Ven đăng đặt lọp bắt cá ở miền Tây

Hai Miệt Vườn Thứ sáu, ngày 27/03/2015 08:00 AM (GMT+7)
Cứ độ ra Giêng, đầu tháng Hai, khi trời miền Tây Nam bộ vào mùa nắng hạn là thời điểm người bình dân bắt đầu bện đăng, bện bửng xuống sông để đặt lọp bắt tôm, cá.
Bình luận 0
Ở miền Tây Nam bộ sông nước, cá tôm nhiều vô kể. Những ngày đầu khi người tứ xứ đến vùng đất này khai hoang, dựng làng mở chợ, mỗi khi bơi xuồng chèo ghe cá giật mình nhảy vào là chuyện thường. Khi các con kênh được đào, xẻ, nước bắt đầu rút dần. Cá tôm gom ra những cánh đồng mênh mông hay rút xuống sông, rạch. Người ta bắt đầu nghĩ ra các dụng cụ để bắt nó. Lọp là dụng cụ như vậy.
img
Ven đăng đặt lọp (ảnh tác giả)
Lọp quay là loại lọp lớn có đến hai miệng, mỗi miệng có hai hom, đặt đối xứng nhau, không có đáy. Phần giữa là nơi đậu lại giữa hai hom nhốt cá, người ta làm thêm ống hơi hình trụ tròn đường kính cỡ hơn tấc tây để khi cá tôm chui vào có chỗ cho chúng ngoi lên lấy hơi. Ngoài nan để làm mình lọp, còn phải cắt những ống tre ngắn hơn để làm hom, thường được lấy trọn trong vòng một lóng tre. Nan làm mình lọp che nhỏ vót tròn đều, cọng nan cỡ ngón tay út, nan hom gần giống như chiếc đũa ăn cơm, đầu nan hom lớn, ngọn nhỏ hơn một chút. Tre chẻ vót xong thì đem phơi cho thật khô. Thời gian đó, người ta tìm đến rừng hoang bứt dây choại.

Trước đây, muốn làm vành lọp, người ta thường đi theo các vườn tre hoặc các vườn cây mọc hoang như mù u, bằng lăng, gáo trắng, gáo vàng, bần, bứa hoặc rừng tràm để bứt dây cổ rùa về uốn vành lọp. Dây cổ rùa là loại dây bò trên các loại cây vừa kể, có nhiều dây lớn, chu vi cỡ nửa cườm tay, ngón chưn cái, với đặc tình dẻo, bền, dễ uốn cong theo ý mình. Và dùng loại dây cổ rùa này làm vành lọp có khi xài được vài ba mùa mà khỏi phải mất công thay. Sau này loài này không còn nhiều, người ta phải thay bằng vành tre. Khi chuẩn bị, người ta phải chọn những đoạn thẳng ít mắt để uốn vành.
img
Lọp đặt trên sông (ảnh tác giả)
Để đặt lọp, người bình dân ra vườn hoang đốn sậy già về bện thành những tấm đăng dài, cao quá đầu người. Đốn thêm bình bát, trâm bầu, lựa đoạn sông, rạch có nước chảy thích hợp thì ven đăng làm miệng đặt lọp ở đó. Lọp lớn, nặng nên dở bẳng tay khá khó khăn, vì vậy khi xuống người ta còn xóc hai cây cao, lớn có nạng trên đầu để đặt cây quay. Mỗi lần muốn thăm lọp thì để cây quay ngang hai nạng ấy, thòng dây xuống móc vào lọp rồi từ từ quay lên.

Hừng đông hoặc chiều tà là lúc người ta đi thăm lọp. Nước rạch, sông không quá sâu, nước chảy không quá xiết, sẽ thích hợp với việc đặt bửng này. Những con tôm càng xanh từ lọp đổ ra nhảy xoi xói, hay những con cá lóc cả kí lô, những con cua biển cỡ bàn tay người mới nhìn đã thấy no mắt.

Dân quê ngày xưa mỗi nhà xuống một hai cái lọp quay thì cá chạy ăn đủ quanh mùa, không quá bận việc tìm thức ăn nữa. Và cũng qua cái lọp, hậu thế còn thấy cha ông ta đã hết sức sáng tạo trong việc tận dụng lực quay thay cho sức người, dù rằng trong số họ có mấy ai biết nguyên lí ấy có trong sách vở, giáo trình.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem