Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: HTX ở Sơn La liên kết sản xuất không chất thải

Văn Ngọc Thứ sáu, ngày 06/12/2024 05:40 AM (GMT+7)
HTX Nông nghiệp Sơn La (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) liên kết với các HTX, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải (chăn nuôi đại gia súc – nuôi trùn quế - sản xuất phân bón hữu cơ).
Bình luận 0

Clip: HTX liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải

Tận dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất

Những ngày này chúng tôi có dịp trở lại Mai Sơn, vùng đất của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Kinh…. Diện mạo các bản làng nơi đây đã thay đổi hoàn toàn, những ngôi nhà xây kiên cố mái xanh, mái đỏ mọc lên khắp nơi. Con đường dẫn vào các bản được đổ bê tông phẳng lỳ, kể cả những bản xa trung tâm nhất.

Vùng đất Mai Sơn thay đổi vượt bậc như ngày hôm nay là nhờ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như những thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân nơi đây trong phát triển nông nghiệp.

Được Hội Nông dân huyện Mai Sơn giới thiệu, chúng tôi về thăm mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn của HTX nông nghiệp Sơn La (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Anh Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Sơn La dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình sản xuất của HTX.

Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: HTX liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải (Bài 1) - Ảnh 1.

Phân bón hữu cơ được tạo ra từ phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Văn Ngọc

Vừa đi, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp vừa giới thiệu với chúng tôi quy trình triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Theo anh Miền, qua khảo sát, nắm bắt tình hình canh tác trong sản xuất nông nghiệp  và nghiên cứu các mẫu đất trên địa bàn huyện Mai Sơn cho thấy, người dân đang lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, phân bón vô cơ, từ đó làm thoái hóa đất, cạn kiệt dinh dưỡng và làm biến đổi tính chất vật lý của đất, ô nhiễm đất và nước; đất bị chua, giữ phân bón kém dẫn đến cây trồng khó hấp thu dinh dưỡng khiến năng suất không đạt tối đa; các sinh vật có ích bị tiêu diệt tạo đà cho sinh vật có hại phát triển nên cây trồng dễ nhiễm sâu bệnh, sinh trưởng kém.

Với mong muốn giải quyết những vấn đề trên, HTX Nông nghiệp Sơn La được thành lập với hơn 20 thành viên. Từ mục tiêu sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, sạch, an toàn, HTX chú trọng thu hút đội ngũ kỹ sư nông nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật; đầu tư mới, sửa chữa các khu chăn nuôi, nhập thêm bò giống, bò thương phẩm để sản xuất. Đẩy mạnh liên kết sản xuất với các HTX, doanh nghiệp và hộ nông dân để ổn định nguyên liệu phục vụ sản xuất khép kín. Xây dựng trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; là nơi đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật và thực hành sản xuất thực tế cho các hộ nông dân, HTX khi tham gia liên kết.

Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: HTX liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải (Bài 1) - Ảnh 2.

HTX Nông nghiệp Sơn La nuôi trùn quế để xử lý chất thải từ chăn nuôi. Ảnh: Văn Ngọc

Đến khu trang trại chăn nuôi bò của HTX, chúng tôi cảm nhận rõ đây là trang trại được xây dựng quy mô và bài bản với từng khu vực riêng biệt, từ khu chăn nuôi, khu chế biến thực ăn cho đàn bò đến khu xử lý chất thải được bố trí khoa học, đảm bảo chăn nuôi một cách thuận tiện nhất.

Anh Miền cho biết: Hiện, tổng đàn gia súc phát triển trong chuỗi liên kết của HTX là 500 bò thương phẩm 3B tinh ngoại, 150 bò cái nền với 30 hộ liên kết, trong đó có 2 mô hình liên kết chăn nuôi quy mô tập trung trên 30 con. Toàn bộ chất thải trong chăn nuôi sẽ được các hộ dân có liên kết với hợp tác xã trong chăn nuôi bò và sử dụng phân bò để phối trộn với các chất thải khác trong chăn nuôi (phân lợn, phân gà...) trong sơ chế nông sản (phụ phẩm từ sản xuất cà phê, tinh bột sắn, ép hoa quả…) để làm thức ăn nuôi trùn quế.

Sản phẩm từ trùn quế được hợp tác xã sản xuất thành các sản phẩm hữu cơ cao cấp như dịch trùn quế, trà trùn quế, bột trùn quế, phân trùn quế dùng để làm thức ăn cho vật nuôi và cây trồng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho HTX và đã xử lý được rất nhiều vấn đề có liên quan đến môi trường.

Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: HTX liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải (Bài 1) - Ảnh 3.

Các hộ dân có liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Sơn La dùng toàn bộ chất thải trong chăn nuôi để phối trộn với các chất thải khác trong sơ chế nông sản làm thức ăn nuôi trùn quế. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Trần Hữu Bính, thành viên HTX, cho biết: Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu, năm 2021, tôi nuôi 20 con bò 3B trọng lượng đạt từ 1,6 -1,8 tạ/con. Nguồn thức ăn đa dạng, dễ kiếm, bò 3B phàm ăn nên lớn rất nhanh. Hiện, gia đình đã mở rộng quy mô nuôi lên 500 con bò thương phẩm, trồng 5 ha cỏ voi, đầu tư chuồng trại chăn nuôi khép kín; thực hiện liên kết chặt chẽ với các thành viên HTX để tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu thịt bò an toàn.

"Từ khi tham gia liên kết chăn nuôi với HTX, chúng tôi xác định chăn nuôi theo hướng sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Toàn bộ chất thải trong chăn nuôi sẽ được chúng tôi tận dụng để làm thức ăn nuôi trùn quế. Quá trình thực hiện chúng tôi sẽ vừa tạo ra số lượng lớn trùn quế để làm thức ăn trong chăn nuôi, phân trùn quế dùng bón cho cỏ, cây trồng. Điều đặc biệt khi triển khai mô hình không chỉ là tạo ra thức ăn chăn nuôi, phân bón cho cây trồng mà còn giúp bảo vệ môi trường", ông Bính nói.

Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: HTX liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải (Bài 1) - Ảnh 4.

HTX Nông nghiệp Sơn La liên kết với các HTX, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải. Ảnh: Văn Ngọc

Liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn

Cùng với đó HTX nông nghiệp Sơn La liên kết với 500 hộ nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu và các hộ chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn huyện Thuận Châu mở xưởng sơ chế, thu gom toàn bộ chất thải, nước thải từ chăn nuôi đại gia súc, đảm bảo nguồn thức ăn cho 1 ha nuôi trùn quế.

Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp Sơn La còn thu mua lượng lớn vỏ cà phê, rơm, cỏ hoặc phế phụ phẩm sau sản xuất của Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La để sản xuất phân bón cung cấp trở lại thị trường. Lợi ích của mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn giúp HTX tiết kiệm đầu tư chi phí từ phân bón, thân thiện với môi trường.

HTX còn liên kết với Công ty cổ phần năng lượng sạch Sơn La gia công sản xuất phân bón đúng quy cách, chất lượng, mẫu mã, trọng lượng theo quy định; kết hợp với các đơn vị như Công ty CP tinh bột sắn Phú Yên - Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, Công ty CP Phúc Sinh Sơn La, Hợp tác xã Cà Phê Bích Thao Sơn La, các trại chăn nuôi bò của HTX, thành viên HTX… để xử lý chất thải theo phương pháp hiếm khí, vi sinh. Trung bình mỗi ha nuôi trùn quế cho thu hoạch khoảng 500 tấn phân bón hữu cơ/tháng; cung cấp cho các chuỗi trồng rau sạch tại địa bàn huyện Mộc Châu, các hộ trồng, chăm sóc cây ăn quả, cây cảnh trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: HTX liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải (Bài 1) - Ảnh 5.

Chất thải và phế phẩm cà phê sau chế biến được xử lý, tạo ra phân bón hữu cơ quay lại bón lại cho cà phê. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao, chia sẻ: Tham gia liên kết sản xuất khép kín với HTX Nông nghiệp Sơn La, các bên đều được hưởng lợi, chất thải và phế phẩm cà phê sau chế biến được xử lý, đảm bảo môi trường. Sản phẩm phân bón hữu cơ trùn quế dùng trong sản xuất giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm của HTX, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của đối tác.

Cũng theo ông Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn La, hiện nay, mô hình chăn nuôi đại gia súc - nuôi trùn quế - sản xuất phân bón hữu cơ tuần hoàn có thể áp dụng sản xuất ở quy mô trang trại gia đình. HTX đang tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các hộ, HTX liên kết sản xuất, ứng dụng các sản phẩm vi sinh xử lý chất thải đầu vào, nuôi trùn quế và khai thác phân bón, giải quyết vấn đề môi trường, nâng cao thu nhập gia đình.

Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: HTX liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải (Bài 1) - Ảnh 6.

Năm 2023, HTX Nông nghiệp Sơn La cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn phân bón hữu cơ trùn quế. Ảnh: Văn Ngọc

Mở rộng quy mô liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, bền vững, HTX Nông nghiệp Sơn La đang xin cấp phép, đưa vào sử dụng lò mổ gia súc theo công nghệ giết mổ treo bán công nghiệp hiện đại, quy mô 50 con/ngày, cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm an toàn tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.

Tiếp tục nhân rộng mô hình xử lý chất thải, nước thải cà phê sau sơ chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu và ứng dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp khác, như bã dong riềng, bã sắn... đưa vào chuỗi sản xuất nuôi trùn quế khép kín; phát triển các sản phẩm bột trùn quế, dịch trùn quế và trùn quế tinh ứng dụng trong sản xuất, chăn nuôi nông nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục liên kết 15 HTX ở các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn triển khai mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng xưởng sơ chế chất thải chăn nuôi tại chỗ. Hỗ trợ các HTX tiêu thụ sản phẩm gia súc thương phẩm, phân bón hữu cơ, nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem