Vay vốn mở nghề cho người nghèo

Thứ tư, ngày 14/03/2012 06:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Đoàn Văn Toản (thị trấn Yên Thế, Lục Yên, Yên Bái) đã vay Ngân hàng CSXH huyện để thành lập HTX Mây, tre, giang đan Toản Thắng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nghèo.
Bình luận 0

Chúng tôi đến thăm nhà ông Toản trong những ngày giáp hạt, khi bà con đang tập trung tại HTX của ông để giao hàng.

img
Nghề mây, tre, giang đan là nguồn thu chính của gia đình chị Hiền.

Đưa nghề mây, tre, giang đan lên núi

Vừa đếm số tiền ông Toản trả cho những sản phẩm của mình, bà Hoàng Thị Xuân ở xã Liễu Đô hồ hởi: "Từ ngày có HTX Mây, tre, giang đan Toản Thắng, chúng tôi bớt nỗi lo về cái ăn. Trước đây, chúng tôi chỉ biết đi làm thuê làm mướn, thậm chí đi vay nặng lãi để lấy tiền mua gạo. Nay chỉ cần ngồi nhà tranh thủ làm lúc nhàn rỗi vẫn có thể kiếm tiền mua gạo, mắm, muối. Cả nhà tập trung làm 2 ngày được hơn trăm nghìn, đủ gạo ăn một tuần".

Quê ông Toản ở Hà Nam, năm 1976, gia đình ông chuyển lên vùng kinh tế mới Lục Yên. Lên đây, hàng ngày ông đạp xe đến khắp các bản làng trong huyện bán vải cho bà con. Hàng chục năm đi như thế, chứng kiến cảnh những đứa trẻ với những bộ quần áo rách rưới, những nông dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn đói ăn đã thôi thúc ông tìm nghề để giúp bà con.

Đi nhiều nơi, ông thấy dưới xuôi có nghề mây, tre, giang đan phát triển, lại thấy Lục Yên có nhiều tre, giang nên ông nghĩ ngay đến việc mang nghề mây, tre, giang đan "lên núi". Năm 2004, ông quyết định bỏ nghề buôn vải và vay Ngân hàng CSXH huyện 40 triệu đồng, thành lập HTX Mây tre, giang đan Toản Thắng.

Hơn 80% dân số ở Lục Yên là đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ của người dân thấp. Ngay sau khi thành lập HTX, ông Toản về các bản, làng vận động bà con tham gia học lớp học mây, tre, giang đan miễn phí do ông mở tại HTX. Học xong, ông giao nguyên liệu cho các gia đình để họ làm, sản phẩm thì HTX thu mua.

Ông Toản cho biết: "Ba năm đầu, tôi làm ăn thua lỗ vì rất ít người tham gia lớp học. Sản phẩm bà con làm ra quá ít lại hỏng, lỗi nhiều, nhưng tôi vẫn trả công bà con". Chấp nhận lỗ, ông tiếp tục mở lớp dạy nghề. Với tâm huyết của ông, nghề mây tre, giang đan dần "bén rễ" ở Lục Yên.

Nghề phụ thu nhập chính

Năm 2009, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 100 triệu đồng, ông Toản đầu tư thêm máy móc, mua nguyên liệu, mở các lớp dạy nghề mây, tre, giang đan ở các bản làng. Đến nay, ông đã mở được hơn chục lớp cho hơn 300 lao động nông thôn. Chính những học viên này đang tham gia làm sản phẩm cung cấp cho HTX. Trung bình mỗi ngày, HTX nhập hơn 200 sản phẩm của bà con. Cứ vài ngày, ông lại chuyển hàng về xuôi một chuyến với hàng nghìn sản phẩm các loại.

img HTX Toản Thắng là “cây rút tiền” nhanh nhất cho người nghèo. Có sản phẩm là chúng tôi có tiền. img

Chị Hoàng Thị Hiền

Từ ngày có nghề, nhiều hộ đã thoát nghèo, không còn tình trạng đói đứt bữa những ngày giáp hạt. Gia đình chị Hoàng Thị Hiền (thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng) có 4 miệng ăn, nhưng chỉ trông vào 2 sào ruộng. Từ ngày học nghề làm mây, tre, giang đan, trung bình mỗi ngày gia đình chị làm được hơn chục sản phẩm, được HTX trả hàng trăm nghìn đồng. Chị Hiền phấn khởi: "Từ ngày làm mây, tre, giang đan, tôi đã mua được giường, ti vi. Vợ chồng và con tôi cùng làm nên tôi không phải lo lắng các khoản chi tiêu vặt hay đóng tiền học cho con".

Cụ Nguyễn Thị Tiền (thị trấn Yên Thế), năm nay đã 80 tuổi, mỗi ngày cũng kiếm được 40-50 nghìn đồng. Cụ tâm sự: "Làm mây, tre đan không mệt nhọc, người già có việc làm vừa vui lại có tiền".

Sản phẩm mây tre, giang đan Lục Yên làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, có lúc còn "cháy hàng". HTX Toản Thắng cũng đã trả số nợ 100 triệu đồng cho Ngân hàng CSXH đúng thời hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem