Vì sao Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập NATO?

Lê Phương (Aljazeera) Thứ bảy, ngày 16/04/2022 16:08 PM (GMT+7)
Các nhà phân tích cho biết chiến dịch đặc biệt của Nga đã thay đổi quan điểm chính trị ở Thụy Điển và Phần Lan trong việc trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bình luận 0
Vì sao Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập NATO? - Ảnh 1.

Trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, vào tháng 4 năm 2018. Ảnh: Reuters

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển đã tìm kiếm sự bảo vệ của NATO, đồng thời xem xét nhu cầu thay đổi mô hình các chính sách an ninh tương ứng: từ bỏ thái độ trung lập và độc lập quân sự.

Vào tháng 1/2022, Thủ tướng Phần Lan theo Đảng Dân chủ Xã hội Sanna Marin tuyên bố tại Helsinki rằng nước này chưa có ý định tìm kiếm tư cách thành viên NATO trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chiến dịch của Nga đã chỉ rõ ra những bất lợi khi một nước không phải là thành viên liên minh.

Mặc dù NATO vẫn cung cấp cho Kiev một số trợ giúp nhất định, nhưng dường như liên minh này tránh can thiệp trực tiếp vào xung đột. Phần Lan, tương tự như Ukraine, là nước láng giềng trực tiếp của Nga, có chung đường biên giới dài 1.300 km.

Không có gì ngạc nhiên khi xung đột Nga - Ukraine là nhân tố chính thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan tiến gần hơn đến việc xin gia nhập NATO.

"Chiến dịch của Nga đã thay đổi đáng kể quan điểm chính trị cũng như những ý kiến dư luận ở Thụy Điển và Phần Lan", Alistair Shepherd, giảng viên cao cấp về an ninh châu Âu tại Đại học Aberystwyth, nói với Al Jazeera.

Có những dấu hiệu cho thấy rằng cả Phần Lan và Thụy Điển đều đang hướng tới một thay đổi thực sự mang tính lịch sử trong các chính sách an ninh tương ứng. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển và Phần Lan về cơ bản được coi là các quốc gia trung lập, với những lý do khác nhau.

Ông Shepherd nói: "Tính trung lập của Thụy Điển là một phần bản sắc dân tộc của họ, trong khi tính trung lập của Phần Lan thực dụng hơn và gần như bị ép buộc bởi Hiệp định Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ được ký kết giữa Phần Lan và Liên Xô vào năm 1948".

Những đóng góp quan trọng

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cả hai đã phát triển mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với NATO, đặc biệt là sau khi tham gia chương trình Đối tác vì Hòa bình (PfP) năm 1994 và Liên minh châu Âu (EU) năm 1995.

Shepherd nói: "PfP được tạo ra nhằm cung cấp cho các quốc gia ngoài NATO một cách để phát triển mối quan hệ của họ với liên minh theo hướng hòa bình và trong phạm vi họ lựa chọn".

Mặc dù gia nhập EU, cả hai nước này vẫn tiếp tục quan điểm không liên kết về mặt quân sự. Điều này có nghĩa là ngay cả khi không còn trung lập về mặt chính trị, họ vẫn chính thức đứng ngoài bất kỳ liên minh quân sự nào.

Tuy nhiên, tình hình dường như sắp thay đổi.

Phần Lan được cho là sẽ quyết định trở thành thành viên NATO trong vòng vài tuần tới. Trong khi đó, Thụy Điển phải đối mặt với một cuộc bầu cử vào giữa năm, và nước này có phần thận trọng hơn Phần Lan khi lo ngại về tương lai của mình.

Chính phủ Thụy Điển sẽ muốn tránh những thay đổi chính sách an ninh bốc đồng có thể khiến các cử tri e ngại. Tuy nhiên, kể từ khi chiến dịch đặc biệt của Nga bắt đầu, dư luận đã thay đổi đáng kể, khiến việc trở thành thành viên NATO của Thụy Điển, cũng như Phần Lan, có lẽ trở nên dễ chấp nhận hơn bao giờ hết.

"Trước đây, các cuộc thăm dò ở Phần Lan cho thấy 53% ủng hộ tư cách thành viên NATO, trong khi đó ở Thụy Điển con số này là 41%. Gần đây, con số này đã tăng lên với hơn 50% ủng hộ ở Thụy Điển (tăng lên 62% nếu Phần Lan tham gia). Ở Phần Lan, 68% ủng hộ việc gia nhập NATO (tăng lên 77% nếu chính phủ đề xuất)", ôngShepherd nói.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết sau cuộc gặp với đồng nghiệp Phần Lan rằng tình hình an ninh mới sẽ được xem xét một cách toàn diện và nhanh chóng.

Trong mọi trường hợp, Thụy Điển và Phần Lan đều quen với các cấu trúc của NATO. Quân đội của họ đã hợp tác với quân đội NATO trong nhiều năm. Các binh sĩ Phần Lan và Thụy Điển tham gia vào chiến dịch do NATO dẫn đầu ở Afghanistan và cả hai đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ về trang thiết bị và huấn luyện kể từ năm 2015.

"Cả hai quốc gia đều được NATO gọi là 'Đối tác Cơ hội Nâng cao'. Đây là những đối tác có đóng góp rất quan trọng cho những hoạt động và mục tiêu của NATO", ông Shepherd lưu ý.

Vì sao Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập NATO? - Ảnh 2.

Lá cờ ở trụ sở Liên minh trước cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO, ở Brussels, Bỉ, ngày 21 tháng 10 năm 2021. Ảnh: Reuters

Quy trình đăng ký

Về bản chất, tư cách thành viên của hai nước sẽ tăng cường hơn nữa sự hiện diện của NATO trong khu vực Baltic. Bên cạnh đó, cả Thụy Điển và Phần Lan đều sẽ đưa quân đội tiên tiến và được đào tạo bài bản vào NATO.

"Điều này có thể tạo ra một số thách thức dài hạn vì việc có 32 thành viên có thể làm chậm hoặc cản trở việc ra quyết định đồng thuận. Ngoài ra, việc này cũng nhấn mạnh rằng Nga đã tự cô lập mình đến mức nào với phần còn lại của cộng đồng châu Âu", Alexander Lanoszka, trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Waterloo, nói với Al Jazeera.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ám chỉ rằng tất cả các cánh cửa đều rộng mở, nhưng NATO vẫn chưa chính thức xem xét việc gia nhập. Việc này chỉ có thể thực hiện sau khi đơn đăng ký được gửi.

Thời gian biểu sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố cụ thể. Đầu tiên, các chính phủ tương ứng ở Stockholm và Helsinki cần phải phê chuẩn kế hoạch.

"Tất cả các nghị viện quốc gia sẽ cần phê chuẩn đơn đăng ký tham gia của họ. Có vẻ như hai chính phủ muốn tiến hành nhanh chóng, nhưng những ràng buộc về mặt lập pháp này có thể khiến quy trình bị chậm đi", ông Lanoszka lưu ý.

Rào cản thứ hai chính là NATO. Tuy nhiên, phần lớn các nước NATO đã nói rõ rằng họ sẽ hoan nghênh việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.

Mỹ, Đức, Pháp, Vương quốc Anh và Ba Lan đều ủng hộ. Không có quốc gia nào khác phản đối ý tưởng này, đây là điều quan trọng vì tất cả 30 thành viên phải đồng ý.

Katharine AM Wright, giảng viên cao cấp về chính trị quốc tế tại Đại học Newcastle, nói với Al Jazeera: "Trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine, những lá đơn đăng ký có khả năng được phê chuẩn nhanh chóng nhằm thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh của liên minh. Tôi cho rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan sớm gửi đơn, họ sẽ đạt được tư cách thành viên ngay trong năm nay".

Tuy nhiên, việc đưa hai quốc gia này vào liên minh cũng sẽ làm dấy lên nhiều lo ngại.

Quan điểm của Nga

Moscow cho biết nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ phải tăng cường khả năng phòng thủ trong khu vực, bao gồm cả việc tái bố trí vũ khí hạt nhân.

Điện Kremlin đã cảnh báo về hậu quả nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO trong suốt nhiều năm. Người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin gần đây cho biết Nga sẽ phải điều chỉnh lại sự cân bằng ở biên giới.

Bà Wright nói: "Nga đang cố gắng gây ảnh hưởng đến quyết định của Thụy Điển và Phần Lan với tuyên bố Moscow sẽ chấm dứt tình trạng một vùng Baltic không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, như Tổng thống Litva đã chỉ ra, Nga từ lâu đã sở hữu các điểm lưu trữ vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad. Chính vì thế nên tuyên bố này càng củng cố khả năng hai nước trở thành thành viên NATO".

Tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ xóa bỏ địa vị trung lập của hai quốc gia châu Âu này. Tuy nhiên, ông Putin nhìn nhận Phần Lan và Thụy Điển khác với Ukraine vì lịch sử của các nước này khác nhau.

Đối với ông Putin, Ukraine được coi là một phần của Nga. Trong khi đó, Thụy Điển và Phần Lan không thể so sánh được với Ukraine ngoài việc nằm gần với Nga.

Bà Wright nói: "Bất kỳ chiến dịch nào của Nga đối với Phần Lan hoặc Thụy Điển, ngay cả trước khi trở thành thành viên NATO, đều khó có thể làm leo thang chiến sự một cách đáng kể".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem