Vì sao bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn không ra đầu thú lại mất quyền nhờ người bào chữa?
Vì sao bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn không ra đầu thú lại mất quyền được bào chữa?
Quang Trung
Thứ ba, ngày 15/11/2022 19:58 PM (GMT+7)
Trong vụ án liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nhiều người đặt câu hỏi vì sao bị can bỏ trốn, không ra đầu thú lại mất quyền tự bào chữa và không thực hiện được quyền nhờ người khác bào chữa?
Đủ căn cứ kết luận hành vi phạm tội của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan.
C03 chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 36 bị can, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cựu lãnh đạo AIC.
Nội dung đáng chú ý của kết luận là C03 đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC - về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội đưa hối lộ. Bà Nhàn bỏ trốn trước khi bị khởi tố và bị truy nã đến nay đã hơn sáu tháng.
Đây là trường hợp hy hữu trong lịch sử tố tụng, dù bà Nhàn đang bỏ trốn nhưng C03 cho rằng đủ căn cứ để kết luận hành vi phạm tội của bà Nhàn.
Trước đó, C03 thông báo, nếu tiếp tục bỏ trốn, cơ quan điều tra coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa. Nếu các bị can trên không ra đầu thú trong giai đoạn điều tra, C03 sẽ điều tra, kết luận vụ án theo quy định của pháp luật.
Sau thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi vì sao bị can bỏ trốn lại mất quyền tự bào chữa và có thể còn không thực hiện được quyền nhờ người khác bào chữa?
Không ra đầu thú, việc gỡ tội gần như không thể thực hiện
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, về mặt lý luận, quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa là một trong những quyền cơ bản của người bị buộc tội, bị can, bị cáo.
Trong tố tụng sẽ chia làm hai bên đó là bên buộc tội và bên gỡ tội, trong đó bên buộc tội là cơ quan điều tra, viện kiểm sát còn bên gỡ tội là bị can, bị cáo, người bào chữa cho bị can bị cáo.
Với thân phận là bị can, bị cáo, thậm chí bị can bị cáo có thể còn bị tạm giam, tạm giữ, việc thực hiện quyền tự bào chữa là rất hạn chế.
Bởi vậy, trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự, người bị buộc tội, bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Đây là quyền hiến định và được Bộ luật tố tụng hình sự quy định rất cụ thể đầy đủ.
Theo ông Cường, tự bào chữa của bị can, bị cáo là đưa ra các tài liệu chứng cứ, đồ vật để chứng minh mình không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi phạm tội của mình không đến mức nghiêm trọng như vậy, chứng minh hậu quả không phải do bị cáo gây ra.
Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ phải nhận mình có tội và không bắt buộc phải đưa ra những bằng chứng chứng cứ để chống lại mình.
Vì thế, quyền bào chữa là quyền mà pháp luật ghi nhận đối với người bị buộc tội, nhưng có thực hiện quyền đó hay không là do bị can, bị cáo tự quyết định.
Nếu bị can bị cáo tham gia tố tụng, không bỏ trốn sẽ tiếp xúc với cơ quan tiến hành tố tụng, được tiếp cận những thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Đồng thời, được bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các tài liệu chứng cứ buộc tội mà cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được, được quyền tham gia đối chất, nhận dạng, được quyền đặt câu hỏi đối với người khác khi tranh tụng, được quyền trình bày ý kiến để bào chữa cho bản thân mình...
Nếu bị can bỏ trốn và bị truy nã, tất cả các quyền đó, tất cả các hoạt động tố tụng sẽ không được tham gia.
Do đó, trong vụ án xảy ra tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC, cơ quan điều tra cho rằng nếu bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bỏ trốn thì coi như từ bỏ quyền tự bào chữa là có cơ sở lý luận.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng, việc bị can bỏ trốn, bị truy nã cũng không thể thực hiện được quyền nhờ người khác bào chữa theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Bộ luật tố tụng hình sự quy định bị can, bị cáo có thể tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Những người thân thích của bị cáo cũng có quyền mời luật sư bào chữa cho các bị can, bị cáo.
Tuy nhiên đơn mời luật sư đó phải có sự xác nhận của bị can, bị cáo về việc đồng ý người thân mời luật sư bào chữa.
Như vậy, đối với trường hợp như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, dù người thân có mời luật sư bào chữa, thủ tục đăng ký bào chữa cũng không thể thực hiện được bởi cơ quan tố tụng chưa xác định được bà Nhàn có đồng ý để người thân mời luật sư bào chữa cho mình hay không.
Vì thế, trong các trường hợp bị can bỏ trốn và bị truy nã, việc gỡ tội gần như không thể thực hiện được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.