Từ vụ ngộ độc cá chép ủ chua: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ từ đồ đóng hộp, đựng trong túi hút chân không

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 21/03/2023 06:00 AM (GMT+7)
Từ chùm ca ngộ độc cá chép ủ chua ở Quảng Nam, chuyên gia công nghệ sinh học, thực phẩm cảnh báo người dân nên đặc biệt cẩn trọng và lưu ý các nguyên tắc phòng ngộ độc botulinum.
Bình luận 0

Tất cả các thực phẩm nếu không đảm bảo đều có nguy cơ để vi khuẩn botulinum phát triển

Liên quan đến vụ 10 người bị ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum sau khi ăn cá chép muối chua ở Quảng Nam, theo thông tin cập nhật từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), 3 bệnh nhân tiên lượng nặng đã được chỉ định truyền thuốc giải độc tố Clostridium Botulinum. Hai trường hợp còn lại tiếp tục theo dõi sát tình trạng, để quyết định có sử dụng thuốc giải BAT hay không.

Từ vụ ngộ độc cá chép ủ chua: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ từ đồ đóng hộp, đựng trong túi hút chân không  - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị một ca ngộ độc. Ảnh: BVCC

Được biết, tất cả các bệnh nhân ngộ độc đều ăn cá muối ủ chua tự làm, chứ không phải do một cơ sở sản xuất. Cá muối chua là món ăn truyền thống của người Giẻ Triêng ở Quảng Nam, gia đình tự chế biến với nguyên liệu là cá chép, muối, cơm hoặc bột ngô, ớt trộn, ủ trong hũ kín khoảng ít nhất 7 ngày thì ăn được. 

Theo các chuyên gia, việc chất lượng thực phẩm không đảm bảo, quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh, lại được ủ trong hũ kín là môi trường yếm khí nên vi khuẩn botutinum dễ hình thành và phát triển. 

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho rằng, không chỉ món cá ủ muối chua, tất cả các thực phẩm nếu không đảm bảo, ở trong môi trường yếm khí thì đều có nguy cơ để vi khuẩn botulinum phát triển. 

"Thực tế, đã có vụ ngộ độc pate Minh Chay với nhiều trường hợp nguy kịch phải nhập viện do ngộ độc botulinum. Clostridium botulinum là vi khuẩn kỵ khí, có nghĩa là môi trường càng đóng càng kín bao nhiêu thì nó càng sinh nhiều chất độc bấy nhiêu. Do vậy các loại thực phẩm đóng hộp, kể cá thực phẩm bảo quản trong túi hút chân không đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn này. 

Tất nhiên, không phải loại thực phẩm nào đóng họp cũng có botulinum, mà chỉ khi quá trình chế biến, sản xuất, đóng gói… nhà xưởng, người làm không đảm bảo vệ sinh. Một điều kiện khác cũng khiến thực phẩm dễ bị nhiễm botulinum đó qua quy trình sản xuất không được diệt khuẩn sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi và sinh ra độc tố", ông Thịnh thông tin.

Cẩn trọng với thực phẩm đóng hộp handmade bán nhiều trên mạng

Ông Thịnh cũng cảnh báo các loại thực phẩm đóng hộp theo kiểu handmade đang được bán nhiều trên mạng, hay các loại thực phẩm để trong túi hút chân không lâu ngày không sử dụng sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ nhiễm botulinum cao. Với loại vi khuẩn này, thời gian đóng gói càng lâu, bảo quản trong thời gian dài thì nguy cơ vi khuẩn phát triển càng nhanh và nhiều. Khi đó, nếu ăn phải thực phẩm này thì nguy cơ ngộ độc càng nặng. 

Từ vụ ngộ độc cá chép ủ chua: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ từ đồ đóng hộp, đựng trong túi hút chân không  - Ảnh 2.

Vi khuẩn Clostridium botulinum hay còn gọi là vi khuẩn độc thịt. Ảnh minh hoạ

"Đặc biệt, vi khuẩn Clostridium botulinum có khả năng tự tạo ra nha bào, nằm lẫn trong đất cát. Khi có điều kiện thuận lợi, nhất là trong thức ăn đóng hộp, nha bào sẽ tái hoạt động, sinh sản, phát triển và tạo ra độc tố botulinum. Phòng và diệt độc tố botulinum không khó", ông Thịnh nhấn mạnh.

Để phòng ngộ độc botulinum, Bộ Y tế khuyến cáo việc sản xuất thực phẩm, nhất là thực phẩm đóng hộp phải đảm bảo điều kiện an toàn, tiệt trùng dụng cụ ở nhiệt độ cao, nấu trong điều kiện thủ công sẽ khó diệt được vi khuẩn. Với việc sử dụng túi hút chân không, việc này có thể bảo quản thực phẩm được lâu hơn, tuy nhiên cần bảo quản đông đá, nếu để ở nhiệt độ bình thường hoặc ngăn mát thì sử dụng trong thời gian ngắn. 

Đặc biệt, Bộ Y tế khuyên người dân khi chế biến món ăn cần phải được nấu chín, vì độc tố botulinum không bền với nhiệt, bất hoạt ở 80 độ C và phân hủy ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút. Loại vi khuẩn này không phát triển được trong môi trường có độ pH dưới 4,6, do vậy khi người dân muối dưa, muối cà, măng… cần phải che đậy kín, đảm bảo đủ độ chua, mặn mới dùng. 

Khi thực phẩm hết chua không nên ăn. Nếu ăn phải thực phẩm nhiễm botulinum từ 12-36 giờ, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên có những trường hợp phát tác chậm có thể kéo dài 6-8 ngày. 

Các triệu chứng ban đầu bao gồm nôn, buồn nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón. Biểu hiện đặc trưng của ngộ độc botulium là liệt thần kinh đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống tay, chân. Trên mặt có thể có biểu hiện sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng. Sau đó liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân…

Bệnh viện Chợ Rẫy gửi công văn hoả tốc đến Bộ Y tế

Tối 20/3, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, vừa gửi công văn hỏa tốc đến Bộ Y tế và Cục Quản lý khám, chữa bệnh để cập nhật báo cáo về chùm ca ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam.

Theo đó, diễn biến và tình trạng của các ca bệnh được cập nhật đến ngày 20/3 như sau:

Bệnh nhân HVĐ (57 tuổi) vào ngày 18-3, tình trạng lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, thở máy, không có nhịp tự thở, được truyền BAT. Ghi nhận lúc 10 giờ ngày 19/3, bệnh nhân gọi hỏi biết, thực hiện được y lệnh chậm, sức cơ tứ chi 2/5, có nhịp tự thở yếu. Đến ngày 20/3, bệnh nhân lơ mơ, còn dùng an thần. Cơ lực hai bên cải thiện hơn, sức cơ 3/5. Tiên lượng dè dặt.

Bác sĩ đánh giá đây là bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất đã có cải thiện sau 20 giờ truyền thuốc giải độc.

Tình trạng sức cơ bệnh nhân có cải thiện, tuy nhiên còn phụ thuộc máy thở. Hiện tại bệnh nhân viêm phổi liên quan thở máy, đã chuyển đổi kháng sinh hướng viêm phổi. Tuy nhiên, kháng sinh hướng điều trị nhiễm khuẩn đa kháng tại BV Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam hiện không đủ và đã đề nghị BV này báo cáo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam.

Bệnh nhân HVĐ (26 tuổi) vào ngày 18/3, tình trạng tỉnh đừ, tiếp xúc chậm, yếu tứ chi sức cơ 2/5, suy hô hấp, thở máy, có nhịp tự thở rất yếu, được truyền BAT. Ghi nhận lúc 10 giờ ngày 19/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh. Sức cơ tứ chi 4/5, có nhịp tự thở khá hơn.

Vào ngày 20/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, thực hiện được y lệnh, đã ngưng an thần, nuốt được, mở miệng 4 cm. Đây là bệnh nhân bị ngộ độc nặng có cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc, có khả năng khởi động cai máy thở, tiên lượng khá. Tình trạng sức cơ có cải thiện, đang chuyển sang chế độ thở CPAP để bệnh nhân tự thở, kế hoạch cai máy trong một hai ngày tới.

Bệnh nhân HTT (37 tuổi) ngày 18/3 còn tỉnh đừ, tiếp xúc chậm, yếu tứ chi sức cơ 1/5 - 2/5, suy hô hấp, thở máy, có nhịp tự thở rất yếu, rối loạn nhịp tim chậm, đang được đặt máy tạo nhịp, được truyền BAT.

Đến 10 giờ ngày 19/3, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh. Sức cơ tứ chi 4/5, có nhịp tự thở khá hơn, đã giảm ngưỡng kích máy tạo nhịp. Ngày 20-3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, thực hiện được y lệnh, đã ngưng an thần, nuốt được, mở miệng 5 cm. BS đánh giá bệnh nhân hồi phục tốt, đã cai máy và rút ống nội khí quản sáng nay. BS sẽ tiếp tục theo dõi sát hô hấp sau rút ống nội khí quản.

Hai bệnh nhân là HTM (24 tuổi) và HTC (12 tuổi) ngộ độc botulinum mức độ nhẹ, không có chỉ định truyền BAT vào ngày 18-3. Đến 10 giờ ngày 19/3, cả hai bệnh nhân tỉnh, thấy khoẻ hơn, sinh hiệu ổn. Sức cơ tứ chi 4/5-5/5, không khó thở, không nuốt khó. Đến 20-3, cả hai bệnh nhân đều có tiến triển ổn định, hiện sức cơ bình thường, ngưng oxy, ăn qua miệng.

Nhận định chung đối với ba ca bệnh nhân ngộ độc mức độ nặng, các chuyên gia cho rằng cả ba bệnh nhân đều có cải thiện bước đầu khá tốt sau truyền thuốc giải độc BAT. Hiện đã rút nội khí quản một trường hợp, một trường hợp có khả năng rút nội khí quản trong 1-2 ngày tới, chỉ còn 1 ca tiên lượng dè dặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem