Về việc chi nửa tỷ USD nhập hạt giống: Phải chấp nhận mất tiền để học hỏi

Minh Huệ (thực hiện) Thứ tư, ngày 20/08/2014 07:04 AM (GMT+7)
“Trình độ của ta quá yếu”. TS Lê Hưng Quốc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên ngày 19.8 về việc Việt Nam đã phải chi tới 500 triệu USD trong năm 2013 để nhập khẩu hạt giống cây trồng.
Bình luận 0

Là một nước nhiệt đới, có nhiều điều kiện để sản xuất giống cây trồng nhưng năm 2013, Việt Nam đã phải chi nửa tỷ USD để nhập khẩu các loại hạt giống rau củ. Theo ông vì sao lại có sự lãng phí như vậy?

- Tôi cho rằng không những chi 500 triệu USD, mà có thể chúng ta sẽ phải chi nhiều hơn để nhập khẩu hạt giống cây trồng các loại. Thực tế là Việt Nam đã có hẳn một chương trình giống quốc gia, được Chính phủ cho phép thực hiện trong 20 năm.

Thời gian không phải ngắn, đặc biệt là vốn đầu tư không hạn chế, tính đến năm 2010 vốn rót cho chương trình đã khoảng 20.000 tỷ đồng, gồm cả vốn T.Ư và địa phương. Thế nghĩa là chúng ta có chương trình giống quốc gia, tiền cũng không thiếu, vấn đề ở chỗ ta không có nhiều dự án đúng tầm để đồng tiền đầu tư thực sự phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách hỗ trợ, song cũng còn yếu chứ chưa đầy đủ.

Thứ nữa là do trình độ nghiên cứu của ta còn thấp, mới dừng lại ở khoa học mô tả chứ chưa làm được khoa học phân tử. Hiện nay các viện nghiên cứu, doanh nghiệp (DN) chỉ làm chủ được khoảng 5-10 loại giống, chủ yếu là lúa, ngô, cao su, cà phê, tiêu…, còn lĩnh vực rau củ quả và hoa, do trình độ yếu kém nên chưa thể sản xuất được những giống rau chất lượng cao như bắp cải, súp lơ…

Trước đây, chúng ta có giống su hào Hà Giang, su hào Yên Bái, nhưng do năng suất thấp, mẫu mã chất lượng kém nên cuối cùng, các giống này cũng không tồn tại được khi giống ngoại tràn vào. Cũng do trình độ khoa học công nghệ (KHCN) thấp nên ngành sản xuất giống rau của Việt Nam chưa thể đạt đến trình độ sản xuất hạt lai F1, có ưu thế cao, ví dụ như cam không hạt, chúng ta cũng phải nhập giống về rồi lai ghép.

Để làm được những giống cao cấp như vậy, các tập đoàn giống nước ngoài đã phải chi hàng trăm tỷ đồng, chứ vài chục tỷ đồng thì chỉ làm được những giống bình thường mà thôi.

Như ông nói, do trình độ KHCN của ta kém nên phải nhập khẩu, vậy nếu ta mạnh dạn chi tiền mua công nghệ của nước ngoài thì sao, thưa ông?

- Nếu mua được thì tốt quá. Hiện nay nhiều DN nước ngoài sở hữu những tập đoàn giống bố mẹ rất ưu việt, nhưng họ giữ độc quyền giống, chứ không buôn bán công nghệ. Gần đây, một số tập đoàn nước ngoài đã thâm nhập thị trường giống rau Việt Nam, song họ chỉ bán sản phẩm chứ không đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Do đó, muốn đẩy mạnh lĩnh vực này, theo tôi nên ưu tiên để DN nước ngoài nhảy vào, vì họ có tiềm lực, công nghệ và trình độ, rồi chúng ta sẽ dần dần tiếp cận học hỏi công nghệ của họ.

Thứ hai, về cơ chế chính sách, Nhà nước phải có sự đột phá để khuyến khích ngành nghiên cứu giống phát triển. Tuy nhiên, nghiên cứu giống là lĩnh vực khó, phải có đội ngũ, con người mới làm được, chứ không phải Nhà nước cứ chi tiền là xong.

Theo thống kê, hiện nay các DN nước ngoài đã chiếm tới 80% thị phần hạt giống nước ta, ông nghĩ sao về điều này?


img
TS Lê Hưng Quốc
 
  Giống là một loại “kiến trúc” kỳ diệu, là sản phẩm tập trung trình độ cao nhất của ngành nông nghiệp, nhưng lâu nay những giống chất lượng cao chúng ta đều nhập của nước ngoài, còn nghiên cứu trong nước thì chỉ loanh quanh những giống cây trồng truyền thống như rau muống, rau cải, đậu, lạc…”.
 
- Tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi suy nghĩ về điều này, bởi DN nước ngoài cũng là một thành phần kinh tế, họ vào nước ta kinh doanh, ngoài việc mình học tập được công nghệ hiện đại của họ, họ còn tạo công ăn việc làm cho nông dân thì có gì phải e ngại.

 

Chúng ta đi sau họ hàng trăm năm, yếu kém hơn thì phải học hỏi họ là điều dễ hiểu; 1kg hạt giống của họ có giá vài triệu đồng, nhưng làm ra 50 - 60 tấn sản phẩm, còn giống của ta rẻ hơn nhưng năng suất chỉ được 20 tấn thì đương nhiên nông dân sẽ chọn giống ngoại.

 Trình độ KHCN của ta kém, ta sẽ phải mất “học phí” để học hỏi công nghệ, cách làm của họ. Nếu họ không vào nước ta làm, ta sẽ phải mang cặp sách sang nước họ mà học, chứ đội ngũ nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay chưa đủ trình độ để làm giống rau, hoa cao cấp, kể cả đội ngũ tiến sĩ, giáo sư, bởi đa số đã bị lạc hậu về kiến thức.

Về phía DN trong nước, để chủ động được nguồn giống tốt và cạnh tranh được với DN ngoại, theo tôi có mấy cách. Một là thuê quản lý nước ngoài về làm việc, hai là liên doanh sản xuất với tập đoàn nước ngoài, ba là hợp tác với nhau làm đại lý, dần dần “nắm” công nghệ của họ. Ví dụ như Công ty cổ phần BVTV An Giang, trước đây hợp tác làm đại lý thuốc BVTV của Tập đoàn Syngenta, nhưng về sau họ đã học hỏi và đứng vững trên thị trường bằng sản phẩm của mình…

Để giảm phụ thuộc vào nước ngoài trong lĩnh vực giống cây trồng, theo ông ngành nông nghiệp cần làm gì?

- Về phía Bộ NNPTNT, tôi cho rằng ngành cần sớm rà soát, thống kê lại toàn bộ giống cây lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản… để xem cái gì bằng thế giới rồi thì thôi không cần nghiên cứu nữa, cái gì kém thế giới thì phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu hoặc nhập khẩu công nghệ. Nông nghiệp vẫn là thế mạnh của nước ta, do đó cần ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu một chính sách riêng cho những DN làm về giống, vì đây là lĩnh vực cần vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, trong khi rủi ro rất cao. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ về KHCN, cử những chuyên gia giỏi về làm việc tại DN, ưu tiên về vốn vay, lãi suất ưu đãi, đất đai, thuế, thiết bị công nghệ… Chính sách đó phải đi vào những việc cụ thể, thiết thực cho DN.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem