Vì sao loại cá này ở miền Tây tăng giá bất ngờ dù làng nào cũng thấy phơi la liệt, Tết thì chưa tới?

Nhật Hồ Thứ tư, ngày 14/12/2022 13:14 PM (GMT+7)
Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2023, nhưng hiện nay các làng khô (chế biến cá khô các loại) ven biển Bạc Liêu, Cà Mau đang hối hả cho việc kinh doanh.
Bình luận 0

Những ngày này, tại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) nghề làm khô đang trong giai đoạn nhộn nhịp.

Ngoài các loại khô cá, người dân nơi đây còn làm các loại tôm khô, mực khô. Trong vùng đang có nắng to là thời điểm thuận lợi đối với nghề làm khô nức tiếng nơi đây.

Vì sao loại cá này ở miền Tây tăng giá bất ngờ dù làng nào cũng thấy phơi la liệt, Tết thì chưa tới? - Ảnh 1.

Phơi khô (cá khô) tại làng khô biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Bà Trần Xuân Mai, chủ cửa hàng khô ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải cho biết, giá nhiên liệu tăng cao khiến tình hình khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn, sản lượng sụt giảm, nguồn nguyên liệu làm khô khan hiếm, giá khô tăng hơn những năm trước.

Vì sao loại cá này ở miền Tây tăng giá bất ngờ dù làng nào cũng thấy phơi la liệt, Tết thì chưa tới? - Ảnh 2.

Khô biển Gành Hào (cá biển phơi khô), huyện Đông Hải có mặt ở thị trường quanh năm, nhưng những ngày cận Tết có nhiều sản phẩm hơn. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Nguyễn Trọng Hán - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, địa phương có trên 30 cơ sở sản xuất, chế biến khô. Các cơ sở này chủ yếu tập trung ở thị trấn Gành Hào, mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 700 tấn khô các loại.

Theo ông Hán, nhằm nâng cao giá trị con khô Gành Hào, những năm qua huyện Đông Hải phối hợp cùng các ngành chức năng tăng cường các hoạt động kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, nhất là xây dựng thương hiệu OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người làm khô yên tâm gắn bó với nghề, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.

Đến nay huyện đã có trên 18 sản phẩm OCOP, trong đó có đến 10 sản phẩm khô của các chủ thể trong huyện được đánh giá, phân hạng OCOP theo tiêu chuẩn 3 sao như tôm khô, chả tôm, chả cá, chà bông, khô mực, khô mực một nắng, khô cá thu một nắng, khô cá kèo…

Vì sao loại cá này ở miền Tây tăng giá bất ngờ dù làng nào cũng thấy phơi la liệt, Tết thì chưa tới? - Ảnh 3.

Cá sặc bổi - nguyên liệu chính làm nên đặc sản khô cá bổi U Minh, Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Tại các làng nghề khô biển ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), vào thời điểm này nhà nhà đều tranh thủ thời gian, làm không kể ngày đêm để kịp cung ứng sản phẩm cho thị trường Tết và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Bà con cho biết, nghề sản xuất cá khô, bánh phồng tôm hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, cao điểm là dịp cuối năm, lúc này trùng với thời điểm hoạt động đánh bắt biển nên nguồn nguyên liệu cá tôm rất dồi dào, kịp thời cung ứng cho các cơ sở sản xuất.

Các mặt hàng được khách hàng ưa thích, nhất là dịp Tết Nguyên đán hàng năm như khô cá kèo, khô cá khoai, khô cá ngát, tôm khô, bánh phồng tôm…

Theo ông Huỳnh Thanh Đảm - Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), hiện các cơ sở sản xuất mặt hàng cá khô, mắm, tôm khô ở địa phương đang vào chính vụ. Hàng năm, các cơ sở này cung ứng cho thị trường hàng chục tấn hàng các loại. Trong đó, nhiều nhất là các mặt hàng khô.

Khô biển từ các làng nghề ở các tỉnh Miền Tây lâu nay đã có mặt trong bữa ăn của nhiều gia đình, không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán. Tự hào về nghề làm khô của quê hương mình, người dân làng cá khô biển luôn chú trọng làm ra những mặt hàng khô ngon, chất lượng. Chính từ cái nắng, cái gió của miền biển và sự mặn mòi của muối biển quê nhà đã làm nên thương hiệu khô biển Miền Tây nổi tiếng gần xa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem