Tái cơ cấu để SSC tập trung vào xây dựng thương hiệu lúa độc quyền? (Ảnh: IT)
Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC) vừa công bố nghị quyết thông qua kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018 để thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như thay đổi nhân sự, giảm vốn điều lệ, đặc biệt là sẽ hủy niêm yết trên HoSE.
Vì sao một doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra” lại quyết định hủy niêm yết trên sàn chứng khoán?
SSC đang làm ăn thế nào?
Theo nghị quyết được công bố, thời gian chốt danh sách cổ đông là 14.9 và ngày tổ chức đại hội cổ đông bất thường dự kiến là ngày 10.10. Tại đại hội này, SSC sẽ trình xin ý kiến cổ đông về việc chấp thuận cho cổ phiếu SSC thôi niêm yết trên sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE); giảm vốn điều lệ công ty; phê duyệt chấp thuận việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT đã có hiệu lực từ 1.8.
Nghị quyết tổ chức đại hội cổ đông bất thường để hủy niêm yết của SSC
Cụ thể, trước đó vào ngày 1.8, SSC đã miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Bùi Quang Sơn theo đơn từ nhiệm. Đồng thời công ty bầu bổ sung ông Nguyễn Hoàng Anh làm thành viên HĐQT thay thế.
Cùng ngày, SSC cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Nam giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc và bà Đoàn Xuân Khánh Quyên làm Kế toán trưởng.
Về tình hình kinh doanh của SSC, theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, kết thúc quý II.2018, doanh thu của SSC đạt 214 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với con số 179,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 30,7, tăng gần 100% so với con số 15,4 tỷ đồng cùng kỳ; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 27,3 tỷ đồng, tăng 85% so với con số 14,8 tỷ đồng cùng kỳ.
Ngoài ra, vay ngắn hạn của SSC tính đến hết 30.6 là 98,2 tỷ đồng.
Về khoản tồn kho, tính đến 30.6, giá trị hàng tồn kho của SSC là hơn 235,9 tỷ đồng, tăng hơn 130 tỷ đồng so với giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2017 (ngày 31.12.2017).
Trước đó, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed - HoSE: NSC) muốn chào mua công khai 100% cổ phần SSC và đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán để chờ phê duyệt. Tuy nhiên, trong lần đăng ký mua mới đây nhất, NSC chào mua 135.000 cổ phiếu SSC trong thời gian 14.8 - 13.9. Nếu thành công thì NSC sẽ sở hữu 84,7% vốn tương đương 12,8 triệu cổ phiếu SSC.
Chia sẻ về việc M&A này, tại đại hội cổ đông hồi tháng 4.2018 của SSC, bà Bà Lê Thị Lệ Hằng, Chủ tịch HĐQT, cho rằng SSC đang tái cấu trúc và đổi mới toàn diện trong công tác quản trị, sản xuất kinh doanh, công tác phát triển sản phẩm, đặc biệt là công tác nghiên cứu. Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho SSC trong quá trình xây dựng thương hiệu lúa độc quyền, có được công nghệ khoa học từ NSC, gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty.
Giá trị hàng tồn kho của SSC tính đến 30.6.2018
Hiện tại, số lượng sản phẩm khoa học công nghệ của SSC đã nâng lên 70%, giúp đơn vị được miễn giảm thuế thu nhập. Ngay trong vụ đầu tiên của năm 2018, SSC đã phát triển được trên 8.000 tấn giống mới, nâng thị phần tại ĐBSCL lên 4,5%.
Tái cấu trúc hay xu thế bắt buộc?
Thực tế, nhìn vào sở hữu của 2 doanh nghiệp trên, có thể nói 2 doanh nghiệp này là... “người nhà” với nhau. Chẳng hạn, tại SSC, cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này là Công ty CP Giống cây trồng Trung Ương (12,66 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 93,72%), nếu chào mua thành công 135.000 cổ phiếu như đang ký trước đó thì NSC sẽ sở hữu 94,7% vốn tại SSC. Trong khi đó, đứng sau NSC chính là PAN Farm, thuộc Tập đoàn PAN, đang sở hữu 80,11% vốn của NSC.
Về cơ cấu quản trị, Chủ tịch HĐQT của SSC là bà Lê Thị Lệ Hằng, đồng thời bà Hằng cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của NSC; trong khi đó, bà Trần Kim Liên là Chủ tịch HĐQT của NSC nhưng lại đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT của SSC.
Vì vậy, có thể nói việc NSC tiến tới mục tiêu chào mua công khai 100% cổ phần SSC hoàn toàn là để “thống nhất quan điểm HĐQT của hai công ty, tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ như Lộc Trời” - lời bà Lê Thị Lệ Hằng, Chủ tịch HĐQT SSC tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, một chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, theo Quy tắc xây dựng Bộ chỉ số HoSE-Index với phương pháp mới, thì việc hủy niêm yết với HSC cũng có thể lý giải bởi vì quy tắc này đưa ra 6 loại chỉ số là VNAllshare, VN30, VNMidcap, VNSmallcap, VN100 và VNAllshare Sector. Các bộ chỉ số này được xây dựng trên cơ sở chuẩn mực quốc tế, với tiêu chí sàng lọc theo 3 cấp: sàng lọc về tư cách vào rổ tính; sàng lọc về thanh khoản và sàng lọc về tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (Free - float). Các cổ phiếu phải có tỷ lệ Free - float cao hơn 10% thì mới được vào rổ tính HoSE-Index. Đặc biệt, công thức tính mới đã loại bỏ phần cổ phiếu sở hữu chéo trực tiếp giữa các công ty.
“Hiện Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) và Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (NSC) cùng niêm yết trên HoSE, nhưng NSC hiện sở hữu đến 93,72% vốn cổ phần tại SSC. Như vậy, để tính ra VN-Index thì phần sở hữu lẫn nhau giữa 2 DN này (93,72 %vốn cổ phần tại SSC) đã được tính 2 lần vốn hóa”, vị này nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.