Từ thiếu thốn thiết bị, Cienco4 "vượt dốc" thành "ông lớn" thi công giao thông

Anh Phương Thứ năm, ngày 01/12/2022 17:52 PM (GMT+7)
Công ty CP Tập đoàn Cienco4 chuẩn bị bước sang "tuổi 60", xuyên suốt chặng ấy, Tập đoàn Cienco4 đã trải qua nhiều khó khăn thăng trầm trên hành trình quá nửa thế kỷ để có được vị thế lớn mạnh của Cienco4 hôm nay.
Bình luận 0

Cienco4 từ non kém mạnh dạn cải cách để "vượt dốc"

Vào cuối năm 1991, khi Tập đoàn Cienco4 chính thức tách khỏi Liên hiệp Xí nghiệp công trình Giao thông 4 với tên gọi mới là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông miền Trung. Đây là giai đoạn nền kinh tế đất nước thực sự vận hành theo cơ chế thị trường, lấy yếu tố cạnh tranh làm điều kiện tồn tại.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lúc bấy giờ lại rất thiếu vốn, thiếu việc làm, đặc biệt là thiết bị công nghệ vô cùng lạc hậu, trình độ quản lý, kỹ thuật còn non kém.

Bối cảnh thời cuộc ấy, Cienco4 đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thực hiện một cuộc cách mạng trong cải tiến kỹ thuật, công nghệ và nâng cao trình độ con người để "vượt dốc".

Từ thiếu thốn thiết bị, việc làm Cienco4 "vượt dốc" thành "ông lớn" thi công giao thông - Ảnh 1.

Tập đoàn Cienco4 đang tích cực tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ làm công trình đường gom tại Km49+600 đến Km424+800 qua huyện Diễn Châu và Yên Thành. Ảnh: Lê Thanh

Định hình chiến lược với phương châm "con người là trung tâm, truyền thống là ngọn lửa soi đường, công nghệ là thước đo giá trị công trình", Cienco4 đã tiến hành cơ cấu lại bộ máy quản lý, sản xuất với điều kiện tiên quyết là đổi mới, ứng dụng các thiết bị, công nghệ mới.

Từng có những năm tháng gắn bó với Cienco4, ông Trần Đức Huy, nguyên Tổng giám đốc Cienco4 không khỏi xúc động: "Giai đoạn năm 1996 - 2004, khoảng 675 tỷ đồng đã được "rót" cho việc mua sắm các thiết bị công nghệ mới và hiện đại từ các quốc gia phát triển như: Lurung, Sakai của Nhật Bản; trạm trộn bê tông nhựa nóng của Hàn Quốc; máy rải bê tông nhựa nóng, máy rải bê tông xi măng và máy khoan cọc nhồi của Đức,…".

"Riêng trong 5 năm (1996 - 2000), Cienco4 đầu tư 251 tỷ đồng cho đổi mới thiết bị công nghệ phục vụ xây dựng đường, sân bay, bến cảng", ông Huy cho hay.

Có những công nghệ lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam như: công nghệ đúc đẩy tại cầu Hiền Lương; công nghệ thi công mặt đường cấp cao bằng bê tông xi măng ở các đoạn ngập lụt trên QL1A đoạn Vinh - Đông Hà.

Đặc biệt, với việc làm chủ công nghệ cầu dây văng, Cienco4 đã làm nên cầu Đakrông - cây cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế và thi công nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Tại công trình này, công nghệ mới trong thi cồn cầu dây văng với khẩu độ 89m, cột tháp cao 50m đã được ứng dụng.

Từ thiếu thốn thiết bị, việc làm Cienco4 "vượt dốc" thành "ông lớn" thi công giao thông - Ảnh 2.

Các kỹ sư của Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 bám sát công trường chỉ đạo các mũi thi công. Ảnh: Lê Thanh

Ông Huy kể: "Nhớ nhất thời điểm tháng 11/1999, 10 tỉnh, thành miền Trung phải trải qua một trận "đại hồng thủy", trận lũ lịch sử, việc thi công dự án tưởng chừng không thể đi tiếp.

"Song, với ý chí sắt đá của người thợ cầu đường bước ra từ bom đạn, ban lãnh đạo Cienco4 đã đưa ra phương án dùng cầu tạm bằng I-910 cao hơn mực nước lũ chừng 6m. Vượt khó khăn, cây cầu được hoàn thành chỉ sau 9 tháng từ lúc khánh thành. Đây là một kỳ tích đối với một đơn vị còn non trẻ trong lĩnh vực giao thông của Việt Nam lúc bấy giờ", ông Huy nhớ lại.

Những năm sau đó, Cienco4 cũng hoàn thiện công nghệ thi công dầm hộp bê tông cốt thép theo phương pháp đúc đẩy do Cộng hòa Liên bang Nga trợ giúp về mặt kỹ thuật, công nghệ, lần đầu tiên ứng dụng ở Việt Nam tại công trình cầu Hiền Lương và tiếp tục được ứng dụng tại các công trình như: cầu Ding (QL48 - Nghệ An), cầu Quán Hàu (QL1A),…

Cũng chính tại cầu Quán Hàu, bằng thiết bị hiện đại có thể khoan sâu tới 80m, đường kính tối đa 2m, Cienco4 đã thành công với công nghệ khoan nhồi.

Quá trình phát triển, bằng bàn tay, khối óc của đội ngũ nhân lực ngày càng bền về chí, giỏi về chuyên môn, Cienco4 dần làm chủ được các công nghệ thi công hiện đại khác như: công nghệ đúc hẫng và đúc lao lắp dầm Super-T; Công nghệ thi công dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực theo phương pháp đúc tại chỗ trên sàn đạo, nhịp dài 50m; Công nghệ thi công trụ cầu có chiều cao gần 100m,…

Theo ông Trần Đức Huy, đây là điều kiện cần và đủ giúp Cienco4 có đủ năng lực thi công các công trình cầu, đường lớn và đường ô tô cấp cao và liên tục trúng các gói thầu lớn, đòi hỏi cao về kỹ thuật thi công.

"Làm chủ gần như đầy đủ các công nghệ thi công hiện đại cũng làm nên một Cienco4 tự tin, chủ động liên doanh với nhà thầu nước ngoài thực hiện các dự án lớn như: cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (gói thầu EX7), các gói thầu thuộc dự án đường Vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2,…", ông Huy chia sẻ.

Đầu thế kỷ 21, các hình thức đầu tư BOT, BOO còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các hình thức này với ưu điểm giảm tối đa thủ tục trong quá trình đầu tư, thời gian xây dựng công trình được rút ngắn, tiết kiệm chi phí và sớm đưa được dự án vào khai thác, Cienco4 đã liên kết với Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đầu tư thi công xây dựng cầu Yên Lệnh theo phương thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) với tổng giá trị là 75 tỷ đồng.

Cũng với hình thức BOT, năm 2003, Cienco4 tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1 đoạn tránh TP Vinh, tổng giá trị đầu tư gần 400 tỷ đồng.

Cũng chia sẻ về quá trình làm các dự án BOT, BOO, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 cho biết: "Sự dấn thân của Cienco4 vào hình thức đầu tư mới trước hết là phát huy năng lực của một doanh nghiệp giao thông lớn, hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT, huy động tối đa nguồn lực tư nhân "chung lưng đấu cật" cùng nhà nước tăng tốc phát triển hạ tầng kết nối".

Theo ông Thọ, đây cũng là cơ hội để Cienco4 tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín, mở rộng kinh doanh theo hướng đầu tư thay vì chỉ đi vào dự án với vai trò nhà thầu thi công. Việc làm của hàng nghìn người lao động vì thế cũng được đảm bảo hơn, mức lương cao hơn.

Tiên phong đi đầu tại dự án cầu Yên Lệnh, tuyến tránh TP Vinh, quá trình triển khai, mặc dù còn một số vướng mắc trong GPMB, các cơ chế, chính sách đối với hình thức đầu tư BOT giao thông đang trong thời gian "vừa làm, vừa dò", chưa được đầy đủ, song, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp có thẩm quyền và sự ủng hộ các tổ chức tín dụng, các dự án đã được triển khai thuận lợi.

Từ thiếu thốn thiết bị, việc làm Cienco4 "vượt dốc" thành "ông lớn" thi công giao thông - Ảnh 3.

Cienco4 thi công hầm chui Lê Văn Lương, TP.Hà Nội. Ảnh: Thế Anh

Mạnh dạn làm dự án BOT

"Những dự án BOT đầu tiên làm nên "bàn tay" của người thợ cầu đường Cienco4 vẫn đang phát huy hiệu quả cho đến hiện tại", ông Thọ nói.

Theo ông Thọ, Cienco4 đã khẳng định đầu tư giao thông theo phương thức đối tác công - tư (PPP) nói chung và hình thức BOT nói riêng là quyết sách đúng đắn của Nhà nước.

Hình thức đầu tư này huy động được nguồn vốn tư nhân, phát huy được sức mạnh tổng thể nguồn lực đầu tư cho các dự án giao thông, thế nhưng, lãnh đạo Cienco4 vẫn không khỏi trăn trở khi việc thực thi Luật PPP còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo sự bình đẳng, sòng phẳng giữa các chủ thể trong hợp đồng, chưa khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới là một ví dụ. Ở dự án này, Cienco4 đã hoàn thành nghĩa vụ theo đúng hợp đồng BOT và quy định của pháp luật.

Khi đưa vào khai thác, dự án cũng nhanh chóng phát huy hiệu quả, tăng tính kết nối, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và kinh tế vùng nói chung (Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn). Song, quá trình quản lý, vận hành, nhà đầu tư gặp muôn vàn khó khăn: mới triển khai thu phí được một trạm trên tuyến mới, lộ trình tăng phí chưa được đảm bảo theo hợp đồng,…

Từ thiếu thốn thiết bị, việc làm Cienco4 "vượt dốc" thành "ông lớn" thi công giao thông - Ảnh 4.

Núi giao hầm chui Lê Văn Lương có mặt bằng thi công hẹp. Ảnh: Thế Anh

"Từ năm 2017 đến nay, tổng doanh thu đến từ việc thu phí của dự án chỉ đạt khoảng 120 tỷ đồng, đạt 8,7% so với doanh thu dự kiến (1.400 tỷ đồng). Hàng tháng, nhà đầu tư vẫn phải tự bỏ "tiền túi" để trả nợ ngân hàng 16 - 17 tỷ đồng", ông Thọ giãi bày.

Ông Thọ mong muốn các cấp chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, đảm bảo sự hài hòa lợi ích của nhà nước và các nhà đầu tư để các dự án BOT không trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp giao thông hay tổ chức tín dụng tài trợ vốn.

"Khó khăn là vậy nhưng không vì thế thương hiệu Cienco4 "mai một" trong lĩnh vực đầu tư BOT dự án giao thông", ông Thọ khẳng định.

Cho đến nay, Cienco4 đã từng khẳng định tên mình là nhà thầu có năng lực tại các dự án gồm: Gói thầu Xây lắp số 1 thuộc Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; Gói thầu xây lắp hạng mục giao thông, thoát nước thuộc dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; Gói thầu số 08 thi công xây dựng hầm Lê Văn Lương – Vành đai 3; Gói thầu XL-02 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; Gói thầu số 2-XL thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Phan Thiết – Dầu Giây...

Và ngay sau khi hoàn thành dự án hầm chui 700 tỷ tại Lê Văn Lương tại TP.Hà Nội, liên danh Cienco4 - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Công trình 3 đã trúng thầu thi công xây dựng hầm chui Vành đai 2,5 Hà Nội. Gói thầu này có tổng giá trị 560 tỷ đồng, thời gian thực hiện gói thầu trong vòng 30 tháng.

Hiện, Cienco4 cũng đang là những nhà thầu thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam như gói thầu XL04 Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; Gói XL02 dự án Dầu Giây - Phan Thiết.... Mới đây, Cienco4 tiếp tục trúng thầu gói thầu XL04: Xây dựng đoạn Km64+272 – Km84+554 tuyến nối Lai Châu thuộc dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem