Ukraine tuyên bố tình báo vũ trụ Nga sụp đổ vì điều này

Minh Nhật (theo JPost) Chủ nhật, ngày 29/01/2023 14:12 PM (GMT+7)
Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố trên trang web rằng, việc sản xuất các bộ phận quan trọng cần thiết cho sự tiến bộ của các chương trình do thám không gian của Nga trên thực tế đã dừng lại vì tác động của các lệnh trừng phạt, theo JPost.
Bình luận 0
Ukraine tuyên bố tình báo vũ trụ Nga sụp đổ vì điều này - Ảnh 1.

Các phi hành gia của Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos Pyotr Dubrov, Oleg Novitskiy và phi hành gia NASA Mark Vande Hei chụp ảnh trong buổi huấn luyện trước chuyến thám hiểm tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ở Star City, Nga ngày 20/3/2021. Ảnh Reuters.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine nguyên nhân khiến tình báo vũ trụ Nga sụp đổ là do sự thiếu hụt trầm trọng các linh kiện điện tử do cả nước ngoài và Nga sản xuất bởi tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga.

Cụ thể, việc sản xuất các bộ phận và thiết bị cho các chương trình do thám không gian của Nga vốn diễn ra tại thành phố Zheleznogors, vùng Krasnoyarsk. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của một công ty công nghiệp quốc phòng có tên là "Hệ thống Vệ tinh Thông tin" của Nga.

Theo tình báo quân đội Ukraine,các nhà khoa học Nga ở đây đang phát triển các phương tiện để tiến hành trinh sát không gian.

Tuy nhiên, thời hạn dự kiến để hoàn thành các mục tiêu khoa học và nghiên cứu của chương trình tình báo không gian của Nga đã bị gián đoạn và "hoãn lại" trong ít nhất vài năm. Tuy nhiên, dường như mâu thuẫn với tuyên bố của phía Ukraine, hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin rằng nước này vẫn có kế hoạch triển khai trạm vũ trụ của riêng họ vào năm 2027.

Nga hy vọng sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng không gian của riêng họ theo quỹ đạo thấp của trái đất và rời khỏi trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) vừa quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng (tới ngày 31/7). EU đưa ra lệnh trừng phạt đối với Nga lần đầu tiên vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Các lệnh trừng phạt này được gia hạn thường xuyên trong 8 năm qua và được mở rộng đáng kể vào tháng 2/2022, liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Tính đến nay, EU đã áp đặt 9 vòng trừng phạt đối với Nga.

Liên quan đến các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 27/1 tuyên bố nước này sẽ không cho phép mở rộng các biện pháp trừng phạt của EU đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem