Mới vào mùa nồm ẩm nhưng tường ở phòng ngủ của gia đình chị Đinh Thị Linh (quận Nam Từ Liêm) đã xuất hiện những mảng mốc đen.
Căn hộ chung cư gia đình chị Linh sinh sống nằm ở tầng 20, ban đầu mới chuyển về, chị Linh nghĩ rằng tầng càng cao sẽ càng tránh được nồm ẩm nhưng điều đó hoàn toàn ngược lại.
3 năm kể từ ngày chuyển về nhà mới, cứ vào thời điểm ra Tết mưa phùn kéo dài, 2/3 phòng ngủ lại xuất hiện nồm ẩm. Chị Linh cho biết, dù đã thử rất nhiều cách nhưng tình trạng này vẫn không thuyên giảm.
"Tôi bật điều hoà chế độ khô, nóng, đóng kín cửa, thậm chí là dùng vôi sống đựng vào các thùng giấy rồi để ở các góc tường cũng không ăn thua. Tường ẩm vẫn cứ mốc" - chị Linh nói.
Năm trước, tường kết thành những mảng mốc đen sì, chị Linh phải sử dụng nước tẩy rửa chuyên dụng dùng cọ đánh nồi để chà mới có thể làm bức tường trở lại màu trắng. Tuy nhiên, theo chị Linh, chỉ khi trời nắng ráo thì mới có thể vệ sinh bằng cách này.
"Chính vì căn nhà nồm ẩm nên vào mùa này, cả gia đình tôi rất dễ ốm, nhất là con nhỏ" - chị Linh bày tỏ.
Còn gia đình anh Lê Minh Thắng cũng éo le không kém khi thớt, muôi và các vật dụng khác cũng ẩm mốc. Anh Thắng cho biết - mỗi lần rửa chén bát xong, vợ anh đều ngâm với nước nóng rồi phơi khô, song vẫn không thể tránh khỏi tình trạng trên.
Những ngày Hà Nội mưa phùn rả rích, lô gia để phơi phần áo cũng đã chật kín vì không thể phơi khô, anh Thắng cũng tỏ ra ngán ngẩm.
Nhớ lại năm trước, có lần quần áo phơi cả tuần không thể khô được, anh Thắng phải dùng máy sấy tóc để hong khô chúng. Năm nay, trước khi mưa phùn xuất hiện, anh Thắng và vợ bàn nhau mua tủ sấy quần áo nhưng hiện, hàng vẫn chưa về kịp.
Không chỉ vậy, độ ẩm không khí tăng cao kèm theo mưa phùn dài ngày khiến cửa kính ở các phòng ngủ tích tụ nước bên trong, chảy thành giọt xuống sàn gỗ. Dù đã sử dụng khăn để lau nhưng theo anh Thắng, không thể đứng canh 24/24 để ngăn nước không chảy xuống sàn, cả gia đình vẫn phải chấp nhận với cảnh ướt át khó chịu.
Để hạn chế phần nào đó nồm ẩm, anh Thắng chia sẻ các cách như: luôn đóng kín cửa sẽ giúp hạn chế tối đa không khí ẩm tràn vào nhà gây ẩm ướt; sử dụng các vật liệu hút ẩm như máy hút ẩm hoặc than củi nhỏ đặt trong phòng; bật điều hoà chế độ dry (khô).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.