Hai vị tướng lỗi lạc
Thế kỷ XX ghi nhận sự ra đời một vị Tướng mà tên tuổi của ông đã gắn liền với những trận chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tướng Giáp sinh ra ở làng An Xá (Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) làng quê nằm đầu nguồn vùng phá Hạc Hải. Ở làng quê ấy, Võ Nguyên Giáp đã có những năm tháng tuổi thơ “rất đời” và bình dị. Hạt lúa, củ khoai của làng và con cá, con tôm của phá Hạc Hải đã nuôi dưỡng ông trước lúc ra đi giúp đời. Có lẽ chính vì vậy, trong tất cả tình yêu lớn mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho quê hương, ông có một sự quan tâm đặc biệt đến vùng đầm phá Hạc Hải.
Người dân xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh chuẩn bị thuyền đánh cá trên phá Hạc Hải.
Ông Võ Đại Hàm - người cháu gọi Đại tướng bằng ông, kể rằng: “Lúc sinh thời, lần nào điện thoại từ Hà Nội vào ông cũng đều hỏi tôi: “Hạc Hải bây giờ răng rồi?”. Các anh chị (con của Đại tướng) từ Hà Nội vào thăm quê, ông cũng dặn phải đi thăm phá Hạc Hải. Lúc nào ông cũng đau đáu với vùng sinh thái nước lợ này…”.
Xóm Bến thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, đã có lịch sử tồn tại hàng trăm năm. Xóm Bến có thế đất núi ăn ra sát mép nước của phá Hạc Hải. Các nhà phong thủy qua đây đều cho rằng, thế đất ấy không sinh ra người tài mới lạ. Cũng ít người biết được rằng, Xóm Bế ấy là nơi sinh của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 -1700). Không chỉ là một tướng lĩnh tài ba, một nhà quản lý hành chính xuất sắc, Nguyễn Hữu Cảnh còn là người có công đầu trong sự nghiệp mở nước về phía Nam và định hình nước Việt Nam thành dải đất hình chữ S như ngày nay.
Các bậc hay chữ ở Xóm Bến vẫn truyền đời những câu chuyện về vị tướng dũng lược nhưng có đức độ bao dung. Chuyện kể rằng, hơn 300 năm trước, cụ Nguyễn Hữu Cảnh từng động viên dân trong vùng Hạc Hải khai hoang đất phương Nam. Trước cuộc hành trình dằng dặc, họ đều được huấn luyện ở phá Hạc Hải để thích nghi đồng bằng đầm lầy như Tháp Mười. Và dù được lịch sử công nhận là người tiên phong “mang gươm đi mở cõi”, nhưng hiếm khi Nguyễn Hữu Cảnh dùng đến sức mạnh của thanh gươm; những thành công mà ông thu được trong quá trình mở cõi và giữ cõi lại đến từ sức mạnh của lòng đại nghĩa, của đức độ bao dung…
Làng có bậc dạy vua
Làng Quảng Xá (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) nằm ở cuối vùng phá Hạc Hải. Người làng Quảng Xá hiếu học, “thoát ly” phần lớn làm nghề giáo nên còn được gọi là làng “dạy học”. Hiện tại, chỉ tính những nhà giáo về hưu thì làng Quảng Xá cũng đã có hơn 50 người. Một điều thú vị, có một nhà giáo ở Quảng Xá là người đã từng dạy vua học hành.
Nhà giáo Dương Viết Trung – Chi hội trưởng Chi hội giáo chức làng Quảng Xá kể: Hậu thế làng Quảng Xá mấy trăm năm sau vẫn nhắc đến thầy đồ Nguyễn Nhuận nổi tiếng hay chữ. Thuở nhỏ, Nguyễn Nhuận nhà nghèo, không được đến lớp học chữ. Có quan nhà trong làng mời thầy đồ đến dạy cho con, Nhuận rón rén nép bên liếp cửa nghe thầy giảng bài. Nhuận nghe một lần đã thuộc làu bài học nhưng mặt chữ không biết vì không có giấy mực tập viết. Một hưu hôm, thầy dạy học kiểm tra con quan, học trò quên, Nguyễn Nhuận đứng ngoài nhắc bài, thầy đồ ngạc nhiên vì một đứa trẻ chưa một ngày đến lớp đã biết làu kinh sử. Phục tài dĩnh ngộ của đứa bé, không muốn phí một nhân tài, thầy đồ thuyết phục cha mẹ Nguyễn Nhuận cho đến nhà quan ăn học, cấp cho giấy bút…
Học giỏi, Nguyễn Nhuận đi thi cố làm bài sao cho không đỗ cao để còn về nhà làm ruộng vườn phụng dưỡng mẹ cha. Nhưng tài văn chương khoá luận của ông đã làm quan chủ khảo triều Nguyễn đưa ông vào ngôi vị cử nhân khoa thi Bính Tý (1876). Đậu cử nhân, làng xóm trăm người võng lọng rước ông vinh quy bái tổ và thưởng 50 quan tiền.
Biết Nguyễn Nhuận là người tài hiếm có, Vua Tự Đức đã mời ông vào triều dạy dỗ hoàng tử và con cháu vương tôn. Dạy con cháu của vua nhất thiết phải là tiến sĩ, còn một cử nhân như ông được vào dạy học trong triều là chuyện xưa nay hiếm.
Làm quốc sư, quyền cao, bổng lớn nhưng ông vẫn mực thước, đạm bạc, học trò ai cũng kính trọng dù họ là con cháu của vua. Khi thái tử lên ngôi là Vua Hàm Nghi, vua muốn thầy dạy có chức tước cao hơn, thầy đồ Nhuận khước từ, chỉ muốn về huyện Tuyên Hoá làm quan tri phủ để vực dậy dân trí, làm cho người dân có được cái ăn, cái mặc. Phục tấm lòng của thầy, vua đã tặng ông hai câu đối sơn son thếp vàng, hiện vẫn được người làng Quảng Xá lưu giữ như báu vật: “Thiên địa hữu sinh thiên địa ngẫu/Đế vương chi hậu đế vương sư” (có nghĩa: “Sinh ra trời đất là quy luật tự nhiên/Sinh ra vua phải có thầy dạy vua”)...
Phá Hạc Hải (xưa còn có tên Bể Cạn, Bình Hồ) là một vùng đầm phá rộng hơn 12km2 nằm ở 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình). Đây là vùng nước lợ, nơi được xem là nguồn cung cấp lượng thuỷ - hải sản rất dồi dào, mang lại kế sinh nhai cho người dân trong vùng. Đặc biệt là đê ngăn mặn Mỹ Trung đã tạo ra một vựa lúa rộng lớn hàng ngàn ha, đáp ứng nhu cầu lương thực cho Quảng Bình trong một thời kỳ dài gian khó…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.