Vì sao có tục chọi trâu và thịt trâu chọi?

Nam Hải Thứ ba, ngày 25/02/2014 08:03 AM (GMT+7)
Hầu như mọi lễ hội tại Việt Nam, một đất nước thuần nông đều có những khía cạnh, những hoạt động nhằm tôn vinh, thúc đẩy và phát triển nền nông nghiệp. Chọi trâu cũng bắt nguồn từ ý nghĩa đó.
Bình luận 0
Chính vì thế, khi các lễ hội chọi trâu diễn ra, nhiều người ngạc nhiên đặt câu hỏi vì sao trâu chọi lại bị thịt sau khi hội kết thúc? Và theo phân tích thuần túy, việc này cho là “Phản nông nghiệp” với lý do: làm giảm đi một lượng sức kéo trong sản xuất nông nghiệp.

Lại nữa: Những con trâu chọi luôn là những chú trâu, ông trâu to khỏe nhất một vùng, có sức mạnh và có nguồn gien quý. Việc thịt trâu chọi sau lễ hội sẽ khiến những nguồn gien quý này "biến mất" vĩnh viễn…?

Ở góc độ văn hóa - lịch sử, chọi trâu là hoạt động có từ lâu đời gắn liền với nền văn minh lúa nước của người Việt, trở thành lễ hội lớn và là mỹ tục hào hùng mang đậm tinh thần thượng võ, tính táo bạo và lòng quả cảm rất độc đáo.

Cũng bởi sự tôn vinh, luôn mong muốn thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp mà từ thưở cha ông xưa cho đến nay, người Việt luôn biết gìn giữ, phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện cố kết cộng đồng. Như hội khai cày, hội chọi trâu...

Hội chọi trâu xa xưa được tổ chức còn bắt nguồn từ nghĩa sau một năm thu hoạch, được mùa, người dân luôn nhớ ơn trời đất, làm lễ tế thần. Tại mỗi lễ hội chọi trâu, dân làng đều tự giác tuân thủ thực hiện những nghi lễ tế vị thuỷ thần để tiếp tục cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho năm sau.

Trâu thắng cuộc sẽ được người dân vinh danh, rước về đình làng để làm lễ tế thần long trọng. Kết thúc lễ tế, phải làm nghi thức tiễn thần, rồi sau đó mới là thụ lộc, mọi người cùng ăn, chúc phúc và mừng cho chủ trâu thắng cuộc.

Quan niệm cha ông ta, xưa còn cho rằng sau khi được ăn thịt trâu thắng cuộc, mọi người sẽ gặp may mắn, đặc biệt là với người dân đi biển. Âu cũng là nỗi mong ước trong cuộc sống đời thường của người dân.

Quả là, từ cổ chí kim, mỗi một hội chọi trâu diễn ra đều đã đem lại "bữa tiệc tinh thần" vô giá, là hình thức cổ vũ, động viên, thúc đẩy cộng đồng người dân Việt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Ở góc độ khoa học, thì việc thịt các chú trâu sau hội chọi trâu chính là gìn giữ nguồn gien tốt nhất cho những “Đầu cơ nghiệp”, bảo vệ và đảm bảo cho nền nông nghiệp Việt Nam có được sức kéo chủ yếu.

Bởi lẽ, những chú trâu được chọn đi chọi luôn là những chú trâu đầu đàn của một vùng, một khu vực. Với ưu thế sức mạnh và vị trí trí đầu đàn, chú trâu này luôn có được cơ hội cao nhất trong việc phối giống với các con cái trong đàn. Tuy nhiên, sau một thời gian, nếu không loại bỏ con trâu đầu đàn này, với ưu thế của mình cùng “súc vật tính”, việc giao phối trực hệ trong đàn chắc chắn sẽ diễn ra làm thoái hóa các nguồn gien thế hệ tiếp theo.

Chính vì vậy, việc loại bỏ những chú trâu đầu đàn này đi vô cùng cần thiết để nguồn gien được trong sạch. Khi đã “Hết nhiệm kỳ” và bắt buộc phải mổ thịt thì không gì hay hơn cho những chú trâu và những người dân là một lễ hội chọi trâu tưng bừng.

Có thể nói, lễ hội chọi trâu Việt Nam là một tư duy kiệt xuất của các bậc tiền nhân để bảo vệ và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong suốt lịch sử.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem