Hầu hết các câu lạc bộ nhạc ngũ âm và múa dân gian ở Bạc Liêu đều thuộc các chùa Khmer

Nguyễn Trọng Văn Thứ năm, ngày 20/04/2023 09:00 AM (GMT+7)
Chúng tôi có may mắn được dự "Liên hoan Nhạc ngũ âm và Múa dân gian Khmer - 2022", điều gây ấn tượng nhất là Liên hoan này không diễn ra ở sân khấu lớn nào mà được diễn ra tại một "sân khấu" ngay tại sân chùa Xiêm Cán ở tỉnh Bạc Liêu.
Bình luận 0
Gìn giữ nghệ thuật múa dân gian Khmer: Góc nhìn từ chùa Xiêm Cán - Ảnh 1.

Liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer – Bạc Liêu 2022, tại chùa Xiêm Cán.

Trước khi đến đây chúng tôi đã được Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu giới thiệu cho biết: "Hồi năm 1887, có nhà sư người Khmer tên là Thạch Nam trong lần về Bạc Liêu đi tìm địa điểm dựng chùa đã nhận thấy ở đây (nay là ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạnh Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) có vị trí tốt, đất cao và thoáng nên ông đã cho dựng một ngôi chùa bằng gỗ. Chùa được đặt tên là chùa Xiêm Cán". 

Nói rồi ông Ẩn chỉ tay: "Đấy, ngôi chùa gỗ hiện vẫn còn và được bà con sử dụng hành lễ và làm nơi dạy chữ Khmer cho các cháu".

Gìn giữ nghệ thuật múa dân gian Khmer: Góc nhìn từ chùa Xiêm Cán - Ảnh 2.

Chùa Xiêm Cán dựng bằng gỗ ở ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạnh Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là chùa Khmer là nơi lưu giữ nhạc cụ, bản nhạc, điệu múa dân gian và lớp học tiếng Khmer.

Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn cho cho biết thêm: "Chùa Xiêm Cán hiện là địa điểm tổ chức các lễ hội hàng năm của người Khmer trong tỉnh. Liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer tổ chức tại đây cũng là một cách để văn hóa truyền thống sát với thực tế, sát với dân và sát với đời sống xã hội của bà con Khmer".

Liên hoan Nhạc ngũ âm và Múa dân gian Khmer - Bạc Liêu 2022 lần này có 8 CLB tham gia. Đây là những CLB Nhạc ngũ âm và Múa dân gian Khmer ở các chùa, được tuyển chọn từ vòng sơ tuyển tiến hành ở các huyện, thị xã trong tỉnh Bạc Liêu. 

Thấy tôi có ý "thắc mắc" vì sao các CLB văn nghệ lại thuộc các chùa nên nhạc sĩ Thạch Mô Ly, Trưởng đoàn Nghệ thuật dân gian Khmer thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu, đã cho biết thêm: "Tất cả các CLB Nhạc ngũ âm và Múa dân gian Khmer trong tỉnh đều "nằm" trong một ngôi chùa Khmer cụ thể". 

Nói rồi ông chìa cho tôi xem bản danh sách các CLB tham dự Liên hoan buổi sáng nay. Đó là CLB chùa Đìa Chuối, huyện Hòa Bình. Là CLB chùa Đìa Muồng, huyện Phước Long. Là CLB chùa Di Quán, huyện Hồng Dân và CLB chùa Giữa, huyện Vĩnh Lợi.

Gìn giữ nghệ thuật múa dân gian Khmer: Góc nhìn từ chùa Xiêm Cán - Ảnh 3.

Một góc Chùa Xiêm Cán, một ngôi chùa Khmer nổi tiếng tọa lạc tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạnh Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Thấy tôi vẫn còn "thắc mắc" và muốn rõ thêm về chuyện "CLB thuộc chùa", vả lại cũng đến giờ khai mạc Liên hoan nên nhạc sĩ Thạch Mô Ly giới thiệu cho tôi gặp một người, ông còn nói: "Có gì cứ hỏi ổng là ra hết". 

Người mà nhạc sĩ Thạch Mô Ly giới thiệu là Biên đạo múa, đạo diễn Thạch Si Phonl. Ông Thạch Si Phonl trước khi nghỉ hưu là Trưởng đoàn Nghệ thuật dân gian Khmer Bạc Liêu.

Theo như biên đạo múa, đạo diễn Thạch Si Phonl, thì nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer đã có từ lâu đời và những thành viên của dàn nhạc và đội múa vốn thuộc một ngôi chùa nào đó và họ đều là người của phum, khum (ấp, xã) đó. 

Mức độ dàn nhạc và đội múa cũng như số lượng thành viên tùy thuộc vào khả năng kinh tế của từng chùa nhưng tựu trung lại thì chùa nào cũng có. Ban đầu dàn nhạc và đội múa này do người dân có năng khiếu tự nguyện tham gia mỗi khi có nhu cầu và chỉ nhằm phục vụ trong các lễ hội, các dịp hành lễ và kể cả khi trong phum, khum có người mất. 

Qua thời gian và nhằm không để giá trị văn hóa truyền thống này không bị mai một nên tự các chùa đã hình thành nên những dàn nhạc và đội múa của mình có "tổ chức" hơn. 

Biên đạo múa Thạch Si Phonl cho hay: "Người Khmer rất tôn trọng các nhà sư và ngôi chùa của mình, do đó chính các nhà sư cũng nhận thấy sự cần thiết phải duy trì dàn nhạc ngũ âm và điệu múa dân gian. Đồng thời thông qua các "Câu lạc bộ" như thế này đã bổ sung cho dàn nhạc và đội múa dân gian những lớp người kế tiếp ở ngay tại chỗ". 

Tôi gật đầu vì đã hiểu ra, các CLB nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer được hình thành một cách tự nhiên, tự thân và là một phần của chính các chùa.

Gìn giữ nghệ thuật múa dân gian Khmer: Góc nhìn từ chùa Xiêm Cán - Ảnh 4.

Một tiết mục biểu diễn tại "Liên hoan Nhạc ngũ âm và Múa dân gian Khmer - 2022" tổ chức ở chùa Xiêm Cán, p Biển Đông B, xã Vĩnh Trạnh Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn giảng giải thêm với chúng tôi, theo đó: "Để các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Khmer như nhạc ngũ âm, như múa dân gian được tồn tại và phát triển; vừa phục vụ nhu cầu của bà con, phục vụ nhu cầu của các chùa lại vừa đáp ứng sự phát triển của văn hóa địa phương nên các ngành chức năng và các cấp chính quyền đã tôn trọng cách làm truyền thống và khuyến khích nhân dân cùng các chùa thông qua các hoạt động như tổ chức các cuộc liên hoan các cấp, từ cơ sở đến cấp tỉnh...".

Theo nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn, liên hoan cấp tỉnh mà nhiều người đang thưởng thức là liên hoan định kỳ.  Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu còn tiến hành nhiều buổi sinh hoạt ngay tại phum, khum và tại các chùa để các phum, khum và các chùa tăng cường khâu giao lưu, học hỏi lẫn nhau. 

Thêm nữa, Hội còn mời các nghệ nhân dân gian tới các lớp học, tới các địa phương để truyền dạy và qua đó phát hiện những điệu nhạc, điệu múa còn "ẩn khuất", cùng những tài năng còn nằm trong dân. Giáo viên chính là các nghệ nhân cao tuổi. 

Ông Thạch Si Phonl tuy tuổi đã cao nhưng là một "giáo viên" tích cực. Ông sẵn sàng đem hết hiểu biết cùng tâm huyết của mình để truyền lại cho thế hệ trẻ". 

Rồi ông Ẩn nói thêm: "Qua đó thì các địa phương cũng xúc tiến việc xây dựng, lựa chọn đội ngũ diễn viên múa ở cơ sở để phục vụ một cách nhanh chóng, kịp thời nhu cầu của người dân; giúp người dân sau thời gian lao động, sản xuất có điều kiện tham gia biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật và thừa hưởng thành quả, giá trị nghệ thuật do chính họ tạo ra".

Tôi hòa thêm: "Và các cuộc liên hoan chính là cách để nhạc ngũ âm và múa dân gian "bước" từ các ngôi chùa ra với đời sống xã hội. Và cũng là để nhạc ngũ âm và múa dân gian hòa vào dòng chảy văn hóa chung vào mục tiêu phát triển văn hóa chung".

Gìn giữ nghệ thuật múa dân gian Khmer: Góc nhìn từ chùa Xiêm Cán - Ảnh 5.

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia Liên hoan "Liên hoan Nhạc ngũ âm và Múa dân gian Khmer - 2022".

Nhưng để làm sao thực hiện được những mục tiêu để ra đó không gì bằng là "dựa vào chùa". Bởi như Thượng tọa Dương Quân đã nói trước đó là: "Ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm thức của người Khmer". 

Có một điều hết sức đặc biệt là Chùa Khmer không chỉ là nơi người dân tìm đến để thực hiện tín ngưỡng của mình mà người dân Khmer từ lâu đã xem chùa là "ngôi nhà chung" là địa điểm "sinh hoạt cộng đồng" của phum, khum mình. 

Do vậy việc duy trì hình thức và hoạt động của các CLB dân gian thuộc các chùa là một cách làm hợp với tinh thần và ý nguyện của người Khmer ở địa bàn.

Tranh thủ dạo một vòng quanh chùa Xiêm Cán, chúng tôi nhận thấy khuôn viên chùa có rất nhiều ngôi nhà chùa. Nhà chùa nào cũng cao, rộng và thoáng. Nội thất trong các ngôi nhà chùa lại khá giản dị, không cầu kỳ hay cồng kềnh ban bệ. 

Không gian trong một ngôi nhà chùa chỉ đặt ban thờ phật ở gian chính điện còn lại là không gian mở. Theo đó, với không gian mở này mọi người dân đều có thể đến đây để cùng nhau sinh hoạt cộng đồng, ví dụ như hành lễ, ví dụ như hội họp, ví dụ như để cùng nhau tập luyện những bản nhạc, những điệu múa. 

Ví dụ như để mở các lớp học chữ, học đọc tiếng và chữ viết Khmer nhằm lưu giữ văn hóa Khmer. Và nếu như xẩy ra lũ lụt thì không gian chùa cũng là nơi bà con đến trú ngụ.

Gìn giữ nghệ thuật múa dân gian Khmer: Góc nhìn từ chùa Xiêm Cán - Ảnh 6.

Lớp học trong chùa

Chúng tôi đã mục sở thị rất nhiều nhạc cụ dân tộc truyền thống được cất giữ và được bầy biện ở nơi trang trọng nhất của không gian trong ngôi nhà chùa. 

Thường là nhạc cụ được đặt trên một bệ cao dưới ban thờ phật. Ông Lâm Minh Tuồng, cán bộ Hội văn nghệ Bạc Liêu, người dẫn chúng tôi đi "tham quan" chùa Xiêm Cán đã cho biết: "Chùa là nơi cất giữ nhạc cụ an toàn nhất và đảm bảo nhất bởi người dân Khmer rất tôn trọng mọi vật cụ để trong chùa. Hơn nữa do chùa được xây dựng ở vị trí cao, thoáng nên nhạc cụ để trong chùa sẽ được bền, được bảo quản tốt".

Và chúng tôi cũng được mục sở thị các cháu gái người Khmer tuổi 13, 14 đang cùng nhau say sưa luyện tập những điệu múa, những bài múa dân gian ngay trong không gian của ngôi nhà chùa. Hỏi ra chúng tôi mới biết: Người Khmer xem chùa không chỉ là trung tâm của phum, khum gắn bó thiêng liêng với cả đời người mà trên thực tế chùa còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa. 

Do đó người Khmer "không ngại" việc đàn, hát, múa trong không gian chùa hay trong khuôn viên chùa sẽ làm mất đi vẻ tôn nghiêm của nơi tín ngưỡng.

Gìn giữ nghệ thuật múa dân gian Khmer: Góc nhìn từ chùa Xiêm Cán - Ảnh 7.

Các thiếu nữ Khmer học múa trong chùa Khmer.

Chính bởi cách nghĩ và cách làm như vậy mà chùa Khmer có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và đời sống văn hóa. Dựa vào chùa tức là dựa vào cách nghĩ, cách làm của bà con. 

Từ nhiều năm nay, ngành văn hóa ở các địa phương miền Tây Nam bộ nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng đã cùng với các nhà sư tiến hành "công cuộc’ giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống một cách vô cùng hiệu quả. Các Câu lạc bộ văn hóa truyền thống Khmer được hình thành tại các "ngôi nhà chung - chùa Khmer" và hoạt động như một phần tất yếu trong các hoạt động của chùa.

Và Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn khẳng định thêm: "Địa phương chúng tôi rất biết ơn "cách làm" do dân, của dân và vì dân của bà con và các chùa Khmer".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem