Vì sao bị khởi tố cùng tội danh nhưng bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt còn "thầy ông nội" được tại ngoại?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 25/03/2022 13:05 PM (GMT+7)
Sau sự việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vì sao cùng bị khởi tố về cùng một tội danh, nhưng bà Hằng bị tạm giam còn "thầy ông nội" Lê Tùng Vân được tại ngoại?
Bình luận 0

Tội danh bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố được quy định thế nào?

Ngày 24/3, Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).

Vì sao bị khởi tố cùng tội danh nhưng bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt còn ông Lê Tùng Vân được tại ngoại? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 và hiện đã bị bắt tạm giam.

Bà Hằng bị bắt về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND TP.HCM phê chuẩn.

Sau sự việc này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vì sao cùng bị khởi tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331, nhưng bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam còn ông Lê Tùng Vân được tại ngoại?

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là tội ít nghiêm trọng nếu truy tố theo khoản 1 và là tội nghiêm trọng nếu truy tố theo khoản 2 của điều luật.

Việc xác định loại tội ít nghiêm trọng hay tội nghiêm trọng sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Sau khi khởi tố bị can, cơ quan điều tra sẽ áp dụng biện pháp tạm giam để phục vụ điều tra hoặc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú tùy thuộc vào từng diễn biến vụ án cụ thể căn cứ vào quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về biện pháp "Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng."

Trong khi đó, việc phân biệt các loại tội phạm được Điều 9, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù; Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ 7 năm tù đến 15 năm tù.

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội này là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Bà Nguyễn Phương Hằng sẽ được tại ngoại, nếu...

Như vậy, theo quy định của pháp luật, biện pháp tạm giam sẽ áp dụng đối với các bị can bị khởi tố trong khung hình phạt có tội danh từ 7 năm tù trở lên đến 15 năm tù (là tội rất nghiêm trọng) và tội danh có khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Vì sao bị khởi tố cùng tội danh nhưng bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt còn ông Lê Tùng Vân được tại ngoại? - Ảnh 3.

Ông Lê Tùng Vân cũng bị khởi tố về tội danh giống bà Nguyễn Phương Hằng nhưng hiện đang được tại ngoại.

Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định: Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội, cản trở điều tra…

Khoản 4, Điều 119 bộ luật tố tụng hình sự quy định đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; Tiếp tục phạm tội…

Từ phân tích trên, Tiến sĩ Cường cho biết, cơ quan điều tra đang cho rằng bà Hằng đã có hành vi không hợp tác, cản trở hoạt động điều tra. Ngoài ra khi cơ quan điều tra có quyết định hạn chế xuất cảnh, bà này cũng có những phát ngôn thể hiện không chấp nhận, không chấp hành...

Như vậy, căn cứ vào quy định tại khoản 2, Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra tiến hành tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng là có căn cứ.

Trong khi đó, ông Lê Tùng Vân có yếu tố là người "già yếu" (trên 75 tuổi) và không thuộc một trong các trường hợp bắt buộc phải áp dụng biện pháp tạm giam theo Điều 119 như đã nói ở trên nên không bị bắt tạm giam mà được cho tại ngoại.

"Trong quá trình điều tra bà Nguyễn Phương Hằng có thể sẽ được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú nếu cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy bị can hợp tác với cơ quan điều tra trong việc làm rõ vụ án và không có dấu hiệu bỏ trốn" – Tiến sĩ Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem