Từ việc Chủ tịch Thành phố và Bộ trưởng hỏi qua đáp lại: Nhìn thẳng vào sự thật mới phát triển được

Phan Văn Lâm Thứ tư, ngày 17/05/2023 06:30 AM (GMT+7)
Cái khó nhất của cá nhân con người và tổ chức là không dám nhìn thẳng vào chính mình một cách khách quan để biết mình đang trong trạng thái nào, yếu cái gì và cần khắc phục sửa chữa những sai lầm nào, mà chỉ thích nêu bật thành tích dù to hay nhỏ, thích được tô vẽ lên một gam màu sáng.
Bình luận 0

Chính vì thế ở đâu có cá nhân và tổ chức như thế thì ở đó còn chậm tiến và ở đó khó có tiếp thu những phản biện tích cực trong xã hội. Nhân chuyện Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỏi – đáp vừa qua, xin có ý kiến về thực trạng này

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay năm 2022, TP Hồ Chí Minh có 584 văn bản hỏi ý kiến Bộ nhưng hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố, Bộ đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của TP Hồ Chí Minh. 

"Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau. Trung bình mỗi ngày, Bộ phải trả lời cho thành phố hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác, trong khi trách nhiệm đã được phân công, phân cấp" - ông Dũng nói tại buổi làm việc giữa Thủ tướng và TP Hồ Chí Minh ngày 16.4 vừa qua.

Liên quan đến vấn đề này Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, qua phân tích, các văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thuộc 4 nhóm vấn đề. Cụ thể, nhóm 1 là văn bản hỏi về các vấn đề thực tiễn của thành phố phát sinh nhưng quy định pháp luật chưa có. Nhóm 2 là những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa luật này và luật kia. Nhóm 3 là đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau. Nhóm 4 là đã có quy định rõ nhưng còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên hỏi. Nhưng 3 nhóm kia là phải hỏi. Và trong hơn 600 văn bản trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư "cũng có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào trả lời đó cũng không biết sao mà làm".

Như vậy chỉ riêng TP.HCM chúng ta đã thấy vấn đề đã rắc rối vô cùng. Tuy nhiên qua  thực tế làm việc tác giả cũng nhận thấy không riêng gì TP.HCM, Bộ kế hoạch và đầu tư, mà các tỉnh thành và bộ ngành khác cũng đang tình trạng chung này. 

Đây chỉ là tảng băng nổi trong muôn vàn tảng  băng chìm khác trong xã hội, thế mới biết người dân và doanh nghiệp để có một thủ tục hành chính hoàn thành gặp muôn vàn khó khăn trắc trở, không dễ gì để có được nó. Do vậy việc phát sinh tham nhũng, tiêu cực là điều dễ hiểu và các thủ tục hành chính gặp nhiều vướng mắc như vậy thì công việc chậm trễ, thậm chí không trôi, không hoàn thành rất nhiều, lãng phí thời gian, tiền của và mất đi bao nhiêu cơ hội trong cuộc sống. 

Nếu là những công việc liên quan đến vốn thì có thể thấy hệ số quay vòng vốn thấp thì đương nhiên hiệu quả chẳng lấy gì cao. Mặt khác chỉ tính riêng thời gian chờ hỏi đáp( kể cả hỏi đúng và đáp đúng) cũng đã kéo dài, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân khi tiếp cận thủ thục hành chính.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là gì?

Một là, chúng ta phải thừa nhận một sự thật không ít cán bộ trình độ không tương xúng với bằng cấp chuyên môn, nghề nghiệp, kiến thức pháp lý của cán bộ công chức khi tiếp cận văn bản luật, văn bản dưới luật khi thực thì nhiệm vụ còn mơ hồ, chưa nhận thức đầy đủ về những quy định của pháp luật nên không tự tin để áp dụng, triển khai công việc, tâm lý sợ sai, sợ phải chịu trách nhiệm với việc mình làm.

Tình trạng nhiều cán bộ có tư tưởng những công việc nào có lợi ích cho cá nhân, người thân thì nhiệt tình làm, việc nào dễ, rõ ràng thì làm còn không thì để đấy xem xét, hỏi ý kiến chỗ nọ chỗ kia, đùn đẩy nhau là không hiếm trong thực tế hiện nay. 

Vậy nên làm như thế nào, cán bộ là từ dân chúng mà ra, trong nhân dân nuôi dưỡng rất nhiều con người có tài có đức. Chính sách thu hút, tuyển dụng của ta đã đủ sức hấp dẫn, đã thực sự chọn đúng người tài, đã đúng nhân tài lựa chọn nhân tài, người liêm chính lựa chọn người liêm chính cho Đảng, bộ máy Nhà nước chưa? 

Trong công tác tuyển dụng chúng ta đã thực sự thi tuyển nghiêm túc, công khai, minh bạch để lựa chọn cán bộ theo thứ hạng? Hay ở đâu đó vẫn là hình thức, hay vì hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đệ tử? 

Bởi xưa nay chúng ta cũng biết người tài, bản lĩnh như ta đang đề cập đâu có chịu nịnh bợ, đâu có chịu khuất phục, hay chịu mua chuộc…muốn có những con người như vậy ắt phải có một thế hệ cán bộ có cùng quan điểm và lẽ sống. Phải làm sao trong xã hội người gù đúng là người khuyết tật, không thể người thẳng là người có tật trong thế giới người gù. 

Tôi nghĩ trong bộ máy Nhà nước chúng ta không ít những cán bộ có tiêu chuẩn đảm bảo như vậy, tuy nhiên phải làm sao đánh thức, khích lệ họ hành động đầy trách nhiệm, với thái độ phục vụ trong công việc mỗi ngày.

Hai là hệ thống pháp luật, các văn bản dưới luật của nước ta hiện nay chưa minh định rõ ràng, rất nhiều điều luật định tính chung chung. Trong một vấn đề nhưng có quá nhiều luật điều chỉnh dẫn đến việc chồng chéo làm cho người thực thi nhiệm vụ không biết nên lựa chọn phương án nào, theo luật này thì đúng, theo luật kia thì sai. 

Sự cồng kềnh, bất cập và mâu thuẫn, chồng chéo làm giảm tính minh bạch của pháp luật, khiến cho pháp luật trở nên phức tạp, khó hiểu và khó áp dụng, hiệu lực và hiệu quả điều chỉnh thấp. Sự xung đột, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các đối tượng phải tuân thủ pháp luật. 

Đồng thời, các xung đột, chồng chéo này cũng là những cản trở đối với việc thực hiện pháp luật, làm giảm niềm tin vào pháp luật. 

Chúng ta có thể bắt gặp sự chồng chéo giữa Luật Đất đai với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hay Luật Xây Dựng với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…việc này ngay cả những người làm luật còn thấy bất cập, rắc rối nói gì tới nhũng người không chuyên. 

Có thể thấy một trong những hạn chế lớn trong xây dựng pháp luật là chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và thiếu tính ổn định của hệ thống pháp luật. Tần suất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản pháp luật còn rất cao. Nhiều văn bản pháp luật tuổi thọ rất ngắn, thậm chí mới ban hành đã phải tạm hoãn thực hiện hoặc phải sửa đổi, bổ sung như Bộ Luật Hình Sự 2015 vừa qua…  

Để tháo gỡ những vấn đề tồn tại pháp luật hiện nay là không hề đơn giản, đòi hỏi phải có thời gian và sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Vì vậy việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gắn với việc rà soát, đánh giá, xem xét, dự kiến bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, không đúng thẩm quyền, không minh bạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đối với đời sống xã hội. 

Đặc biệt cần có cơ quan chuyên trách về xây dựng pháp luật độc lập, chuyên sâu để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, để cuộc sống đi vào luật và luật đi vào cuộc sống.

Như vậy, những sự thật hạn chế cần được nhìn rõ ràng và chấp nhận nó để sửa sai, sớm tìm ra giải pháp cho những tồn tại. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là thấy rồi liệu có hành động hay không, hành động quyết liệt hay chỉ hô hào, làm chiếu lệ và phải hành động như thế nào cho khoa học và phải giải quyết được những vướng mắc của cuộc sống và có tính kiến tạo để phát triển đất nước trong thời kỳ mới hiện nay. 

Tôi vẫn mong sao chúng ta xây dựng được hệ thống pháp luật và tuyển dụng được hệ thống công chức mà hạn chế được tối đa câu chuyện như TP Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư như vừa qua, để đưa đất nước ta ngày càng phát triển thịnh vượng hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem