Từng bị gọi là "gã điên", nay ông nông dân Thái Bình có 25ha lúa, mỗi năm thu 200 tấn thóc
Từng bị gọi là "gã điên", nay ông nông dân Thái Bình có 25ha lúa, mỗi năm thu 200 tấn thóc
Trần Quang
Thứ sáu, ngày 30/08/2024 06:00 AM (GMT+7)
Khi nhiều người ở làng bỏ ruộng hoang, ông Tô Văn Khải đã kiên trì gom lại và đầu tư tiền tỷ mua sắm nhiều máy móc để trồng lúa. Sau hơn 3 năm, giờ đây, nông dân này đã là đại điền làm chủ cánh đồng rộng hàng chục hecta, thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Ông Tô Văn Khải chia sẻ kinh nghiệm làm giàu từ cánh đồng lớn.
Gom ruộng, bỏ tiền tỷ mua máy móc để làm cánh đồng mẫu lớn
Ngày đầu mùa thu, trò chuyện trong lúc dẫn chúng tôi đi thăm đồng, ông Khải cho biết, trước đây cánh đồng xã An Ninh lầy lội, trũng quá nên nhiều người gọi là chiêm khê mùa thối.
Nhiều nông dân cấy lúa lâu năm, kinh nghiệm đầy mình cũng phải bỏ ruộng đi tìm việc khác. Có người ngồi ở nhà chơi cũng quyết không làm ruộng, vì lội ruộng cực quá, vụ mùa cũng bấp bênh nên ai cũng chán.
"Nhiều người bỏ ruộng hoang hàng chục năm nhưng vẫn không cho mượn, thuê hay bán. Vì mọi người sợ mất ruộng. Tôi tiếc quá nên phải đi từng nhà vận động, về sau được vài hecta nên quyết định mua máy về làm ngay", ông Khải kể.
Khoảng năm 2021, nhà nước có chủ trương thu hồi đất trang trại rộng hàng nghìn mét vuông của gia đình ông Khải để làm khu công nghiệp. Số tiền đền bù được khoảng hơn 3 tỷ đồng, sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, cuối cùng ông vẫn quyết định bỏ hơn 2 tỷ đồng để mua sắm máy cày, máy cấy, thiết bị bay không người lái… về để gom ruộng cấy lúa.
"Thời điểm tôi mua máy móc, có nhiều người bảo tôi điên vì trong làng nhiều người bỏ ruộng cho cỏ mọc hàng chục năm nay, giờ tôi lại đổ tiền tỷ vào trồng lúa. Thậm chí có người nhà có ý ngăn cản nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai, quyết đưa hết máy về để thực hiện ước mơ đại điền của mình", ông Khải nhớ lại.
Ông Khải kể: Trong cuộc đời mình, có mấy lần ông bị dân làng An Ninh gọi là điên. Lần đầu khoảng những năm 2000, khi cả dân làng đang trồng lúa, ông quay ngoắt sang mua xe bồn hàng trăm triệu đồng đi hút thuê bể phốt cho các nhà ở phố.
"Ngày đấy có người bảo tôi là gã điên, bị ngáo đá, thần kinh vì đi hút phân thải để sinh bệnh. Nhưng lúc đó, nghề hút thuê bể phốt đang thịnh, nhu cầu của người dân ở phố rất nhiều, có thời điểm một ngày tôi vừa hút rồi chở về bán cho các trang trại trồng trọt kiếm được hàng chục triệu đồng. Mấy năm nay tôi chuyển giao nghề cho thành viên khác trong gia đình", ông Khải tiết lộ thêm.
Lần thứ 2 khoảng năm 2018, ông bỏ nhà ra bờ sông lập trang trại nuôi lợn. Khi đó ở địa phương chưa có trang trại lớn, bà con chỉ nuôi nhỏ lẻ vài con nên ông đổ tiền tỷ vào chăn nuôi khiến ai cũng nghi ngờ bảo ông "nổ". Làm trang trại được vài năm, địa phương có chủ trương thu hồi đất làm dự án khu công nghiệp, ông Khải mới quay về gom đất làm lúa.
Ngày ông đưa máy ra đồng, cỏ cây vẫn mọc ngập đầu người, lút cả máy. "Thời gian đầu san gạt ruộng cũng gian nan lắm, có đoạn tôi phải dùng máy xúc để san mới làm được. Vụ đầu tôi làm thử nghiệm trước vài ha, tăng lượng phân, đạm chăm bón khoảng trên 10kg phân, đạm (gấp đôi so với ruộng thường) nên cho hiệu quả ngay, trung bình mỗi sào chúng tôi thu về khoảng gần 2 tạ lúa nên mọi người trong làng ai cũng bất ngờ", ông Khải chia sẻ.
Liên kết trồng lúa để giảm chi phí
Sau vụ đầu tiên thắng lợi, tiếng lành đồn xa, ông Khải lại gom được thêm nhiều ruộng hơn. Để làm ăn lớn, ông Khải liên kết với các thành viên trong HTX An Ninh để cùng mua phân bón, thuốc BVTV… tận nhà máy nên luôn rẻ hơn thị trường khoảng từ 20-30% lại được sản phẩm chất lượng cao.
Theo ông Khải, khi tham gia liên kết, các thành viên HTX được hỗ trợ 10kg thóc giống/sào và được hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất rất bài bản, hiệu quả.
"Nhờ trồng lúa liên kết nên chúng tôi giảm được nhiều chi phí. Mỗi năm riêng gia đình tôi sử dụng hàng trăm tấn phân bón, thuốc BVTV, tính ra giảm được hàng chục triệu đồng/vụ, đây là khoản tiền mà nhiều nông dân trồng lúa mơ ước", ông Khải khẳng định.
Hàng năm ông Khải cấy khoảng 25ha giống lúa Nhật. Do các khâu sản xuất được áp dụng cơ giới hóa triệt để từ máy cày, làm đất, máy cấy, máy bay phun thuốc, bón phân nên nhân công, chi phí giảm đáng kể.
Làm 25ha nhưng ông Khải chỉ cần khoảng 2 người nên chi phí giảm tối đa. Ông Khải tính toán: Trung bình mỗi sào, giá thành sản xuất chỉ khoảng 800.000 - 900.000 đồng gồm tiền mua giống, đất làm mạ, phân bón, thuốc BVTV, xăng, dầu chạy máy, phí dịch vụ HTX,...
"Hiện, mỗi năm tôi cấy 2 vụ thu về khoảng trên 200 tấn lúa. Khi thu hoạch, xe của thương lái đỗ tận ruộng thu mua lúa tươi với giá khoảng từ 7.500 - 8.300 đồng/kg. Mỗi năm cánh đồng lúa mang lại cho gia đình doanh thu tiền tỷ", ông Khải khoe.
Ở nhiều địa phương miền Bắc, nông dân vẫn e ngại sản xuất vụ lúa mùa vì thời điểm này thời tiết thất thường nhất trong năm, làm lúa không chắc ăn nhưng ông Tô Văn Khải vẫn rất tự hào: Đến giờ làm cánh đồng lớn bằng cơ giới hóa triệt để, tôi có thể tự tin sản xuất lớn, biến các thách thức thành cơ hội làm giàu cho mình.
Từ những mảnh ruộng bị bỏ hoang toàn cỏ dại, vũng lầy, nhờ sức người kiên trì khai phá, chăm chút nay đã thành cánh đồng lúa xanh thẳng cánh cò bay. Dẫn chúng tôi đi giữa cánh đồng lúa đang thì con gái, dự báo trước một mùa vụ bội thu, ông Khải mừng ra mặt: "Giấc mơ đại điền của tôi đã thành hiện thực rồi nhà báo ơi!".
"Sắp tới ông có tính sẽ mở thêm diện tích lúa không?, chúng tôi hỏi, ông Khải cười bảo: "Tôi vẫn muốn làm lớn thêm, kể thêm vài trăm ha nữa cũng làm được".
Hiện nay, ông Khải đang mong muốn xây dựng lò sấy lúa nhưng chưa tìm được đất. "Khi có lò sấy, lúa thu về đưa vào lò sấy khô dễ bảo quản, muốn bán lúc nào cũng được. Chứ như hiện nay, lúa được mùa nhưng nhiều khi vẫn bị thương lái ép giá. Chúng tôi rất mong địa phương hỗ trợ thêm mặt bằng để gia đình đầu tư làm máy sấy cho mình và bà con địa phương", ông Khải kiến nghị.
Theo ông Khải, từ xưa đến nay, người dân vẫn giữ quan điểm cấy lúa không thể làm giàu được mà chỉ đủ ăn. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, trong thời điểm này, nếu bà con làm được diện tích lớn và đầu tư máy móc triệt để từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, chế biến vẫn có thể làm giàu.
"Nông dân thời đại mới phải bỏ tư duy làm manh mún, nhỏ lẻ từng sào, từng thửa đi mà phải tích tụ diện tích thành cánh đồng lớn mới có thể áp dụng giới hóa vào để thay thế sức người. Đơn cử như việc sử dụng máy bay không người lái mỗi ngày có thể phun thuốc trừ sâu, bón phân được hàng chục ha vừa không độc hại cho người, vừa rải được phân, thuốc đều, rất hiệu quả", ông Khải cho biết thêm.
Ông Nguyễn Giao Hưởng – Bí thư Đảng ủy xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ đánh giá: Ông Tô Văn Khải không chỉ là người tiên phong gom đất bỏ hoang của bà con trong xã để làm mà còn bỏ tiền ra đầu tư mua nhiều máy móc nhất ở huyện để cấy lúa. Đây thực sự là tấm gương đại điền rất gương mẫu ở địa phương, chúng tôi rất mong qua cách làm của ông Khải sẽ truyền cảm hứng cho nhiều hộ khác ở trong và ngoài xã cùng quay về với đồng ruộng, cùng làm giàu từ cây lúa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.