Trao đổi với phóng viên DANVIET.VN, ông Nguyễn Hữu Hoa (con trai Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam) chia sẻ: "Ở Việt Nam, làng nghề tranh thủ công mỹ nghệ có rất nhiều, đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhưng đặc sắc nhất vẫn là làng tranh dân gian đông Hồ".
Cũng theo ông Hoa: "Trước có Đội tranh dân gian Đông Hồ nhưng chỉ hoạt động đến khoảng năm 2009 thì giải thể do đổi mới cơ chế tập thể không còn phù hợp nữa".
Ông Nguyễn Hữu Hoa đang giới thiệu về sản phẩm Tranh dân gian Đông Hồ của bà Oanh
Sau khi giải thể thì một số hộ gia đình vẫn tiếp tục làm tranh lúc đầu là 7,8 hộ sau chỉ còn lại một vài hộ do một vài nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau do chất lượng tranh hoặc đầu ra gặp nhiều khó khăn,...
Hiện nay, vì lòng yêu nghề và mong muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, 3 hộ gia đình còn theo nghề là Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh (con dâu của Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam), Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - cán bộ về hưu (mới làm tranh từ những năm 90 của thế kỷ XX), ông Nguyễn Hữu Quả (con trai của Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam)".
Ông Nguyễn Hữu Hoa đang giới thiệu cho khách tham quan những bức tranh ấn tượng của bà Oanh
Tranh dân gian Đông Hồ rất phong phú và đa dạng. Trước đây chỉ có 2 loại cơ bản: tranh in, tranh vừa in vừa vẽ nhưng trải qua các giai đoạn làm tranh hết sức cầu kỳ và tỉ mỉ, nhất là phần in màu. Mỗi một màu in 1 lần, tranh 5 màu là 5 lần in. Tranh vừa in vừa vẽ là loại tranh in xong rồi vẽ điển hình là tranh "Tứ Quý".
Ngày nay có thêm một số loại tranh khác nữa như vẽ tay hoàn toàn mới xuất hiện từ khoảng 10 năm trở lại đây, tranh gỗ. Như vậy là có 4 loại tranh Đông Hồ.
Ông Hoa cho hay: "Ngày xưa, nhà tranh vách nứa thường có diện tích nhỏ hẹp chỉ treo tranh nhỏ là vừa thôi nhưng bây giờ không gian nhà rộng hơn nên nhiều người có nhu cầu treo tranh lớn hơn với tranh khổ 50*70, 70*100, 60*80".
Ông Hoa đang giới thiệu mai điệp dùng làm màu in tranh
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh tiếp lời chồng (ông Hoa):" Giấy làm tranh làm từ cây dương, cây gió trên rừng, giấy gió này rất bền và dai sản xuất thủ công thường dùng làm chiếu chỉ của nhà vua, giấy gia phả,...
Chất liệu màu tranh tất cả đều là tự nhiên ví dụ như màu vàng làm từ hoa hòe, màu xanh làm từ lá chàm, màu đen làm từ tro bếp, than lá tre, màu trắng làm từ mai con điệp. Nhất là màu trắng của mai điệp có độ phản quang rất tốt nên màu tranh in ra bắt mắt, tạo cảm hứng cho người xem tranh".
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh đang miệt mài tô điểm cho bức tranh Đông Hồ
Bà Nguyễn Thị Oanh cũng là nữ nghệ nhân duy nhất của 62 làng nghề trong cả nước tính đến nay vinh dự được nhà nước phong tặng.
Bà Oanh chia sẻ: "Tôi rất may mắn khi sinh ra tại làng nghề tranh truyền thống. Từ lúc 9, 10 tuổi tôi đã có lòng đam mê yêu nghề, gắn bó với nghề cũng từ đó, được sự dìu dắt, dạy bảo của mẹ.
Sau này năm 1980, khi trở thành con dâu của Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam – người phụ trách tổ tranh dân gian Đông Hồ, cô thôn nữ Oanh ngày nào lại trở thành lao động chính của tổ tranh, học hỏi được nhiều điều từ bó chồng.
Bà Oanh thường mày mò tìm các chất liệu khác nhau để làm tranh. Tranh của bà luôn được làm rất tỉ mỉ và có hồn, được nhiều người sành chơi tranh đánh giá cao.
Bức ảnh chụp bà Oanh bên cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tranh cho Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho bà Nguyễn Thị Oanh-Nghệ nhân tranh Dân gian Đông Hồ.
Trong dịp Hội nghị APEC 14 (tháng 11.2006), xưởng tranh của gia đình bà Oanh ở làng Đông Hồ còn được bà Hilari Clinton – Ngoại trưởng Mỹ đến gặp gỡ nghệ nhân và tham quan tranh.
Tranh của gia đình bà Oanh còn được tham gia nhiều liên hoan, lễ hội lớn trong nước như "Không gian di sản văn hóa Việt Nam-ASEAN", "Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội", "Liên Hoan văn hóa các dân tộc Bắc Giang", "Festival Bắc Ninh"... và đã đạt nhiều giải thưởng lớn.
Tranh "Vinh hoa" của Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh còn được lựa chọn để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sang thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11 năm 2018.
Năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho bà Nguyễn Thị Oanh vì đã có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Bà Oanh còn truyền lại nghề cho con trai và con dâu. Với niềm đam mê và quyết tâm giữ nghề, bà Oanh luôn đau đáu nỗi lo nghề tranh mai một. Bà thường đi dạy cho các trường học và tuyên truyền cho nhiều người về nghề làm tranh Đông Hồ để nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc được bảo tồn.
Năm 2020 vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh lập hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Dự kiến đến năm 2023 sẽ được phê duyệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.