Là một huyện của tỉnh Bến Tre, Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, chân đạp sóng biển Đông (với bờ biển dài 25 km, tính từ Vàm Rỏng đến Khâu Băng), phía Tây giáp huyện Mỏ Cày Nam, phía Nam giáp tỉnh Trà Vinh, ngăn cách bởi con sông Cổ Chiên, phía Bắc giáp huyện Ba Tri, có ranh giới chung con sông Hàm Luông.
Để qua Bến Tre, du khách phải “lụy phà” Cổ Chiên, gió thổi lồng lộng, từ xa xa, du khách sẽ nhìn thấy cầu Cổ Chiên đang trong quá trình xây dựng, khi hoàn thành cầu Cổ Chiên sẽ góp phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của các tỉnh miền Tây sông nước.
Biển Thạnh Hải vào buổi sáng sớm.
Trên hành trình đến xã biển Thạnh Hải, du khách sẽ được ngắm vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của những cánh đồng bằng phẳng hoang sơ xen lẫn những giồng cát, những vuông tôm ở hai bên đường. Đặc biệt, khi nhìn thấy xa xa những dải rừng đước xanh mượt đứng sừng sững chắn gió, chợt nhớ đôi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng
Gió càng lay càng vững thành đồng”
Trước khi ra bãi biển, tại Cồn Bửng, du khách có thể tham quan đền thờ cá Ông. Ở đây người dân lập đền thờ 2 con cá Ông, mỗi con dài từ 22 đến 24m nặng hàng chục tấn. Sự thờ cúng cá Ông tạo ra một lễ hội trong đời sống văn hóa các xã vùng biển đó là Lễ hội Nghinh Ông. Lễ hội này là dịp để người dân làm nghề biển thư giãn sau những ngày lao động vất vả, đồng thời để tỏ lòng biết ơn đối với một sinh vật “thiêng" của biển, mà ngư dân chứa đựng niềm tin về sự giúp đỡ của cá Ông mỗi khi đi biển.
Ra đến bãi biển, cái nóng dường như biến mất, thay vào đó là những làn gió biển mát dịu, cảm nhận được cái lành lạnh của khí biển khiến con người thư thái, quên cả chuyến đi dài.
Những đứa trẻ cùng người lớn vui đùa theo con sóng trên bãi biển.
Mới buổi sáng thôi mà không khí trên bãi biển đã nhộn nhịp, tấp nập tiếng cười nói, vui đùa không ngớt của du khách xen lẫn tiếng rao hàng lảnh lót của những người bán hải sản tươi sống ngay tại bờ biển. Đâu đó trên bãi biển, những đứa trẻ đang chơi đùa với cát, xây lâu đài cát rồi òa khóc khi sóng biển ào vào cuốn phăng đi mất, rồi lại cười khanh khách khi ba mẹ dắt tay kéo con trẻ ra chơi đùa cùng sóng biển trong veo.
Một điểm độc đáo tạo nên thương hiệu du lịch biển ở Cồn Bửng (Thạnh Hải) là giá hải sản khá rẻ, phù hợp với mọi nhu cầu của du khách. Còn khi sử dụng tắm biển thì du khách được miễn phí hoàn toàn. Đăc biệt, ở đây được tắm biển miễn phí, khi bước chân vào những quán ven biển ăn uống du khách cũng được miễn phí khá nhiều thứ như bàn ăn, lều, võng, cho đến nhạc sống là điều mà du khách mê văn nghệ thích thú nhất. Còn gì thú vị bằng vừa nhâm nhi những món ăn đặc trưng miền biển vừa được hát, được thưởng thức những câu ca mùi mẫn:
“Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió,
Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre,
Năm xưa đi trong đạn lửa,
Đi như nước lũ tràn về,
Ơi những con người làm nên Đồng Khởi,
Ơi những cây dừa để lại cho ta bóng quê…”
Một những hàng quán luôn niềm nở phục vụ du khách với những món ăn đặc trưng vùng biển.
Hiện nay, Cồn Bửng đang thay đổi từng ngày, năm rồi đường từ Cồn Tra ra Cồn Bửng chỉ là đường đất lởm chởm, đi xe dằn ê cả lưng. Vậy mà, chỉ một năm thôi, con đường đã được mở rộng, trải nhựa thẳng tắp, các điểm dừng cho xe du lịch chạy ngược chiều tránh nhau đã được bố trí suốt dọc đường.
Cồn Bửng đang chuyển mình để trở thành điểm du lịch biển hấp dẫn, thu hút du khách bằng sự chất phác, đôn hậu của người dân xứ biển, ở quê hương Đồng Khởi Bến Tre.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.