Tuy Đức (Đăk Nông): Dự kiến phát triển 14.000ha mắc ca

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 20/03/2015 07:00 AM (GMT+7)
Cách đây 4 năm, ông Trương Đình Hưởng (thôn 4, xã Đăk Búp So, Tuy Đức, Đăk Nông) đưa cây mắc ca về trồng xen trong rẫy cà phê và tiêu của mình.
Bình luận 0

Để có thể lựa chọn được cây giống tốt nhất, trên 2ha này, ông Hưởng trồng thử nghiệm tất cả 10 dòng mắc ca. Có nhiều dòng trong số đó sinh trưởng phát triển rất tốt, đặc biệt là các dòng OC, 800, 246 và 695. Năm thứ 3 mắc ca đã ra hoa và đến năm thứ 4 bắt đầu kết trái. Theo ông Hưởng, so với tiêu và cây cà phê, mắc ca trồng dễ hơn rất nhiều. Từ khi trồng đến nay, vườn mắc ca của ông không hề có sâu bệnh và phát triển rất mạnh.

img

Cán bộ Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao giống cây rừng  kiểm tra cây mắc ca giống. T.X
Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù được trồng trên vùng đất đồi dốc nhưng vườn mắc ca của ông Hưởng phát triển rất đồng đều, thân cây to, khỏe, một số cây đã có khá nhiều quả. Và mặc dù thời điểm này khí hậu tại đây rất nóng bức nhưng vườn mắc ca của ông Hưởng vẫn đang trổ hoa rất đẹp mắt.

 

Ông Điểu Đắt (thôn Bon Pu Răng 1, xã Quảng Trực, Tuy Đức) cũng đã trồng mắc ca từ năm 2012. Đến nay, nhiều diện tích mắc ca của ông đã ra quả bói. “Hiệu quả thực sự của cây mắc ca vẫn phải chờ thêm một vài năm nữa nhưng loại cây này dễ trồng và rất phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng tại địa phương”- ông Đắt nhận định. Cũng theo ông Đắt, so với việc trồng xen thì mắc ca trồng thuần phát triển nhanh hơn và cũng không tốn quá nhiều chi phí.

Anh Trần Văn Tiến- cán bộ Phòng NNPTNT huyện Tuy Đức, người theo dõi sát sao các vườn trồng mắc ca trên địa bàn xã Quảng Trực nhận định: “Bước đầu có thể khẳng định cây mắc ca rất phù hợp với vùng đất này. Bà con đang tham gia trồng mắc ca đều có nhận định chung là loài cây này dễ chăm sóc, ít tốn kém. Hầu hết các diện tích mắc ca 4 tuổi trở lên đều đã ra hoa và cho quả bói”.

Ông Trần Đình Mạnh - Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, người rất tâm huyết với cây mắc ca cho biết: “Trong tương lai Tuy Đức dự kiến sẽ phát triển 14.000ha mắc ca. Huyện ủy đã có nghị quyết về việc phát triển loại cây này”. Ông Mạnh thông tin, hiện nếu nông dân trồng mắc ca lớn hơn 50ha sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, nguồn vốn đã được ngân hàng cung cấp và được doanh nghiệp mua bảo hiểm nên nếu thất bại với cây mắc ca, nông dân sẽ không chịu thiệt gì. Đặc biệt, loại cây này được đánh giá là trồng xen trong vưoờn tiêu, điều, cà phê rất hiệu quả, làm tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Do đó, có thể nói phát triển cây mắc ca là cơ hội cho vùng đất thuần nông như huyện Tuy Đức, nhất là trong thời điểm diện tích cà phê già cỗi ở địa phương đang ngày càng tăng lên. Ông Mạnh tính toán: “Với mức giá như hiện nay, chỉ cần mỗi gốc mắc ca cho 10 cân hạt (tức mỗi ha đạt hơn 3 tấn hạt), mỗi năm trừ chi phí nông dân đã có thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, trong khi thị trường cà phê đã bão hòa thì nhu cầu mắc ca trên thị trường lại rất lớn”.

  Báo cáo từ Phòng NNPTNT huyện Tuy Đức cho thấy, hiện đã có gần 400ha mắc ca được trồng và đều sinh trưởng phát triển tốt. Cây mắc ca năm thứ 2 đạt chiều cao từ 1,2-1,5m, năm thứ 3 đã cao từ 2-2,5m. Hiện có 4ha trồng năm thứ 4 đã ra hoa và đậu trái.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem