Về Cà Mau theo chân người đánh bắt “lộc trời”

Lê Gia Bảo – Trần Trung Thứ tư, ngày 16/09/2015 06:03 AM (GMT+7)
Cứ vào độ giữa tháng năm đến tháng mười một hàng năm, bà con ven các con kênh nối với cửa sông ra biển tại các huyện Cái Nước, U Minh, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau lại vào mùa đánh bắt “lộc trời” là con rẹm để kiếm thêm thu nhập.
Bình luận 0

Nói đánh bắt rẹmđánh bắt “lộc trời” bởi với người dân tại ấp Rau Dừa, xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau thì vào mùa rẹm, nếu chịu khó thì bà con cũng có ăn, có để ra được đôi chút thu nhập.

Vừa chuẩn bị đồ nghề, anh Lê Văn Thum, ở xã Phú Mỹ (huyện Cái Nước) vừa kể với tôi: Năm nào cũng thế, cứ khoảng thời gian này, người dân lại lập “ma trận” bằng đầy rẫy những lú, đáy dưới các con kênh để bẫy rẹm. Năm nay ước đoán sản lượng rẹm cũng khá, đặc biệt giá cao hơn năm trước gần chục ngàn đồng/kg, nên bà con phấn khởi vì sẽ trúng mùa.

img

Người dân đánh bắt rẹm trên sông.

Từ Quốc lộ 1A về trung tâm huyện Trần Văn Thời, đoạn đường chỉ 7 km. Chúng tôi đi qua các xã Phú Mỹ (Cái Nước), xã Phong Lạc, Lợi An (Trần Văn Thời) thấy đăng đó bạt ngàn, gần như nối đuôi, đối đầu nhau, cái bên phải, cái bên trái tạo nên “thế trận” để bao vây, chờ rẹm.

Anh Huỳnh Văn Trận, ở xã Lợi An, có hơn chục năm sống bằng nghề đánh bắt rẹm cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu mùa mưa, ấu trùng rẹm sẽ theo nước biển lên, chảy ngược vào các con kênh. Rồi sinh trưởng đến khoảng tháng tám sẽ trưởng thành và tìm đường trở lại biển khơi. Đây cũng là lúc mùa đánh bắt “lộc trời” bắt đầu…

Nhà anh Trận làm 3 cái lú và hai miệng đáy (đáy và lú có chức năng như nhau nhưng đáy lớn hơn lú nhiều lần cũng là dụng cụ đánh bắt rẹm), mỗi tháng hai con nước rằm và 30 trúng mùa rẹm anh thu hàng chục triệu đồng/tháng. Theo anh Trận, nước rẹm cuối tháng đang thu hoạch, 1 cái đáy mỗi ngày cho anh bình quân 30 kg rẹm, một cái lú từ 5 – 10 kg. Anh thu bạc triệu trong các ngày này là bình thường. Tuy nhiên mỗi nước rẹm trúng như thế chỉ được vài ngày.

Theo người dân địa phương, những ngày rẹm đi mạnh người dân bắt được nhiều là những ngày nước thật lớn. Trong tháng sẽ tập trung vào các ngày giữa tháng từ 15, 16, 17 (âm lịch)  và cuối tháng cũng được vài ba ngày như thế. Những ngày tiếp theo rẹm cũng có nhưng số lượng ít. Trong các ngày nước lớn, mỗi ngày họ phải đổ lú và đáy đến 3 lần vào các buổi sáng, chiều và nửa đêm. Nếu không đổ rẹm vào đầy đục sẽ làm “bể” cả đuôi lú, đuôi đáy. Nghe người dân nói chúng tôi cũng giật mình, nhưng hỏi ra mới biết không phải rẹm vào nhiều “bể” mà là số lượng rẹm quá nhiều và ở trong đục lâu chúng sẽ cắn rách đuôi đục tìm đường tẩu thoát.

Theo các thương lái địa phương cho biết, rẹm mùa này rất mẩy, thịt thơm ngon và như đã trở thành đặc sản của miền quê Cà Mau nên rất được chuộng nơi thị thành. Hiện không chỉ các quán ăn, nhà hàng “hút” rẹm, mà người dân thành thị rất thích. Họ dùng rẹm để chế biến các món ăn gia đình như bún riêu, rẹm rang me,…

Gọi mùa đánh bắt rẹm là mùa đánh bắt “lộc trời” là vậy. Nơi đây khi mùa rẹm đến, một bộ phận lao động nhàn rỗi địa phương sẽ có thêm việc làm thời vụ - mùa bắt rẹm kiếm thêm thu nhập.

img

Những miện lú đánh bắt rẹm trên sông.

img

Rẹm được thương lái thu mua vận chuyển đi các thành phố.  

img

Người dân có nguồn thu bạc triệu mỗi ngày từ của “trời cho”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem