Theo lời hẹn, chúng tôi đến Cao Răm trong một ngày nắng đẹp. Xã nằm cách xa huyện lị Lương Sơn, nổi tiếng với những cái hang lớn và những câu chuyện đầy màu sắc huyền bí.
Còn nhớ 18 năm về trước chiếc hang này là nơi linh thiêng mà bà con trong vùng không dám lui tới. Ngọn núi sáng quanh năm mây mù bao phủ càng khiến những lời đồn đại trở nên có sức thuyết phục hơn. Nhưng rồi chính những chàng trai đi rừng đã phát hiện ra bí mật về hai bộ xương đười ươi ấy, cung cấp thêm những phát hiện cho khảo cổ học.
Chúng tôi đến nơi đây nhìn ngọn núi sáng và cái cửa hang nhỏ chợt gợi lên trong đầu những suy nghĩ về miền đất cổ. Dưới những tán cây cao xòa bóng mát, những ngôi nhà gác (nhà sàn) bằng gỗ đã nhẵn bóng nước thời gian. Trong gian bếp ấm cúng lại được nghe nghe người già kể những câu chuyện thú vị trong khi ngô nếp thơm đang nổ lép bép với than hoa, trên giàn nướng là bánh trứng kiến, là thịt trâu cuốn là bưởi với mùi thơm lôi cuốn.
Những mái nhà gác bình yên nơi mảnh đất Lương Sơn. (Ảnh: Bùi Việt Phương)
Nghe người già kể rằng mảnh đất này từng gắn với cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương của bậc danh nho Cao Bá Quát thuở nào. Tên gọi cuộc khởi nghĩa bao trùm hai vùng đất Chương Mỹ và Lương Sơn ngày nay (xưa thuộc tỉnh Sơn Tây). Trong lời kể của mế, chúng tôi cứ hình dung ra những mảnh ghép của ngôi thành cổ Cao Thắng cách đây không xa, của dòng sông Bưởi hiền hòa chảy qua những cách đồng xanh tươi.
Nhớ lại ngày còn trai tráng, ông chủ nhà làm bảo hộ rừng đã từng đi bộ hàng ngày đường để xuyên qua các xã, các làng của Lương Sơn khi đó còn âm u rừng cây và các loài thú, các loài chim quý. Ông ấn tượng nhất là những đàn khỉ về phá nương ngô ở Lâm Sơn. Chúng đánh thành từng đai quang người và vui đùa trước khi mặt trời lặn, rồi lại cùng nhau chuyền cành về trong núi. Sở dĩ chúng làm như vậy để dữ trữ thức ăn cho những ngày đông giá hay khi dưới nương không có loại thức ăn nào.
Nằm ngoài địa giới của tứ đại Mường (Nhất Bi, nhì Vang, tam Thành, tứ Động), Lương Sơn là mảnh đất giáp ranh với nền miền đất châu thổ sông Hồng nhưng không phải vì thế mà nhạt dần các giá trị văn hóa. Nhìn những cô gái vẫn mang trên mình bộ quần áo đặc trưng của dân tộc mình với chiếc khăn trăng trên đầu, thắt lưng xanh duyên dáng, bộ sà tích… Nghe tiếng nói, câu hát ví cất lên vô tình trong lúc đưa thoi dệt tấm vải mới may những bộ quần áo đón Tết chợt thấy nơi đây vẫn gìn giữ nếp cũ của cộng đồng Mường và những giá trị bản nguyên.
Đi dọc con sông Bưởi, nhìn những khu vườn xanh tươi, những thửa ruộng êm đềm bao đời nay với đàn trâu về khi mặt trời gác núi. Tiếng mõ trâu gợi vẻ thanh bình, no ấm cho làng quê Lương Sơn, tiếng mõ trâu gọi sương về phủ kín những đỉnh đồi, ủ cho làn da những cô gái nơi đây luôn trắng hồng e ấp trong vành nón trắng. Có lẽ, ai đã từng qua sẽ còn muốn trở lại nơi đây để khám phá hết những vẻ đẹp của hồn đất và tình người nơi đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.