Vì sao Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết xin tăng lên 100 máy bay, Bộ GTVT chưa đồng ý?

Thế Anh Thứ hai, ngày 23/08/2021 12:00 PM (GMT+7)
Bộ GTVT cho biết, dịch Covid-19 đang phức tạp, do vậy, việc mở rộng quy mô của Bamboo Airways sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến vào năm 2022.
Bình luận 0

Năm 2021 được dự báo là rất khó khăn đối với ngành hàng không, đến thời điểm hiện tại, vận tải hành khách gần như "đóng băng" do các sân bay "đói khách". Nguyên nhân được Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh, ngành hàng không chưa biết đến khi nào mới phục hồi, hãng hàng không Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ xin được điều chỉnh phương án đầu tư xin tăng lên 100 máy bay.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cũng đã hoàn tất thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không của hãng hàng không Bamboo Airways lên 100 tàu bay với tổng số vốn 14.800 tỷ đồng.

Vì sao Bamboo Airways xin tăng lên 100 máy bay, Bộ GTVT chưa đồng ý? - Ảnh 1.

Hãng hàng không Bamboo mở đường bay tới sân bay Côn Đảo. Ảnh: BB

Tuy nhiên, việc tăng quy mô đội máy bay của Bamboo Airways vẫn còn nhiều băn khoăn, nhiều dấu hỏi đang được nhà chức trách xem xét làm rõ?

Các cơ quan chức năng đánh giá, ngoài những khó khăn liên quan đến thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hãng hàng không Bamboo Airways của tỷ phủ Trịnh Văn Quyết cũng cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến chênh lệch suất đầu tư, quy mô tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu…

Cụ thể, Bamboo Airways đề xuất điều chỉnh dự án vận tải hàng không tăng từ 30 tàu bay đến năm 2023 lên 100 tàu bay đến năm 2028 và Bamboo Airways xin điều chỉnh tổng vốn đầu tư của dự án từ 5.700 tỷ đồng lên 14.800 tỷ đồng.

Đến nay, Bộ GTVT cũng đã có văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký gửi tới Bộ KH&ĐT về đề xuất điều chỉnh dự án vận tải hàng không của hãng hàng không Bamboo Airways.

Dánh giá về ngành hàng không hồi phục, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, dù hạ tầng cảng hàng không và năng lực giám sát an toàn của ngành hàng không vẫn đáp ứng, nhưng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa xác định cụ thể kịch bản hồi phục, việc bổ sung tàu bay sẽ gây mất cân đối cung/cầu thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bền vững của ngành hàng không.

Vì vậy, trước mắt, cần tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Việc mở rộng quy mô dự án sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến vào năm 2022", văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Vì sao Bamboo Airways xin tăng lên 100 máy bay, Bộ GTVT chưa đồng ý? - Ảnh 2.

Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways. Ảnh: T.A

Theo lãnh đạo Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hãng hàng không Bamboo Airways cần nghiên cứu kỹ các ý kiến của Bộ GTVT. Cùng với đó, tiếp tục cập nhật tình hình thị trường, diễn biến đại dịch Covid-19 để lựa chọn phương án đề xuất điều chỉnh bảo đảm khả thi, phù hợp.

Về điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án lên mức 14.800 tỷ đồng, lãnh đạo Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư cho hay, theo Quyết định 1014 của Thủ tướng Chính phủ, quy mô của dự án đầu tư đến năm 2023 là 30 tàu bay, tổng vốn đầu tư của dự án là 5.700 tỷ đồng.

Theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, quy mô của dự án đến năm 2028 là 100 tàu bay với tổng vốn đầu tư là 14.800 tỷ đồng. Như vậy, sơ bộ suất đầu tư tính trên một máy bay có sự chênh lệch khá lớn. Bamboo Airways cần làm rõ nội dung này, đảm bảo tính chính xác của nhu cầu vốn đầu tư.

Theo Quyết định số 1014/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ngày 14/8/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, quy mô đội bay của Bamboo Airways được chính phức phê duyệt điều chỉnh tăng lên số lượng 30 máy bay đến năm 2023, bao gồm loại tàu bay thân hẹp Airbus A319/A320/A321 và loại tàu bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing B787. Cùng với đó, vốn góp tăng lên 1.300 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu đã góp đủ 100%).

Bộ GTVT cho biết, quyết định 236/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 có mục tiêu tăng trưởng thị trường hàng không trung bình 16%/năm giai đoạn 2015-2020 và tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2020-2030.

Với tốc độ tăng trưởng trên, tổng thị trường năm 2023 dự báo đạt hơn 117 triệu khách. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển xấp xỉ 85 triệu khách, cần 340 chiếc máy bay vào năm 2023 (số liệu được tính toán trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trung bình là 250 ngàn khách/tàu bay/năm).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem