Vay vốn nuôi cá lồng trên sông Lô, nhiều hộ thoát nghèo, khấm khá

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 26/11/2019 17:18 PM (GMT+7)
Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi cá chiên, cá bỗng trên sông Lô, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Vĩnh Lợi (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã thoát nghèo. Đặc biệt, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư nhiều lồng nuôi, làm ăn bài bản nên đã có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Trao “cần câu” cho nông dân

Cá chiên được xếp vào nhóm cá “ngũ quý hà thủy” (cá chiên, cá lăng, cá rầm xanh, cá anh vũ, cá bỗng). Với giá bán trên thị trường hiện nay dao động từ 450.000 – 500.000 đồng/kg, mỗi một lồng cá người dân xã Vĩnh Lợi thu về từ 50 – 60 triệu đồng.

Nghề nuôi cá chiên lồng trên sông ở xã Vĩnh Lợi đã có từ nhiều năm, các hộ dân tận dụng diện tích mặt nước trên sông Lô để thả lồng nuôi cá. Tuy nhiên, để đầu tư nuôi cá chiên lồng yêu cầu chi phí đầu tư tương đối lớn, bởi vậy ban đầu mỗi hộ chỉ nuôi từ 3-5 lồng, lợi nhuận từ việc nuôi cá chiên đem lại chưa cao.

img

Nhiều hộ gia đình ở xã Vĩnh Lợi đã thoát nghèo nhờ nghề nuôi cá chiên lồng trên sông Lô. Ảnh: Minh Ngọc

Trước đây gia đình ông Trần Văn Hưng ở xã Vĩnh Lợi (huyện Sơn Dương) chỉ có 4 lồng nuôi cá chiên, nguồn thu nhập chủ yếu từ trồng lúa và trồng 1,8ha cây keo. Nhưng từ năm 2016, khi thấy xã Vĩnh Lợi có chủ trương hỗ trợ người nông dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, nhận thấy nghề nuôi cá chiên lồng trên sông mang lại lợi nhuận lớn, hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa, ông Hưng đã quyết định vay 200 triệu đồng để đầu tư, mở rộng số lồng nuôi cá chiên.

Hiện nay ông Hưng đã có tổng cộng 12 lồng cá, thu nhập từ nghề nuôi cá chiên lồng đem lại cho ông Hưng mỗi năm từ 150-200 triệu đồng.

Nhờ có chính sách vay vốn ưu đãi, nhận thức được hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cá chiên lồng trên sông đem lại rất cao, nhiều hộ gia đình ở xã Vĩnh Lợi đã chú trọng, quyết tâm phát triển nghề nuôi cá chiên lồng trên sông. Chỉ sau 1 năm vay vốn nhiều hộ đã trả được nợ với lợi nhuận từ nuôi cá chiên mang lại. Không những gia đình ông Hưng mà nhiều hộ trong ở xã Vĩnh Lợi cũng vay vốn để đầu tư nuôi cá chiên, cũng như mở rộng diện tích các số lồng nuôi.

“Ban đầu, gia đình chỉ đầu tư nuôi được 5 lồng cá chiên, nhưng sau khi có chính sách vay vốn ưu đãi, tôi đã vay 200 triệu đồng để mở rộng diện tích nuôi cá. Đến nay nhà tôi đã có 12 lồng, mỗi năm thu hoạch từ 6-7 tạ cá, trừ chi phí cho lợi nhuận 150-200 triệu đồng/năm. Sau 1 năm vay vốn, giờ đây tôi đã trả hết nợ nhờ lợi nhuận từ nuôi con cá chiên”, ông Hưng chia sẻ.

Đáng chú ý từ dự án vay vốn phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình ở xã Vĩnh Lợi tham gia nuôi cá chiên lồng, những hộ đang nuôi tiếp tục mở rộng mô hình, hiện nay mô hình này đã và đang chuyển dịch theo theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp cho người nuôi cá có lợi nhuận cao nhất.

Hỗ trợ tối đa phát triển sản xuất

Đến thăm mô hình nuôi cá chiên lồng tại xã Vĩnh Lợi, phóng viên ghi nhận, người dân thiết kế các lồng sắt kiên cố để thả cá, mỗi lồng có chi phí đầu tư từ 10 - 12 triệu đồng, những lồng có diện tích lớn có thể nuôi đến 100 con cá chiên.

img

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông Trần Văn Hưng đã mở rộng diện tích và tăng số lượng lồng nuôi cá chiên, thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng với 12 lồng.  Ảnh: M.N

Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất ổn định, chính quyền xã Vĩnh Lợi còn vận động nông dân thành lập tổ hợp tác nuôi cá chiên lồng với 10 thành viên tham gia, từ đó giúp bà con ổn định sản xuất, có điều kiện thuận lợi đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá chiên lồng.

Để đầu tư được hệ thống lồng sắt kiên cố như hiện tại, theo một số người dân nuôi cá ở đây cho biết, đó là từ khi có chính sách vay vốn phát triển sản xuất nên các hộ dân đã vay vốn để mở rộng diện tích, làm lồng sắt để thả cá. Hiện tại, bà con đã không còn dùng cây tre hoặc ống nhựa để làm lồng như trước đây.

Ông Trình Xuân Chử - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lợi cho biết: Thời gian qua, chính quyền xã đã tạo điều kiện, hỗ trợ người dân vay vốn để mở rộng sản xuất. Đối với nghề nuôi cá chiên lồng trên sông từ nhiều năm nay đã trở thành hoạt động kinh tế trọng tâm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã. Từ chủ trương vay vốn mở rộng sản xuất, năm 2016 có trên 10 hộ vay vốn để nuôi cá chiên lồng, đến nay đã có hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ giàu lên...

Gia đình ông Trần Văn Thủy (xã Vĩnh Lợi) cũng là một trong những hộ được vay vốn để phát triển nghề nuôi cá chiên. Được vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã đầu tư mua con giống, tăng từ 2 lên 4 lồng cá chiên như hiện nay. Hiện trung bình lợi nhuận từ nuôi cá chiên của gia đình ông Thủy trên 50 triệu đồng/năm.

Ông Thủy phấn khởi cho hay: “Từ chỗ nghèo khó, hàng năm chỉ trông chờ vào cây lúa, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, giờ đây gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, có thu nhập ổn định”.

"Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ bà con nuôi cá chiên lồng, từ đó tham mưu cho UBND và Hội Nông dân huyện Sơn Dương có những chính sách hiệu quả hỗ trợ kịp thời cho người dân. Chúng tôi cũng sẽ tìm đầu ra và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con”.

Ông Trình Xuân Chử - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lợi

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem