Vì sao giá vé máy bay nội địa sắp tăng cao?

Thế Anh Thứ bảy, ngày 25/03/2023 19:22 PM (GMT+7)
Bộ Giao thông vận tải vừa đưa ra dự báo từ quý II hoặc quý III năm nay, sẽ điều chỉnh khung giá dịch vụ hàng không. Theo đó, giá vé máy bay nội địa sẽ tăng trung bình 3,75% so với hiện tại.
Bình luận 0

Vé máy bay tăng mạnh nhất với mức 6,67%

Theo Bộ GTVT dự báo, nếu so sánh với hiện tại, đường bay từ 1.280km trở lên giá vé máy bay tăng mạnh nhất với mức 6,67%, lên tối đa 4 triệu đồng.

Chặng đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km tăng 6,25%, tương ứng 3,4 triệu đồng. Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức tăng 2,89 triệu đồng (tương ứng với 3,58%).

Bên cạnh đó, với đường bay từ 500km đến dưới 850km, giá vé máy bay tăng trần 2,25 triệu đồng (tương ứng với mức tăng 2,25%). Các nhóm đường bay dưới 500km và đường bay kinh tế-xã hội vẫn giữ nguyên.

Vì sao giá vé máy bay nội địa tăng cao vào dịp 30/4 - 1/5 và quý 3/2023? - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: TA

Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động lên chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) năm 2023, theo đó việc điều chỉnh theo phương án này sẽ tác động góp phần tăng CPI năm nay lên khoảng 0,07 điểm phần trăm.

Bộ GTVT cho biết, các mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không do nhà nước định giá vẫn được thực hiện ổn định theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT. Lần gần nhất khung trần vé máy bay được điều chỉnh tăng là năm 2015.

Đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí của hãng bay.

Với biến động của tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng 62,39% so với tháng 12/2014 và tăng 80,93% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí doanh nghiệp hàng không tăng 27,9% so với tháng 12/2014 và tăng 33,47% so với tháng 9/2015.

Hàng không cũng đang bước vào mùa cao điểm hè 2023, đặc biệt là kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các hãng hàng không đang bắt đầu lên kế hoạch tăng các chuyến bay phục vụ nhu cầu của hành khách.

Vì sao giá vé máy bay nội địa tăng cao vào dịp 30/4 - 1/5 và quý 3/2023? - Ảnh 2.

Hãng hàng không Vietnam Airlines tăng cường nhiều chuyến bay dịp cao điểm hè 2023. Ảnh: VNA

Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) công bố sẽ cung ứng hơn 20 triệu ghế trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế giai đoạn từ tháng 4/2023 đến tháng 10/2023, tăng gần 25% so với cùng kỳ 2022.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng sẽ cung ứng ra thị trường số lượng ghế mạng bay nội địa ước đạt hơn 14 triệu ghế; trong khi đó, mạng bay quốc tế ước đạt gần 6 triệu ghế. Vietnam Airlines Group chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tối đa cho dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa hè 2023.

Các hãng khai thác tần suất bay dày đặc trên đường bay kết nối 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, tập trung vào các khung giờ tròn mỗi ngày.

Mỗi ngày, dự kiến thường lệ có gần 30 chuyến bay khứ hồi giữa Hà Nội – TP.HCM và hơn 35 chuyến bay khứ hồi giữa Hà Nội, TP.HCM – Đà Nẵng. Tần suất chuyến bay có thể tiếp tục tăng lên trong các dịp nghỉ lễ và cao điểm hè.

Vì sao giá vé máy bay nội địa tăng cao vào dịp 30/4 - 1/5 và quý 3/2023? - Ảnh 3.

Sân bay Nội Bài những ngày cao điểm hè 2022. Ảnh: TA

Hàng không chưa hồi phục hoàn toàn

Cũng theo đại diện Vietnam Airlines, với thị trường quốc tế, hãng sẽ mở lại, mở mới và tăng tần suất một loạt đường bay quốc tế trong giai đoạn này, đánh dấu việc khôi phục gần như hoàn toàn mạng bay quốc tế sau 1 năm kể từ khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế vào tháng 3/2022.

Tính từ khi mở cửa đón khách quốc tế đến nay, hãng đã vận chuyển hơn 3,4 triệu lượt khách quốc tế. Lượng ghế cung ứng giai đoạn tháng 4/2023 – tháng 10/2023 tới đây sẽ tăng 2,6 lần so sánh cùng kỳ 2022.

Trước đó, tại buổi toạ đàm "khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt", ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám Vietnam Airlines cho biết, năm 2022, thị trường nội địa tăng 13% so với 2019, bay quốc tế chỉ đạt 22% so với 2019. Con số này được cải thiện qua từng tháng, và đến tháng 12/2022 vừa bằng 50% của năm 2019.

"Bay quốc tế đóng góp 40% sản lượng khách, 60% doanh thu và nội địa là ngược lại. Việc nói phục hồi thì hoàn toàn không đúng", ông Thành cho rằng hàng không chưa hồi phục.

Ông Thành lấy dẫn chứng, báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) khu vực châu Á - Thái bình Dương, tốc độ phục hồi hàng không các khu vực không đồng đều, riêng châu Á - Thái Bình Dương là chậm nhất so với các khu vực khác. Dự kiến lạc quan cuối 2024 mới phục hồi so với 2019.

Ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc chưa đưa Việt Nam vào 20 quốc gia cấp visa theo đoàn. Nhật Bản và Hàn cũng đang siết lượng khách.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, Việt Nam vào tháng 3/2022, Chính phủ chính thức tuyên bố bắt đầu mở cửa giao thương, trong đó có du lịch và hàng không.

Tuy nhiên, các con số tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng về du lịch và hàng không bởi nguyên nhân các thị trường hàng không truyền thống đi/đến Việt Nam đều chưa mở cửa hoặc mở cửa rất thận trọng như Trung Quốc, Nhật Bản (người dân e ngại đi du lịch nước ngoài, chọn đi trong nước vì lý do an toàn và xuất phát yếu tố thu nhập),…

"Doanh thu từ thị trường hàng không từ Trung Quốc chiếm 30%. Nguy cơ và sự phục hồi chưa đạt được như kỳ vọng", ông Quân nêu rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem