Về quy định cấm đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân: “Chưa có quy định danh nhân thì chưa cấm”

Ngọc Anh (thực hiện) Thứ bảy, ngày 25/10/2014 06:57 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay, bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL về việc Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc gây xôn xao dư luận, cho biết như vậy.
Bình luận 0

Thưa bà, dư luận, đặc biệt là các doanh nghiệp đang phản ứng rất mạnh mẽ về thông tư hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp do Bộ VHTTDL ban hành. Họ cho biết rất lúng túng với thông tư vì không hiểu ai là danh nhân để mà tránh đặt tên trùng...

img Một nhà sách của doanh nghiệp tại TP.HCM mang tên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

- Việc không được dùng tên danh nhân để đặt tên cho doanh nghiệp đã được quy định tại Nghị định số 43 của Chính phủ ban hành vào ngày 15.4.2010 rồi, không phải chúng tôi tự nghĩ ra mà làm. Thông tư chỉ hướng dẫn thực hiện theo đúng nghị định quy định thôi. Ai là danh nhân và thế nào thì được gọi là danh nhân không phải là phạm trù điều chỉnh của thông tư và cũng không thuộc thẩm quyền của Bộ VHTTDL vì đây là vấn đề rất lớn của đất nước. Đến giờ phút này, ai là danh nhân cũng chưa được xác định nên thông tư này không thể áp dụng khi chưa xác định được đối tượng nào là danh nhân. Vì thế doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, có ai cấm được doanh nghiệp việc đặt tên là gì đâu.

Ví dụ, đến thời điểm này chưa xác định được Lý Thường Kiệt hay Trần Hưng Đạo là danh nhân, cũng chưa có văn bản nào xác định họ là danh nhân nên doanh nghiệp vẫn đặt tên bình thường, không ai cấm... Sao mọi người không đặt câu hỏi, tại sao Nghị định 43 ban hành từ năm 2010 mà việc đặt tên doanh nghiệp vẫn bình thường? Chưa xác định được đâu là danh nhân thì nội dung thông tư có vướng đâu mà các doanh nghiệp thắc mắc?

Nhưng trong thông tư ghi rõ, thông tư này có hiệu lực từ 25.11, những doanh nghiệp đặt tên từ trước thì không hồi tố, nhưng sau thời điểm 25.11 thì sao, cơ quan cấp phép có căn cứ vào quy định này để yêu cầu doanh nghiệp phải tuân theo đúng quy định?

- Tôi nhắc lại, phải xác định thế nào là danh nhân mới áp dụng được thông tư, chưa xác định được thì chưa thể áp thông tư. Khi xác định ông A, B, C, D... là danh nhân thì sẽ áp thông tư này vào. Khi cấp phép người ta cũng phải căn cứ vào quy định thế nào là danh nhân, ai là danh nhân, vì thế khi chưa có thì chưa thể áp dụng thông tư này được. Không thể ai tự nghĩ ra ông nọ, ông kia là danh nhân để cấm.

Tại sao khi chưa có danh sách ai là danh nhân thì Bộ VHTTDL vẫn ban hành thông tư này, điều đó đồng nghĩa với việc tính khả thi của thông tư không cao?

Quan điểm
img
Bà Ninh Thị Thu Hương • Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở
 Đến nay, chưa có văn bản nào công nhận ai danh nhân mà chỉ là do mọi người tự nói ra nên không có gì bó buộc với các doanh nghiệp trong việc đặt tên cả... 
- Chúng tôi đứng trước sức ép từ Chính phủ giao cho Bộ VHTTDL phải ban hành thông tư này trong tháng 8.2014, chúng tôi phải làm đúng theo chỉ đạo. Không phải là tính khả thi không cao mà chúng tôi bắt buộc phải làm để đón. Thông tư ra rồi nhưng vẫn phải đợi khi nào xác định được danh nhân thì mới thực hiện.

Các doanh nghiệp rất băn khoăn là làm sao để xác định ai là “các nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ”, thế nào là “vi phạm thuần phong mỹ tục”?

- Thực ra phạm vi mông lung, mơ hồ luôn gắn liền với các nội dung của chúng tôi quản lý. Cứ “thuần phong mỹ tục” mà định lượng thì muôn đời không định lượng được. Như Luật Quảng cáo, định nghĩa thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam thì không thể định nghĩa được. Thông tư này Bộ Tư pháp đã thẩm định nhưng làm hết mức cũng chỉ vậy thôi.

Có một điểm gây tranh cãi nữa là quy định về việc không được đặt tên nước, địa danh trong thời kỳ bị xâm lược, nhiều người đặt câu hỏi, vậy chẳng hạn Công ty Bia Sài Gòn thì thế nào. Được biết, góp ý dự thảo thông tư của Bộ Tư pháp cũng đề cập vấn đề này: “Trong lịch sử đất nước nhiều lần bị xâm lược nhưng không có nghĩa tên đất nước trong thời kỳ đó là xấu xa”. Tại sao Bộ VHTTDL không tiếp thu góp ý này của Bộ Tư pháp?

- Tên địa danh gợi quá khứ, đất nước xâm phạm về chủ quyền thì hạn chế đặt, không cho đặt, còn ví dụ như là tên địa danh Sài Gòn, trước đây cũng như bây giờ không ảnh hưởng gì tới hiện tại của đất nước thì vẫn cho đặt. Trong thông tư ghi rõ, tên địa danh gợi đến quá khứ thì mới hạn chế. Ví dụ như Bia Sài Gòn thì cũng chẳng có vấn đề gì. Thực ra doanh nghiệp chưa hiểu thông tư và cứ nghĩ rằng khi thông tư có hiệu lực là cấm luôn mà không biết rằng từ năm 2010 việc cấm này đã được quy định trong nghị định. Không phải ý kiến góp ý nào cũng được chúng tôi tiếp thu... Cơ quan chủ trì phải tổng hợp các ý kiến, phải quyết mọi vấn đề vì thế nhiều khi cơ quan chủ trì lắng nghe phía đa số chứ không phải ý kiến thiểu số.

Vậy bao giờ thì sẽ có danh sách danh nhân?

- Phạm vi của thông tư không thể nào điều chỉnh và đưa danh sách của danh nhân vì Nghị định 43 chỉ yêu cầu nhiệm vụ của Bộ VHTTDL là ban hành thông tư, còn việc xác định danh nhân không thuộc thẩm quyền và đang mắc mớ ở nhiều vấn đề. Bản thân tôi cũng không trả lời được vì sao không khả thi việc xác định ai là danh nhân. Trước đây, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ VHTTDL làm dự thảo nghị định quy định về tên danh nhân nhưng khi làm thì vướng, chưa thể làm được. Chúng tôi thực sự không muốn ban hành thông tư nhưng luôn bị công văn từ trên buộc phải ban hành.

Xin cảm ơn bà!

Ông Tạ Đình Xuyên- Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội (Bộ KHĐT): Ủng hộ nếu có danh sách danh nhân rõ ràng

Tôi ủng hộ việc cấm doanh nghiệp đặt tên trùng với tên danh nhân với điều kiện là những tên tuổi danh nhân nào bị cấm là phải có danh sách rõ ràng. Bởi doanh nghiệp đặt tên trùng tên danh nhân nếu làm ăn tốt thì không sao nhưng nếu họ vi phạm thì sẽ thành nhạo báng tên tuổi danh nhân đó. Bộ VHTTDL ban hành thông tư thì phải đi kèm ban hành ra danh sách danh nhân, giờ chưa có thì tương lai sẽ phải có. Những doanh nghiệp đang có tên trùng tên danh nhân hiện nay sẽ phải đổi tên thôi…

Ông  Nguyễn Văn Việt-Chủ tịch Hiệp hội rượu bia, nước giải khát:
Làm ăn kém có thể gây ảnh hưởng


Đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân thì nhiều nơi trên thế giới vẫn đặt, không ảnh hưởng gì đến văn hóa, chính trị hay kinh tế. Đối với các doanh nghiệp tốt thì việc đặt tên càng có giá trị tôn vinh các danh nhân của đất nước nên không có lý do gì để cấm. Tuy nhiên, cũng phải xem xét tính 2 mặt vì nếu doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng lạm dụng thì có thể ảnh hưởng đến tên tuổi danh nhân. Tuy nhiên, cấm hay không cấm thì cần có sự đánh giá kỹ càng, lấy ý kiến doanh nghiệp. Theo tôi, chưa nên cấm bây giờ.

Nguyễn Phương (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem