Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp khó khăn, thua lỗ, nợ đọng. Các doanh nghiệp thiếu vốn để thu mua cá nguyên liệu cho người nuôi và người nuôi không có vốn để tiếp tục đầu tư. Bên cạnh đó, tác động từ thị trường, nhất là các thị trường nhập khẩu thủy sản với liên tục những cảnh báo về dư lượng hóa chất cấm càng khiến doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp khó khăn, thua lỗ.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà ngành thủy sản gặp phải vẫn là vấn đề dịch bệnh. Ông Dương Văn Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Thời điểm này, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là xấp xỉ 40.000ha. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An…”.
Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định: “Bộ NNPTNT đang tập trung nghiên cứu để xác định đầy đủ các tác nhân nguyên nhân gây ra dịch bệnh tôm, đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Hiện Bộ đang phối hợp với Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO), cũng như các chuyên gia Mỹ, Thái Lan để nghiên cứu dịch bệnh trên tôm. Thời gian qua, Bộ NNPTNT cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo người nuôi tôm về việc không dùng các thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm sử dụng, các vùng nuôi phải dành ra một diện tích nhất định để xử lý nước, phải có ao xử lý nước”.
Đối với những khó khăn về vốn của người nuôi cũng như các doanh nghiệp chế biến cá tra, Bộ NNPTNT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ các gói giải pháp hỗ trợ người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra. Một góc nhằm tập trung giải quyết khó khăn cho người nuôi về vốn để tiếp tục duy trì lượng cá tra đã thả nuôi từ nay đến cuối năm. Gói hỗ trợ thứ hai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mua cá tra nguyên liệu của những hộ nuôi có ký hợp đồng. Gói thứ ba hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến có vùng nuôi. Còn mức độ hỗ trợ cụ thể như thế nào thì chúng tôi đang chờ Chính phủ ra quyết định cụ thể”.
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.