Về Đèo Pha Đin - “tọa độ lửa” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Văn Ngọc - Thanh Tâm Thứ bảy, ngày 16/03/2024 06:00 AM (GMT+7)
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin đóng vai trò hết sức trọng yếu bởi nằm trên tuyến đường huyết mạch, độc đạo, tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bình luận 0

Clip: Về đèo Pha Đin - “tọa độ lửa” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đèo Pha Đin - tuyến đường huyết mạch

Theo chân cán bộ văn hóa huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), chúng tôi đi dọc tuyến đường Quốc lộ 6 qua di tích Đèo Pha Đin lịch sử năm nào. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay tuyến đường qua đèo Pha Đin đã được đầu tư xây mới để giao thông đi lại được thuận lợi. Tuy nhiên, những dấu tích về tuyến đường huyết mạch năm nào vẫn còn được giữ lại tại một số điểm.

Ngược dòng lịch sử, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin đóng vai trò hết sức trọng yếu, bởi nằm trên tuyến đường huyết mạch, độc đạo, vận chuyển lương thực, bảo đảm giao thông trên tuyến đường từ Hòa Bình, Yên Bái qua Sơn La lên Điện Biên. Đặc biệt, đèo Pha Đin nằm giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên - Nơi cửa ngõ của chiến dịch Điện Biên phủ nên thực dân Pháp luôn tìm cách để cắt đứt việc tiếp lương, tải đạn của quân và dân ta ra mặt trận. Chúng cho máy bay tuần tiễu khu vực đèo hàng chục lần mỗi ngày, điên cuồng thả hàng trăm quả bom phá, nổ chậm, bom bi... xuống đèo, nên nơi này được ví như “túi bom” bởi có ngày, địch ném xuống đây hơn 100 quả bom các loại.

Để đảm bảo thông xe, thông tuyến, phục vụ kịp thời chuyển quân, chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến, đã có hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể tại con đèo huyền thoại này. Chiến tranh đã lùi xa, những người tham gia chiến dịch ở vùng đất này nay tuổi đều đã cao, song họ vẫn không thể nào quên những năm tháng hào hùng ấy.

Về Đèo Pha Đin - “tọa độ lửa” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 1.

Đèo Pha Đin nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Đức

Nghe theo tiếng gọi của Đảng, Chính phủ, bà Quàng Thị É, Bản Hua Nà, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La năm đó tuổi mới đôi mươi cùng với rất đông thanh niên các dân tộc huyện Thuận Châu tham gia dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực và và vũ khí qua đèo Pha Đin. Nay bà É đã 90 tuổi nhưng bà vẫn còn rất minh mẫn. Những câu chuyện bi hùng, kỷ niệm không quên về một thời gian khổ, ác liệt vẫn luôn được bà kể cho con cháu như những bài học lịch sử quý báu.

Bà É chia sẻ: “Tôi đi dân công hỏa tuyến từ lúc chưa lấy chồng. Lúc đó chưa có đường đi, đường đi nhỏ, chúng tôi phải băng qua rừng gánh gạo tiếp tế cho bộ đội ở Điện Biên. Mỗi ngày chúng tôi đi 2 lượt như vậy, phải đi trong đêm, vì đi ban ngày có nhiều máy bay địch. Tôi đi trong một năm, từ lúc về nhà lâu rồi tôi không lên đèo Pha Đin nữa, về nhà lấy chồng, có con mọn, bận nhiều việc không đi được. Các bạn đi cùng tôi ngày đó bây giờ cũng không còn”.

Ông Lường Văn Hương, Bản Lạnh, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La năm nay cũng đã gần 90 tuổi cũng là một trong số ít những dân công hỏa tuyến thời đó nay vẫn còn khỏe mạnh. Ông là một trong những người tham gia rất nhiệt tình và gan dạ.

Ông Hương chia sẻ: "Tháng 3/1954 tôi đi dân công hỏa tuyến từ Mường Ẳng đến bản Co Chạy, Mường Bổn, đi 3 tháng lúc chiến tranh chống Pháp và cũng đi qua đèo Pha Đin lên. Công việc thì chuyển gạo, có thương binh thì đưa thương binh đi ngoài trạm, đi ban đêm có nhiều khó khăn".

Về Đèo Pha Đin - “tọa độ lửa” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 2.

Bà Quàng Thị É năm xưa tham gia dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực và vũ khí qua đèo Pha Đin (người thứ 2 bên phải sang). Ảnh: Văn Ngọc

Đèo Pha Đin - điểm đến hấp dẫn du khách

Đèo Pha Đin hôm nay đã đổi thay nhiều nhưng dấu tích của tinh thần, ý chí của bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vẫn còn vẹn nguyên trên cung đường lịch sử. Trước đây, đèo Pha Đin dài 32km và có khoảng gần 130 khúc cua hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô-tô đi qua, thì nay được nâng cấp, chiều dài rút ngắn lại còn 26km với khoảng 60 khúc cua, độ dốc hạ xuống còn 8%, mặt đường rộng gần gấp 2 lần so với trước.

Về Đèo Pha Đin - “tọa độ lửa” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 3.

Đèo Pha Đin, đoạn đi qua xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Cung đường mới mở như dải lụa nối những dãy núi, gắn kết 2 vùng đất Sơn La - Điện Biên. Đây cũng trở thành một trong những điểm du lịch đẹp, thu hút đông đảo du khách thập phương tới tham quan, thưởng ngoạn tận hưởng vẻ đẹp và không khí nơi núi rừng Tây Bắc.

Anh Bùi ngọc Thắng, Giám đốc HTX Du lịch Pha Đin, Xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Khu du lịch “Pha Đin Top” của HTX Du lịch Pha Đin nằm trên địa phận xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu. Với quy mô hơn 30 ha, khu du lịch gồm rừng sinh thái, vườn hoa, khu tâm linh... mỗi khu lại được đầu tư xây dựng theo cách riêng để đáp ứng nhu cầu của du khách. Ở khu rừng sinh thái là các loại cây đặc trưng của địa phương như đào, mận, sơn tra... Tại đây, du khách vừa được tham quan di tích lịch sử, vừa có thể nghỉ dưỡng, trải nghiệm các hoạt động chăm sóc, thu hái quả và thưởng thức ngay tại vườn.

“Đèo Pha Đin là con đường huyết mạch gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ. Thứ hai nữa là điểm cao để phát triển du lịch rất tốt. Mình làm khu du lịch này điều đầu tiên là tạo thu nhập cho gia đình, thứ hai nữa là tạo điều kiện cho bà con quanh đây. Giải quyết công ăn việc làm cho họ, bà con có những sản phẩm địa phương họ có thể bán để tạo thêm thu nhập cho gia đình”, anh Thắng nói.

Về Đèo Pha Đin - “tọa độ lửa” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 4.

Anh Bùi ngọc Thắng, Giám đốc HTX Du lịch Pha Đin, Xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La (bên trái) giới thiệu về khu du lịch Pha Đin Top. Ảnh: Văn Ngọc

Đèo Pha Đin hôm nay đã đổi thay

Đèo Pha Đin nằm giữa 2 huyện Thuận Châu của tỉnh Sơn La và huyện Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên. Nơi đây tập trung chủ yếu người dân tộc thiểu số sinh sống. Trước đây, đời sống du canh, du cư khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong những năm qua, với việc thực hiện vận động chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay thế cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả bằng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đời sống đồng bào đã có nhiều đổi thay.

Ông Sùng Giả Dia, bản Nà Ngụa, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vốn là cán bộ công an xã và cũng là người có uy tín trong cộng đồng người Mông ở nơi ông sinh sống. Ông được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và lựa chọn là người đi đầu làm mẫu để vận động bà con trong bản Nà Ngụa, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Giờ đây, cùng với gia đình ông, tất cả các hộ dân trong bản cũng đã có nhiều diện tích trồng chanh leo và sơn tra (hay còn gọi là táo mèo) mang lại thu nhập ổn định và có giá trị kinh tế cao.

Ông Dia chia sẻ: "Cuộc sống thay đổi như thế này một là vì mình sống ở mảnh đất có lịch sử, hai nữa là cũng nhờ có Đảng, có Chính phủ tạo điều kiện giúp đỡ để mình và bà con có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Trước đây, bà con ở đây thu thóc chỉ đủ ăn trong vòng 2 tháng thôi. Từ khi tôi chuyển lên đây, tôi bắt đầu hô hào bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm theo khoa học kỹ thuật của Nhà nước, bà con không bị đói nữa".

Về Đèo Pha Đin - “tọa độ lửa” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 5.

Vườn cây ăn quả của người dân dưới chân đèo Pha Đin. Ảnh: Văn Ngọc

Đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Bùi Xuân Xã, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, nằm ngay dưới chân đèo Pha Đin, chúng tôi khá ấn tượng bởi màu xanh tốt của cây ăn quả. Vườn cây rộng gần 2ha, được ông Xã trồng đủ các loại cây ăn quả.

Đang cầm kéo cắt hồng giòn chín cho thương lái, ông Xã dừng tay chia sẻ: "Sau khi tìm hiểu một số mô hình kinh tế ở nhiều địa phương trong vùng, học hỏi trên sách báo, truyền hình… tôi thấy việc phát triển cây ăn quả phù hợp, có thể đem lại thu nhập cao cho gia đình. Nghĩ là làm, với số vốn tích cóp của gia đình, tôi đã đầu tư mua giống cây ăn quả về trồng phát triển kinh tế.

Về Đèo Pha Đin - “tọa độ lửa” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 6.

Ông Bùi Xuân Xã, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Mình cứ canh tác cây ngô, cây sắn thì không bao giờ khá lên được. Phải thay đổi cách nghĩ cách làm, có như vậy mới nâng cao thu nhập được. Gia đình có điều kiện về đất đai, khí hậu mát mẻ, phù hợp với trồng cây ăn quả nên tôi đã quyết định bỏ cây trồng ngắn ngày sang trồng cây ăn quả", ông Xã nói.

Hiện nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông Xã trồng các loại cây ăn quả như: hồng, nhãn, ổi… Theo ông Xã lý giải, vườn cây ăn quả của gia đình ông không chuyên canh về một loài cây mà trồng đủ các loại cây như vậy là mùa nào gia đình ông cũng có quả để bán. Vụ này loại cây này mất mùa, mất giá thì các loại cây ăn quả khác sẽ bù vào. Làm như vậy mới có thu nhập ổn định. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, vườn cây ăn quả của gia đình ông Xã sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao. Mỗi năm, từ vườn cây ăn quả, trừ tất cả chi phí đầu tư, gia đình ông Xã thu lời hơn 200 triệu đồng.

Về Đèo Pha Đin - “tọa độ lửa” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 7.

Đời sống của người dân dưới chân đèo Pha Đin lịch sử ngày càng ấm no hơn nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Ngọc

Giờ đây, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La còn được biết đến với nhiều sản phẩm đặc trưng có thương hiệu mà trong đó phải kể đến là sản phẩm chè Phổng Lái. Thương hiệu chè Phổng Lái không chỉ nổi tiếng tại địa phương và các vùng lân cận mà nay đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài như Đài Loan, Nhật Bản. Cùng với nhiều sản phẩm theo mùa khác như cà phê, sơn tra, chanh leo, sa nhân... đã góp phần nâng cao điều kiện đời sống người dân, tạo nguồn thu lớn cho địa phương.

Bà Nguyễn Thúy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: "Để khai thác tiềm năng và cũng là phát huy hết các giá trị truyền thống lịch sử của đèo Pha Đin thì Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu đã xác định đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm trong đó thì một là bảo tồn giá trị văn hóa của đèo Pha Đin, hai nữa là đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với khai thác du lịch ở khu vực đồng bào thiểu số cư trú trên đèo Pha Đin".

Năm tháng qua đi, Quốc lộ 6, đèo Pha Đin vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử hào hùng, tiếp tục là con đường huyết mạch giúp tỉnh Điện Biên nối liền giao thương với Sơn La và các tỉnh miền xuôi. Truyền thống cách mạng vẫn đã, đang và sẽ là niềm tự hào, động lực để người dân gắn bó, đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Địa danh đèo Pha Đin lịch sử năm nào nay đã khoác lên mình một tấm áo mới được dệt bằng màu của cây trái, màu của tự hào, màu của ấm no, hạnh phúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem