Huyền tích kể rằng, do chiến tranh, tổ tiên của người Ba Na, Jrai đã từng lưu lạc đến mảnh đất này thì kiệt sức vì đói. Thật may, khắp khu vực khi ấy mọc rất nhiều cây lúa nếp và những bông lúa nếp trĩu hạt ấy đã cứu họ qua cơn hoạn nạn.
Biết ơn núi rừng, họ đã ở lại chọn đất lập buôn, khai khẩn nương rẫy nhưng chỉ trồng duy nhất lúa nếp, coi gạo nếp là cây lương thực chính cho bữa ăn hàng ngày, gọi cơm nếp là “mẹ ruột”.
|
Ở buôn Típ, cơm nếp đã thay vị trí của cơm tẻ. |
Loại gạo nếp của người Ba Na, Jrai khá đặc biệt, hạt tròn như nếp của các nơi khác nhưng không trắng mà lấm tấm đen như bị lên mốc. Khi nấu lên hạt cơm nếp có màu đỏ hồng. Bà con bảo rằng, ăn thứ cơm ấy không những dẻo, thơm ngon mà còn béo ngậy, ăn không biết chán và lại no lâu, lên rẫy không sợ đói.
Không giống với mâm cơm truyền thống của các dân tộc khác thường phải có đủ cả cơm, canh, món mặn, món luộc, bữa cơm hàng ngày của bà con buôn Típ bao giờ cũng chỉ có cơm nếp và rau sắn luộc chấm muối.
Già làng Rơ Châm Rước giải thích rằng, cơm nếp vốn đã chứa trong nó đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết mà một người lao động nặng nhọc phải có, vì thế chỉ cần mỗi ngày 3 bữa cơm nếp đều đặn ăn cùng rau sắn là đủ.
Ăn như vậy thì quanh năm sẽ không ốm đau, bệnh tật, trên 90 tuổi như vợ chồng già và hàng chục bậc cao niên của buôn Típ này vẫn đủ sức ngày ngày đi bộ 6 - 8km đường núi để lên nương rẫy hoặc vào rừng đốn củi.
Không riêng gì già Rước mà ở buôn này rất hiếm trường hợp người trẻ tuổi mắc bệnh về với tổ tiên sớm. Phải chăng chính nhờ cơm nếp mà bà con nơi đây có được sức khỏe, sự dẻo dai bền bỉ đến vậy?
Vinh Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.