Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp diễn ra vào ngày 19.12.2017, VPBank đã đồng ý trên nguyên tắc cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Đồng Tháp được vay vốn kinh doanh dịp cuối năm. Cũng tại sự kiện này, ông Fung Kai Jin, giám đốc khối SME của VPBank đã duyệt hồ sơ vay vốn cho mười doanh nghiệp SME. Hiện Đồng Tháp có hơn 4.000 doanh nghiệp SME đang hoạt động, đóng góp trên 12,4% GDP, tạo ra 8,2% tổng nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động trong tỉnh. “Nhưng cũng như nhiều nơi, các doanh nghiệp SME Đồng Tháp khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn theo phương thức tín chấp”, ông Fung Kai Jin nói.
Cuối năm, tiểu thương muốn bán hàng nhiều phải cần vốn để xoay xở trăm bề. Trong ảnh: nhiều khách hàng Tây mua hàng tại Saigon Square.
Ngày 28.12.2017, sáu ngân hàng thương mại: Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, Quân đội, Á Châu và Nam Á đã cam kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 74 doanh nghiệp SME đóng trên địa bàn quận Gò Vấp (TP.HCM) với số vốn là 1.323,4 tỉ đồng. Theo nguồn tin từ UBND quận Gò Vấp, trong năm năm qua (2012 – 2017), đã có 248 doanh nghiệp SME được vay ưu đãi với tổng giá trị là 3.889,8 tỉ đồng.
Một tiểu thương ở chợ Nga (Q.5, TP.HCM) cho rằng, nhìn thoáng qua chủ trương cho các doanh nghiệp SME, tiểu thương chợ… tưởng rằng dễ vay nhưng trên thực tế, để được vay nguồn vốn trên không hề dễ dàng. Bà cho biết: “Muốn vay, tiểu thương phải làm ít nhất năm loại giấy tờ, như: giấy đề nghị vay vốn kiêm khế ước nhận nợ, bản sao chủ quyền sạp, giấy vay tiền có xác nhận của ban quản lý chợ… Chừng đó thôi cũng mệt cả người. Mà họ làm vậy cũng đúng thôi vì tiền của họ, phải làm cách nào nắm đằng cán. Nhiều lúc kẹt vốn muốn vay tiền nhưng nghĩ lại mấy loại giấy tờ đó nhiêu khê lắm nên… thôi”. Chủ một quán ăn trên đường số 8 (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, muốn vay 300 triệu đồng để sửa “nâng cấp” quán nhưng nhìn thấy cơ ngơi của mình như thế này nên họ chẳng mặn mà”. Dù nằm mặt tiền nhưng bề ngang căn nhà chỉ chừng 3m, còn chiều dài khoảng 7m.
Ông T.H, một chuyên gia về ngân hàng cho rằng, nguồn vốn vay dành cho doanh nghiệp SME, tiểu thương chợ…, không hề thiếu. Nhiều ngân hàng như Sacombank, Quân đội, VPBank…, khai thác khá mạnh vào đối tượng này, nhất là nhóm khách hàng tiểu thương. “Nhưng trên thực tế, đối tượng được vay không nhiều vì đây là nhóm khách hàng có mức độ rủi ro cao. Muốn cho nhóm khách hàng này vay vốn, ngân hàng đó phải “lì đòn” và có đội ngũ nhân viên đông, xông xáo”, vị chuyên gia T.H nhận xét. Như Sacombank sẵn sàng cho các tiểu thương vay hàng tỉ đồng với thời gian vay là năm năm. Trong khi đó, DongA Bank chỉ cho vay tối đa là 50 triệu đồng với thời gian từ 1 – 6 tháng.
Người vay muốn đơn giản thủ tục để nhanh được nhận tiền, lãi suất thấp. Còn các ngân hàng, phải làm mọi cách để bảo toàn đồng tiền ở mức cao nhất, hay nói cách khác là mức rủi ro thấp nhất. Vì lẽ đó mà phần giao của bên đi vay và bên cho vay vẫn còn thấp lắm.
Do vậy nên các đối tượng vay vốn, nhất là nhóm tiểu thương chợ tìm đến các công ty tài chính như HD Saison, Home Credit, Prudential… với những điều dễ dãi: duyệt trong ngày, đơn giản về thủ tục… mà quên mất rằng lãi suất của các công ty tài chính thấp nhất là 1,7%/tháng. Như vay 40 triệu đồng trong thời gian 12 tháng tại Home Credit, mỗi tháng khách hàng phải trả góp 3,998 triệu đồng. “Mức góp này rẻ hơn mức góp chợ đen nhưng khó mà kinh doanh để sinh ra lợi nhuận tương đương với lãi suất của các công ty tài chính đang áp dụng. Muốn vay, tiểu thương phải tính cho kỹ trước khi đặt viết ký vào giấy tờ vay”, ông T.H khuyên.
Thịnh An (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.