhưng tỷ lệ người chết vì rắn kịch độc ở Ấn Độ hàng năm vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều nạn nhân cố gắng tự tìm cách chữa trị, hoặc tìm đến thầy lang, nên khi đến bệnh viện thì đã quá muộn.

img

Rắn lục Russell là một trong tứ đại rắn độc ở Ấn Độ.

Ở Ấn Độ ngày nay cũng không có quy chuẩn chữa trị nào liên quan đến vấn đề rắn cắn, nên chưa được người dân chú ý. Theo Times of India, các nạn nhân chết vì tứ đại rắn độc ở Ấn Độ không chỉ tập trung ở vùng nông thôn, mà còn cả thành thị, khi rắn trốn ở trong nhà, toilet hay trong vườn.

Cái chết của một bé trai 10 tuổi tên Manan Vora, khi đi nghỉ mát cùng gia đình đến một khu nghỉ dưỡng sang trọng, cho thấy vấn đề chữa rắn cắn chưa được quan tâm đúng mực. Cậu bé bị rắn hổ mang cắn khi tình cờ chạm phải con rắn trốn dưới gối.

Thay vì được nhập viện khẩn cấp, Manan lại được chữa trị bằng thuốc kháng sinh. Đến khi nhập viện, cậu bé phải trải qua quãng đường dài 17km nên các bác sĩ không thể chữa trị kịp thời.

img

4 loài rắn kịch độc chiếm đa số các vụ rắn cắn chết người ở ấn Độ.

Trong một trường hợp khác, Devendri ở Bulandshahar bị rắn cắn khi đang đi lấy gỗ. Cô được chồng đưa đến gặp một thầy lang. Người này để cô gái nằm dưới bùn suốt 75 phút và kết quả là nạn nhân tử vong. Một số người khác thì bị phủ cát, muối hay thậm chí là lá cây lên người.

Bác sĩ Dilip Punde, người đã chữa cho 7.000 trường hợp bị rắn cắn ở Maharashtra trong hơn 3 thập kỷ qua, nói ông đã nhiều lần yêu cầu các thầy lang khi gặp trường hợp bị rắn cắn thì hãy đưa người bệnh đến viện. Bởi chỉ cần 100ml thuốc giải độc trong 100 phút là một người có thể được cứu sống.

Nhưng vì nhiều nguyên nhân, thuốc giải độc không phải lựa chọn hàng đầu của các nạn nhân. Những loại thuốc giải trị tứ đại rắn độc kể trên cũng rất đắt đỏ, đặc biệt là ở bệnh viện tư nhân.

TQ: Dùng rắn kịch độc ép cô gái quan hệ, không ngờ “gậy ông đập lưng ông”

Người đàn ông chơi đùa với con rắn kịch độc ở phòng tắm khách sạn thì sự cố xảy ra, nhưng vẫn quyết không gọi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem