Tỷ phú trứng cút Tiền Giang

Thứ tư, ngày 11/08/2010 09:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Trần Nguyễn Hồ - chủ trại Nguyễn Hồ, ở số 98/5, tổ 5, ấp Long Bình, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã làm giàu từ mô hình nuôi chim cút lấy trứng. Doanh thu của trại hiện đạt 12-15 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0
img
Ông Trần Nguyễn Hồ (bìa phải) giới thiệu “Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm” của trại nuôi.

Sau 10 năm nuôi cút, ông Trần Nguyễn Hồ đã có cho mình một trại nuôi cút rộng hơn 6.000m2 với trên 100.000 con và hơn 200.000 con khác đang nuôi ở 20 trại nuôi vệ tinh tập trung ở các xã trong huyện.

Trại nuôi vệ tinh được ông Nguyễn Hồ đầu tư gần 100% vốn, từ chuồng trại, cho cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn cút, thức ăn đến bao tiêu sản phẩm. Với cách làm này, mỗi ngày trại Nguyễn Hồ cung cấp cho thị trường trong nước trên 150.000 trứng cút thương phẩm, với giá 300 đồng/trứng.

Mỗi tháng trại Nguyễn Hồ có doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng. Trại nuôi của ông được Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Thương hiệu Việt, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật VN (VUSTA) cấp giấy chứng Thương hiệu Việt, giấy chứng nhận thực phẩm an toàn.

Bí kíp từ Internet

Để có được thành công như hôm nay, ông Trần Nguyễn Hồ đã nhiều lần thất bại với các mô hình chăn nuôi: Chăn nuôi heo, nuôi cá đến đầu tư mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Vào năm 1998, tình cờ trong lúc tìm hiểu thông tin trên Internet, ông thấy mô hình nuôi cút lấy trứng ở Nhật rất hiệu quả. Thấy đây là mô hình mới, giàu tiềm năng đối với Việt Nam, ông quyết định đem số tiền dành dụm mua 2.000 con cút giống về nuôi thử nghiệm. Thật bất ngờ, đàn cút phát triển tốt, cho trứng ổn định. Thế nhưng, năm 2002 khi dịch cúm gia cầm (H5N1) bùng phát, đàn cút phải bị tiêu hủy hoàn toàn.

Không nản chí, khi dịch cúm lắng xuống, một lần nữa ông gom tiền bạc tổ chức lại sản xuất. Nhưng, điều làm ông trăn trở là phải tìm cách nào để ngăn dịch bệnh cho đàn cút. Tiếp tục nghiên cứu qua sách báo, Internet..., ông Hồ thấy mô hình nuôi cút công nghiệp khép kín vừa kháng được bệnh lại cho trứng đạt chất lượng.

Ông về, cho tháo bỏ toàn bộ chuồng nuôi bằng gỗ truyền thống. Thay vào đó, ông xây mới hệ thống chuồng, trại bằng sắt và kẽm, gắn thêm hệ thống cung cấp nước uống tự động và quạt quanh trại nuôi để nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn ổn định ở mức 27-300C (nhiệt độ giúp đàn cút phát triển tốt). Với kiểu chuồng này, vừa giữ được nhiệt độ trong trại nuôi ổn định vừa tiết kiệm được diện tích nuôi, dễ làm vệ sinh, tiết kiệm được công lao động. Từ đó, đàn cút phát triển tốt, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh.

“Thức ăn cho cút là một yếu tố rất quan trọng, quyết định thành công hay thất bại của trại nuôi - ông Nguyễn Hồ cho biết. Thức ăn sau khi mua về, ông tiến hành cân đối lại các thành phần, bổ sung các vi lượng cần thiết. Đặc biệt là bổ sung thêm chế phẩm sinh học dùng cho gia cầm vì nó giúp cút hấp thu triệt để chất đạm có trong thức ăn, phòng chống bệnh tiêu chảy, giúp cút đẻ khỏe, kéo dài thời gian cho trứng.

Không chỉ làm giàu cho mình, trại Nguyễn Hồ còn là nơi tạo công ăn việc làm cho bà con trong vùng. Mỗi tháng, một nhân công phụ việc cho trại của ông được trả bình quân 2 triệu đồng. Hàng năm, ông còn ủng hộ hàng chục triệu đồng xây nhà tình nghĩa, tình thương giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn trong xã có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Sẵn sàng cho xuất khẩu

Theo ông Trần Nguyễn Hồ, nuôi cút không khó cũng không dễ. Chăm cút cũng giống như chăm sản phụ vừa mới sinh xong vậy, phải đảm bảo nhiệt độ trại nuôi luôn ổn định trong khoảng 27-300C, giữ vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng mát...

Thông qua địa chỉ Website: www.trangtrainguyenho.thv.vn, cách đây hơn 2 tháng, các đối tác Nhật liên hệ đặt vấn đề đến trại của ông Nguyễn Hồ tham quan mô hình, bàn chuyện ký kết hợp đồng nhập khẩu trứng cút đông lạnh đóng hộp. Ông Hồ cho biết, giữa tháng 8 này, các đối tác Nhật sẽ chính thức qua xem xét các điều kiện chăn nuôi, khả năng đáp ứng, vệ sinh an toàn thực phẩm... để ký kết hợp đồng nhập khẩu trứng cút đóng hộp.

Để đáp ứng nhu cầu của đối tác, ông Nguyễn Hồ đã tiến hành đầu tư thêm chuồng trại theo mô hình nuôi công nghiệp khép kín, đáp ứng đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh phòng dịch theo đúng quy định hiện hành, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trại Nguyễn Hồ cũng đã hợp đồng chuyển giao trứng cút thương phẩm cho Nhà máy Đông lạnh hàng nông sản xuất khẩu Long Định (thuộc Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang), chế biến đông lạnh, đóng hộp thử nghiệm trứng cút. Kết quả, Nhà máy Đông lạnh hàng nông sản xuất khẩu Long Định đã đóng hộp thành công, thêm một kênh phân phối ra thị trường nước ngoài cho trại, mở rộng khả năng kinh doanh. Dự kiến, trang trại Nguyễn Hồ ký hợp đồng xuất sang Nhật 1.000 hộp trứng cút/ngày đêm (0,2 kg/hộp), với giá 350 đồng/trứng.

“Sau sự cố trứng cút Trung Quốc chứa chất melamine, các nước tiêu thụ trứng cút lớn không nhập khẩu của Trung Quốc nữa. Đây là một một lợi thế để trứng cút Việt Nam sẵn sàng gia nhập sân chơi quốc tế, khẳng định thương hiệu”- ông Trần Nguyễn Hồ cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem