Vấn nạn giao thông được dựng thành kịch, phim

Chủ nhật, ngày 25/03/2012 13:36 PM (GMT+7)
Càng ngày, vấn nạn giao thông càng nhức nhối. Nhức nhối đến nỗi vấn nạn giao thông đã được nghệ thuật hóa để… cảnh báo. Từ năm 2010 đến nay, hàng loạt các chương trình nghệ thuật đã ra mắt công chúng, được tường thuật trên sóng truyền hình trung ương, được ca ngợi rầm rộ trên khắp các mặt báo, đài tiếng nói, thậm chí là bằng… loa phường…
Bình luận 0

Xẩm, rối, hài kịch… cùng vào cuộc

Tiên phong trong cuộc "ra quân" này là Dự án "Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật" do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, đã được triển khai từ năm 2010 cho đến thời điểm này.

img
Cảnh đua xe của “người đội lốt thú” trong chương trình “ATGT cho tôi, cho bạn và cho chúng ta” của nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh GTVT

Còn nhớ, hồi tháng 10.2010, một seri gồm 5 tiết mục ca nhạc và 3 bi hài kịch ngắn về đề tài văn hóa giao thông ra mắt công chúng tại Rạp Hồng Hà, HN, khiến cho rạp hát này bình thường “tháo khoán” cũng không có khách bỗng trở nên quá tải. Quá tải bởi chương trình đã đụng chạm đến một vấn nạn chung của xã hội.

Ca khúc “Nỗi đau vấn nạn giao thông” của nhạc sĩ Phạm Việt Long đã làm công chúng cảm được nỗi đau của những người có người thân bị tai nạn giao thông. Đồng thời hiểu được thông điệp của tác giả muốn kêu gọi mọi người hãy vì sự bình an của cuộc sống mà tôn trọng luật lệ giao thông.

Trong khi đó, ca khúc “Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi” của PGS.Nguyễn Lân Cường do bé Linh Chi (8 tuổi) thể hiện với giọng hát trong veo đã gửi gắm tiếng nói của trẻ thơ nhắc nhở một cách ngộ nghĩnh người lớn hãy đi đúng luật lệ, nếu không sẽ không được… phiếu bé ngoan.

Hai bài hát xẩm “Văn hóa giao thông là đời” sáng tác của Nguyễn Thế Kỷ và “Em cười văn hoá giao thông” của Trần Tấn Ngô do hai nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa và Quang Long thể hiện với những thanh âm bổng trầm trong tiếng đàn nhị réo rắt đã tạo được những xúc động đặc biệt đối với khán giả.

Chưa dừng lại ở đó, ngay khi ra Tết, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam đã mời nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, người từng biết đến với tài độc diễn rối nước trong sân khấu thu nhỏ do chính anh thiết kế đã khởi động tua diễn vòng quanh các trường đại học về đề tài văn hóa giao thông.

Nội dung của chương trình rối nước không giống như các chương trình rối nước thông thường. Rối không chỉ là chú tễu chăn trâu, thổi sáo mà còn biết phóng xe máy, lái xe hơi, vượt đèn đỏ, hối lộ các đồng chí CSGT… Xe cũng được sơn vàng, sơn đỏ, khi chạy cũng rú ga, bấm còi ỉnh ỏi, cũng tạt đầu móp nắp ca bô bốc khói như thật…

Chưa hết, NSND Tâm Chính (Chủ tịch liên chi hội Xiếc VN) cũng bức xúc với vấn nạn giao thông, đã quyết tâm dàn dựng một chương trình xiếc thú về văn hóa giao thông. Tham gia chấn chỉnh giao thông ngoài các nghệ sĩ còn là đội ngũ những diễn viên khỉ, gấu và chó.

Bà Chính nói: “Chúng tôi luyện cho những chú khỉ của mình luyện tập đi xe đạp nói về một cảnh lộn xộn ở một ngã tư đèn xanh đèn đỏ, không ai chịu nhường ai. Có những con khỉ ngoan vẫn chấp hành luật giao thông, nhưng có những con vẫn phóng nhanh, vượt ẩu bị khỉ đóng công an giao thông bắt. Trong quá trình diễn ra chương trình, các nghệ sĩ sẽ tương tác với khán giả và từ đó cùng nhau rút ra bài học”.

Nghệ thuật là “vũ khí chiến lược”

Đầu tháng 3 vừa qua, Ủy ban ATQG đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc VN tiếp tục thực hiện Đề án Văn hóa giao thông năm 2012.

Như để tiếp sức cho đề án này, vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã tung ra chương trình “ATGT cho tôi, cho bạn và cho chúng ta” được tường thuật trực tiếp trên VTV1, nhằm thông qua các tình huống hài xen lẫn các ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Hà Nội, như là một cách tiếp cận rất sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông tới người dân.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ bằng nghệ thuật “nhảy vào cuộc để chấn chỉnh giao thông” mà trước đó đã làm mấy chương trình về ATGT như "Giao thông quốc nạn", "Văn hóa giao thông", "Từ một ngã tư đường phố" (năm 2011). Ở chương trình “ATGT cho tôi, cho bạn và cho chúng ta” Đạo diễn– NSND Lê Hùng xây dựng 10 tình huống hài. Nội dung xoay quanh những chuyện như: Chuyện xe lớn xe bé không nhường nhịn nhau gây ra tai nạn giao thông, chuyện lạng lách, vượt đèn đỏ, lấn vạch, chuyện "phải hơn thằng khác" khi đi đường, chuyện mãi lộ...

Tuy nhiên, vị GĐ Nhà hát Tuổi trẻ cũng thừa nhận, nghệ thuật chỉ có thể mang lại cảm xúc, tiếng cười hoặc tiếng khóc cho công chúng chứ không phải là một chế tài mạnh để bắt mọi người phải “chấp hành nghiêm chỉnh”.

Văn hóa giao thông là đề tài vừa quen, vừa lạ, mà từ khi phát động đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đội ngũ trí thức thủ đô, văn nghệ sỹ sáng tác và biểu diễn nghệ thuật cho ra đời những tác phẩm từ nghệ thuật đến điện ảnh, từ ca múa nhạc đến hội họa mang nội dung ca ngợi những tấm gương tốt có văn hóa, đạo đức, phê phán, châm biếm hành động vô văn hóa, vô đạo đức trong khi tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia cho rằng, “Gieo hành vi thành thói quen, gieo thói quen thành ý thức”, việc giáo dục thông qua các hình thức văn học nghệ thuật là cách làm gần gũi, dễ tiếp cận nhất và có sức lan tỏa cao.

Để thực hiện tốt văn hóa giao thông, cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, liên tục của nhiều người, nhiều ngành, thành một mặt trận với nhiều thứ vũ khí thì ATGT mới có hy vọng tốt lên được” - GS Hoàng Chương, Chủ nhiệm Dự án nhấn mạnh.

Theo Phụ nữ Thủ đô

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem