Từ việc chàng thanh niên hiến đầu: “Ghép đầu” sẽ được thực hiện ra sao?

Diệu Linh Thứ năm, ngày 11/08/2016 15:52 PM (GMT+7)
Tâm nguyện của chàng trai Phạm Sỹ Long (28 tuổi, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) xin được “hiến đầu” để thực hiện cấy ghép đang khiến dư luận chú ý. Thực tế người “hiến đầu” là người nhận “cơ thể” chứ không phải là người “cho”.
Bình luận 0

img

Chàng thanh niên có nguyện vọng được “hiến đầu” cho khoa học.

Hiện tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cũng có 5 trường hợp khác cũng xin được “hiến đầu” như vậy. Tuy nhiên, thực tế, nếu ca ghép đầu có thể trở thành hiện thực, thành công thì những người tình nguyện ghép đầu không phải “cho” mà chính là người “nhận”. Họ cũng nhận được không chỉ là “bộ phận cơ thể” mà toàn bộ cơ thể khoẻ mạnh của người cho chết não.

Trước đó, GS-TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã chia sẻ chi tiết về một ca ghép đầu lý tưởng. Theo đó, người nhận là những người bị liệt toàn thân do bệnh lý bẩm sinh hoặc do tai nạn nhưng đầu óc vẫn minh mẫn. Các bác sĩ sẽ cắt rời đầu của họ và ghép vào một cơ thể khoẻ mạnh từ người cho chết não.

Quá trình phẫu thuật dự tính sẽ như phim kinh dị. Theo GS Sơn, mấu chốt quan trọng nhất là phải thiết kế được một lưỡi dao cực sắc để cắt đầu ra mà không làm dập, làm tổn thương các dây thần kinh, mạch máu, tuỷ sống. Oxy sẽ liên tục được bơm lên não để đảm bảo không bị chết não. Cơ thể người cho chết não cũng sẽ được cắt tương tự, sau đó ghép vào đầu người. Điều khó nhất chính là đảm bảo đầu và cơ thể sau khi bị cắt rời vẫn “sống” và phục hồi các chức năng sau khi được nối liền. Ê kíp phẫu thuật sẽ nối các dây thần kinh, mạch máu giữa đầu và cơ thể. Tuỷ sống dự tính sẽ được gắn bằng một loại keo đặc biệt. Cơ thể sau khi được gắn đầu sẽ được làm hôn mê một thời gian dài để đảm bảo đầu và cơ thể “kết nối” với nhau.

Theo GS Sơn, trên thế giới hiện có bác sĩ Sergio Canavero (Ý) đã nghiên cứu về việc cấy ghép đầu người này suốt 30 năm. Thậm chí ông đã chuẩn bị xong một ê kíp phẫu thuật gồm hơn 150 người để dự định thực hiện ca ghép đầu đầu tiên vào năm 2017. GS Sơn cho biết, kỹ thuật ghép đầu đã được thực hiện trên 1.000 con chuột, các con chuột này có thể thở, nhìn, uống nước nhưng đáng tiếc chỉ sống được vài phút.

“Các tiến bộ y học sẽ không ngừng phát triển, biến những điều không thể thành có thể. Việt Nam đã thành công trong nhiều ca cấy ghép tạng rất khó và luôn sẵn sàng học hỏi các kỹ thuật mới. Đến một ngày nếu kỹ thuật ghép đầu thành công, Việt Nam được phép ghép đầu, có người đồng ý ghép thì việc mời ê kíp của bác sĩ S.Cavaneo đến Việt Nam để học hỏi và thực hiện cấy ghép là điều có thể” – GS Sơn cho biết.

Tuy nhiên, PGS Nguyễn Tiến Quyết – nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức – chuyên gia ghép tạng nhận định, giấc mơ “ghép đầu” vẫn còn xa mới thành hiện thực. Bởi đầu có rất nhiều dây thần kinh rất khó nối, đặc biệt dây thần kinh cột sống hiện vẫn chưa có nước nào trên thế giới ghép được. 

Còn ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), nếu một ngày việc cấy ghép đầu có thể thành sự thật thì người “nhận cơ thể” sẽ chịu trách nhiệm về nhân thân. Tuy nhiên đến lúc đó, vân tay lại không thể dùng trong chứng minh thư của người được ghép thân, lúc đó luật pháp sẽ có điều chỉnh để phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem