Từ vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị tố cáo, thời gian giải quyết đơn tố cáo trong bao lâu?

Nguyễn Đức Thứ tư, ngày 27/10/2021 09:02 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM đã gửi đơn tố giác tội phạm liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng. Thời gian giải quyết đơn tố cáo trong bao nhiêu lâu; quy trình xử lý tiếp theo của cơ quan cảnh sát điều tra sẽ như thế nào?
Bình luận 0

Nóng: Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM gửi đơn tố giác tội phạm liên quan đến CEO Nguyễn Phương Hằng 

Ca sĩ Vy Oanh yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với CEO Nguyễn Phương Hằng

Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM gửi đơn tố giác tội phạm liên quan đến CEO Nguyễn Phương Hằng

Liên quan đến thông tin bà Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) bị tố cáo về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, chuyện một nhà báo tố cáo nữ doanh nhân ở Bình Dương (người thường xuyên livestream trên mạng xã hội để "tố cáo" những sai phạm của nghệ sĩ) không phải là chuyện mới.

Tuy nhiên, một nhà báo có nhiều năm kinh nghiệm, lại giữ chức vụ phó tổng biên tập của một tờ báo pháp luật lớn làm đơn tố cáo một nữ doanh nhân đó là chuyện hiếm gặp.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển được đánh giá là người có chuyên môn sâu, am hiểu sâu sắc về pháp luật, không ngại va chạm và sẵn sàng phanh phui những sự việc sai phạm đến cùng bằng pháp luật. Bởi vậy, việc nhà báo này tố cáo nữ doanh nhân Bình Dương sẽ là một câu chuyện gây chú ý trong dư luận. Có thể sự việc sẽ sớm có kết luận của cơ quan bảo vệ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan theo quy định pháp luật.

Từ vụ CEO Nguyễn Phương Hằng bị tố cáo, thời gian giải quyết đơn tố cáo trong bao lâu? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng trong một buổi livestream trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình. Ảnh: Thiên Tường

Pháp luật quy định quyền tố cáo của công dân, quyền tố giác tội phạm của công dân. Tuy nhiên việc thực hiện quyền tố cáo, tố giác tội phạm phải theo trình tự, thủ tục luật định. 

Khi chưa có căn cứ rõ ràng không được phép loan tin, bịa chuyện, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác hoặc quy kết người khác phạm tội khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng.

"Bởi vậy, nếu người tố cáo không có căn cứ thì hành vi đó có thể là hành vi vu khống, vi phạm pháp luật. Việc tố cáo có thể bằng văn bản hoặc trực tiếp trình bày với cơ quan chức năng, tuy nhiên việc tố cáo phải kèm theo tài liệu chứng cứ để chứng minh cho nội dung tố cáo", luật sư Cường nói.

Ngoài ra, theo vị này, đối với các phát ngôn trên mạng xã hội có tính chất tố cáo mà thiếu căn cứ rất dễ bị xử lý về hành vi đưa tin sai sự thật hoặc hành vi vu khống. 

Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xem xét giải quyết khi có đơn thư hoặc khi cơ quan chức năng xét thấy vụ việc ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên vào cuộc làm rõ.

Thời gian giải quyết đơn tố cáo trong vòng 20 ngày

Luật sư Cường cho biết thêm, việc Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM gửi đơn tố giác tội phạm liên quan đến CEO Nguyễn Phương Hằng cũng gây bất ngờ với nhiều người. 

Pháp luật khuyến khích mọi người dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm. Bởi vậy, trong trường hợp phát hiện hành vi của người khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân hoặc xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của mình mọi công dân đều có quyền tố cáo, tố giác tội phạm.

Đơn thư tố cáo tố giác tội phạm có thể gửi đến cơ quan điều tra nơi sự việc xảy ra hoặc gửi đến các cơ quan bảo vệ pháp luật. Việc tố cáo tố giác tội phạm cũng có thể được thực hiện trực tiếp bằng cách trình bày với cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ngoài ra, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin tình hình dư luận xã hội mà cơ quan điều tra thấy có căn cứ cho thấy có hành vi vi phạm pháp luật cơ quan điều tra cũng sẽ thụ lý tin báo để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Khi có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự từ việc tiếp nhận đơn thư trình báo tố giác tội phạm, từ việc thanh tra kiểm tra hoặc từ các thông tin trên các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội cơ quan điều tra có thể thụ lý tin báo để tiến hành xác minh làm rõ sự việc.

Thủ tục giải quyết tin báo tố giác tội phạm được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT năm 2017.

Từ vụ CEO Nguyễn Phương Hằng bị tố cáo, thời gian giải quyết đơn tố cáo trong bao lâu? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Thời gian giải quyết xác minh tin báo tố giác tội phạm là 20 ngày, với những vụ việc phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá hai tháng. Theo hướng dẫn của thông tư nêu trên, viện kiểm sát cùng cấp có thể gia hạn xác minh tin báo một lần nhưng không quá hai tháng.

"Như vậy theo các quy định pháp luật nêu trên thì tổng thời gian xác minh tin báo tố giác tội phạm sẽ không quá bốn tháng. Hết thời hạn nêu trên cơ quan điều tra sẽ phải quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự và các bên đường sự có quyền khiếu nại đối với các quyết định này", luật sư Cường nói thêm.

Vụ việc Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM gửi đơn tố giác tội phạm liên quan đến CEO Nguyễn Phương Hằng cũng vậy. 

Trong trường hợp quá trình giải quyết các đơn thư tố cáo của các nhà báo, các nghệ sĩ, những người được nhắc tên trong các buổi livestream của nữ doanh nhân Bình Dương mà cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có hành vi vu khống, làm nhục người khác hoặc có hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì sẽ khởi tố vụ án hình sự và tiến hành điều tra, xử lý người vi phạm theo quy định pháp luật.

Trường hợp cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự sẽ phải ban hành quyết định và người tố cáo có quyền khiếu nại đối với quyết định này. 

Việc khởi tố vụ án hình sự hay không phải căn cứ vào các tài liệu chứng cứ mà các bên đường sự xuất trình, căn cứ vào các tài liệu mà cơ quan chức năng cung cấp và các tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được trong quá trình xác minh tin báo.

Cũng liên quan đến vụ việc, ông Phạm Văn Hòa, nguyên Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho hay, mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận cũng phải thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, phải theo quy định của luật tố cáo, bộ luật tố tụng hình sự, tránh việc suy diễn, xuyên tạc, quy kết thay cơ quan chức năng.

"Trong vụ việc của CEO Nguyễn Phương Hằng, tôi cho rằng các cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ, những người có hành vi bịa đặt vu khống, xúc phạm đến người khác phải được xử lý nghiêm", ông Hòa nói.

Nguyên Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội cũng khuyến cáo, trong trường hợp người dân phát hiện ra sai phạm, vi phạm pháp luật của người khác cần thu thập các thông tin tài liệu trong phạm vi có thể để cung cấp cho cơ quan điều tra xác minh làm rõ và xử lý.

Khi cơ quan điều tra chưa xác minh, chưa kết luận không được phép quy kết, kết luận thay cơ quan chức năng. Bởi mọi tổ chức, cá nhân đều phải chịu trách nhiệm đối với việc đưa tin trên mạng xã hội, đặc biệt là khi phát ngôn trong thời điểm bị cảm xúc chi phối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem