Vì sao cổ phiếu “vua thép” bị khuyến nghị bán?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 18/03/2019 19:20 PM (GMT+7)
Mặc dù triển vọng quy mô lớn ở sản phẩm thép xây dựng và ống thép sau khi nâng cấp lò cao số 2 và đưa khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động; tạo ra chuỗi giá trị khép kín nhưng cổ phiếu HPG trong ngắn hạn được dự báo sẽ gặp rủi ro.
Bình luận 0

img

"Vua thép" Trần Đình Long (Ảnh: IT)

Vì vậy, nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định cổ phiếu HPG phù hợp cho nhà đầu tư xem xét từ 3-5 năm sau, trong 1 năm tới sẽ kém hấp dẫn.

Triển vọng lớn nhưng rủi ro cũng… "khủng"

Theo Báo cáo tài chính của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) công bố, lũy kế cả năm 2018, doanh thu của HPG đạt 56.600 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 8.600 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 21% và 7%, hoàn thành kế hoạch năm. Theo đó, trong năm 2018, hai dòng sản phẩm chủ lực của HPG là thép xây dựng và ống thép đều dẫn đầu thị trường, chiếm 23,8% và 27,5% thị phần.

Tuy nhiên, trong năm 2018, HPG đã đẩy mạnh huy động vốn từ các nguồn để xây dựng nhà máy mới với tổng vay nợ thêm hơn 11.200 tỷ nợ vay dài hạn, huy động thêm hơn 6.000 tỷ vốn chủ sở hữu. Toàn bộ số tiền này để phục vụ xây dựng Nhà máy Dung Quất.

Theo dự tính của “vua thép” Trần Đình Long, đến cuối năm 2019, HPG sẽ có chuỗi giá trị toàn diện với lợi thế kinh tế theo quy mô lớn nhất ở sản phẩm thép xây dựng và ống thép sau khi nâng cấp lò cao số 2 và đưa khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động, công suất thép xây dựng sẽ tăng lên 4.360.000 tấn/năm, tăng trưởng 47,3%. Bên cạnh công suất ống thép là 800.000 tấn/năm, tôn mạ là 400.000 tấn/năm và HRC là 2 triệu tấn/năm.

Với dự án này (khu liên hợp Dung Quất), HPG được hưởng lợi về thuế suất rất nhiều với mức thuế suất 0% trong 4 năm đầu kể từ năm 2019, 5% trong 9 năm tiếp theo và 10% trong 2 năm cuối.

Mặc dù triển vọng quy mô lớn là vậy và tạo ra chuỗi giá trị kép kín nhưng theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, HPG trong ngắn hạn sẽ gặp rủi ro.

Theo báo cáo phân tích về mã cổ phiếu HPG gửi nhà đầu tư, Công ty CP Chứng khoán SSI nhận định: “Cổ phiếu HPG phù hợp cho nhà đầu tư xem xét từ 3-5 năm sau, trong 1 năm tới sẽ kém hấp dẫn”.

Nguyên nhân được SSI chỉ ra là: Thứ nhất, ngành xây dựng BĐS đang có dấu hiệu suy giảm theo chu kỳ nền kinh tế, cần một thời gian để hồi phục lại nhu cầu; trong khi xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn còn là dấu hỏi bởi tiến độ giải ngân vốn rất chậm và áp lực giảm giá thành sản phẩm trong thời gian tới. Thứ hai, để thực hiện mở rộng quy mô lớn như vậy, HPG đã tăng nợ vay để có thể mở rộng nhà máy Dung Quất; tuy nhiên, phải tới cuối năm 2019, doanh nghiệp với đi vào hoạt động lò cao số 2, trong những giai đoạn đầu vận hành chi phí lãi vay và khấu hao lớn sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp, và doanh nghiệp cần một thời gian để vận hành qua điểm hòa vốn thì với mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.

Được biết, tính đến 31.12.2018, tổng giá trị các khoản nợ phải trả của Hòa Phát là 37.616 tỷ đồng, tương đương khoảng 48% tổng tài sản; tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Hòa Phát đang ở mức 0,92. Theo tính toán của một số chuyên gia phân tích chứng khoán, quy mô vay nợ của Hòa Phát sẽ tiếp tục tăng lên khi dự án Dung Quất dần hoàn thiện và đi vào vận hành toàn bộ.

Tỷ phú USD bất ổn nhất

Theo đánh giá mới nhất của Forbes, danh sách tỷ phú USD của Việt Nam hiện tại chỉ có ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Hãng hàng không VietJet, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco Group và 2 tỷ phú mới: Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) và Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan). Riêng “vua thép” Trần Đình Long hiện đã rớt khỏi danh sách này.

Nguyên nhân khiến “vua thép” Trần Đình Long rớt khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes đến từ chuỗi ngày giảm giá của cổ phiếu HPG. Cụ thể, so với mức đỉnh giá thiết lập vào đầu tháng 3.2018 là 47.658 đồng, giá cổ phiếu HPG đã sụt giảm 15.808 đồng, chỉ còn 31.850 đồng/CP (kết phiên ngày 18.3), tương ứng giảm 33,2%. Vốn hóa của Hòa Phát cũng giảm mạnh từ mức 101 ngàn tỷ (4,4 tỷ USD) xuống còn 67,75 ngàn tỷ (2,94 tỷ USD).

Đà giảm của cổ phiếu HPG cũng “túi tiền” của ông Trần Đình Long bốc hơi khoảng 8,4 ngàn tỷ đồng, từ mức 25,4 ngàn tỷ (1,1 tỷ USD) xuống còn 17 ngàn tỷ (740 triệu USD) như hiện tại. Vì vậy, ông Long cũng chính thức bị “rớt” khỏi danh sách các tỷ phú USD thế giới của Forbes.

Tuy nhiên, nếu xét khoảng thời gian hơn 1 năm qua, việc “vua thép” Trần Đình Long liên tục rớt khỏi danh sách rồi lại được lọt vào danh sách tỷ phú USD không phải là hiếm.

Còn nhớ, đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 11.2018, cổ phiếu HPG chỉ còn 33.200 đồng/cổ phiếu khiến ông Long bị loạt khỏi danh sách tỷ phú USD. Tuy nhiên, trong 3 phiên giao dịch đầu tháng 12.2018, giá cổ phiếu của Hòa Phát đã tăng trở lại, lên 35.300 đồng/cổ phiếu khiến ông Long đã quay trở lại bảng xếp hạng với giá trị tài sản 1 tỷ USD và là người giàu thứ 1.996 trên thế giới.

Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch ngày 1.2.2019 (do ngày 8.2 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán), cổ phiếu HPG trên sàn HoSE chỉ còn 27.300 đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 11.2017 và giảm hơn 40% so với mức giá 48.000 đồng - thời điểm ông Long được Forbes công nhận là tỷ phú, nên “vua thép” tiếp tục bị loạt khỏi danh sách này…

Hòa Phát tăng 2.300 tỷ tồn kho năm 2018

Thể hiện trên BCTC cho thấy tồn kho năm 2018 của HPG lại tăng mạnh gần 2.300 tỷ hàng tồn kho, từ 11.893 tỷ đồng (1.1.2018) lên mức 14.188 tỷ đồng vào cuối năm 2018 (31.12.2018). Theo đó, hàng tồn kho là khoản mục lớn nhất trong tài sản ngắn hạn của Hòa Phát khi chiếm tỷ trọng 55%.

Trong danh mục tồn kho, nguyên vật liệu có giá trị lớn nhất đạt 5.419 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tồn kho và tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu năm 2018. Thành phẩm cũng tăng 379 tỷ lên 3.341 tỷ đồng, chiếm 24% hàng tồn kho.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem