Vì sao Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài “lấn sân” kinh doanh đồng hồ?

P.V Thứ hai, ngày 11/03/2019 07:00 AM (GMT+7)
Công ty CP Thế Giới Di Động (TGDĐ) mới đây đã tiếp tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang bán lẻ đồng hồ. Song kế hoạch của ông Nguyễn Đức Tài và các cộng sự dự kiến sẽ gặp nhiều thách thức, bởi thị trường đồng hồ Việt Nam được đánh giá là một miếng bánh béo bở nhưng "không hề dễ ăn".
Bình luận 0

img

Một góc cửa hàng trưng bày đồng hồ của Thế Giới Di Động tại TP.HCM. (Ảnh: TGDĐ)

Tiếp bước hai ông lớn PNJ, Doji

Mới đây, website của Thế Giới Di Động (TGDĐ) của ông Nguyễn Đức Tài đã đưa ra thông tin về việc hãng này sẽ tiếp tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang bán lẻ đồng hồ. Đây có lẽ là thông tin khá mới mẻ đối với nhà đầu tư nói chung và các cổ đông của Thế Giới Di Động nói riêng.

Bởi trong kế hoạch kinh doanh được doanh nghiệp gửi tới cổ đông trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2019, Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài vẫn đặt hoạt động bán lẻ điện thoại, điện máy là nguồn đóng góp doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho doanh nghiệp. Đối với Bách Hoá Xanh, năm 2019 được coi là năm xây dựng nền móng nhằm bảo đảm chuỗi Bách Hoá Xanh sẵn sàng nhân rộng trên toàn quốc. Trễ nhất tới cuối tháng 12.2019, Bách Hoá Xanh có lợi nhuận trực tiếp.  

Còn xung quanh động thái mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bán lẻ đồng hồ, một số thông tin cho rằng, các lãnh đạo của Thế Giới Di Động chỉ thực sự quan tâm và bắt tay lên kế hoạch thực hiện từ trước Tết nguyên đán. Sau khoảng thời gian gần 2 tháng, cửa hàng đầu tiên đã mở cửa và phụ vụ bán hàng đúng dịp 8.3.

img

Ông Nguyễn Đức Tài và cộng sự dự kiến sẽ gặp nhiều thách thức khi đưa Thế Giới Di Động mở rộng hoạt động sang kinh doanh đồng hồ. (Ảnh: Internet)

Theo đó, webstie bán hàng của Thế Giới Di động (TGDĐ) của ông Nguyễn Đức Tài đã cập nhật mặt các hàng đồng hồ thời trang, bên cạnh các dòng sản phẩm đồng hồ thông minh (smartwatch) đã có từ trước. Thế Giới Di Động (TGDĐ) cho biết, hãng sẽ mở bán thêm nhiều mẫu đồng hồ thời trang với các thương hiệu lớn như Casio, Baby-G, Fossil…Để chào mừng nhóm hàng mới này, công ty đã tung ra khuyến mãi đồng giảm giá 10%, 20% và có đồng hồ được bán với giá chỉ từ 150.000 đồng. Và việc mở bán sản phẩm mới sẽ bắt đầu từ ngày 8.3 đến 17.3.

Doanh nghiệp này hiện đang thử nghiệm một cửa hàng trưng bày tại TP.HCM để khách hàng trải nghiệm các tính năng của sản phẩm. Việc mở rộng các chuỗi cửa hàng trưng bày dự kiến sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.

Lý giải quyết định “lấn sân” sang lĩnh vực kinh doanh đồng hồ của mình, Thế Giới Di Động (TGDĐ) của ông Nguyễn Đức Tài cho biết: “Trong tình trạng nhiều nơi bán hàng giả nhái kém chất lượng, khách hàng rất cần những địa chỉ mua đồng hồ uy tín để hoàn toàn yên tâm trong quá trình sử dụng. Thế Giới Di Động mở bán đồng hồ thời trang với mong muốn đem đến cho khách hàng những sản phẩm chính hãng, trở thành lựa chọn mua sắm đáng tin cậy của những tín đồ đam mê đồng hồ. Tất cả sản phẩm đều được đảm bảo chính hãng 100%, cam kết bảo hành đến 1 năm”.

Một điểm khác biệt trong phương thức mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ của Thế Giới Di Động so với trước đây, đó là thay vì thông qua thành lập một thương hiệu riêng biệt như trường hợp của Bách Hoá Xanh hay nhà thuốc An Khang, các sản phẩm đồng hồ sẽ được bán trực tiếp tại của Thế Giới Di Động và có thể mở rộng thêm ở Điện máy Xanh. Trước mắt, việc bán hàng tập trung chủ yếu ở phân khúc online.

“Miếng bánh” không dễ “nuốt”

Về tiềm năng của thị trường đồng hồ Việt Nam, một báo cáo vào tháng 12.2018 của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường đồng hồ ở VIệt Nam có giá trị ước tính vào khoảng 17.000 tỷ đồng, độ phân mảnh cao và còn rất “bát nháo” về nguồn gốc sản phẩm.

Đây chính là lý do khiến PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung và Doji  của ông Đỗ Minh Phú, 2 chuỗi trang sức lớn, nắm bắt cơ hội “lấn sân” sang thị trường còn bỏ ngỏ này với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của bộ phận người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu và thu nhập cao đang tìm kiếm địa chỉ mua sắm đồng hồ đáng tin cậy.

img

Nghiên cứu của VDSC về thị trường đồng hồ Việt Nam

Một thực trạng cũng được VDSC chỉ ra tại thị trường đồng hồ Việt Nam, đó là chỉ có một số ít các cửa hàng bán lẻ và trung tâm bảo hành được ủy quyền từ các hãng đồng hồ. Nhu cầu lớn với nguồn cung hạn chế dẫn đến các sản phẩm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường, đây một vấn đề tồn tại lâu dài trong ngành đồng hồ. Rất khó để người tiêu dùng thông thường có thể kiểm tra tính chính hãng của mặt hàng này và người mua đồng hồ ở Việt Nam thường chỉ đặt niềm tin vào uy tín cửa hàng.

Khảo sát qua các địa điểm mua sắm, VDSC cho rằng, hầu hết các cửa hàng tư nhân trong nước và các trang web ở nước ngoài chủ yếu tập trung vào khách hàng nam, với 60-70% sản phẩm bày bán là đồng hồ nam và khoảng 60% sản phẩm có giá trên 10 triệu đồng, thuộc phân khúc giá trung bình và cao.

Trong khi đó, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung và Doji của ông Đỗ Minh Phú tập trung vào khách hàng nữ với 63% (PNJ) và 87% (Doji) mẫu mã là đồng hồ nữ. Điều này là dễ hiểu khi PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung và Doji của ông Đỗ Minh Phú là các chuỗi trang sức và hướng tới khách hàng nữ.

PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung đã thử nghiệm bán đồng hồ từ năm 2012, đến nay chuỗi này cung cấp khá đa dạng các loại đồng hồ: gần 1.000 mẫu từ 9 thương hiệu. Trong khi đó Doji của ông Đỗ Minh Phú mới gia nhập ngành, hiện chỉ bán 45 mẫu đồng hồ đến từ hai thương hiệu. Nhìn chung, cả hai đều nhắm đến phân khúc trung bình thấp với 75% (PNJ), và 100% (Doji) các mẫu có giá dưới 10 triệu đồng. Cơ cấu này là khá hợp lý khi khách hàng nữ có xu hướng xem trọng vẻ bề ngoài đẹp và giá cả hợp lý của các mẫu đồng hồ thời trang hơn là chi tiết bộ máy bên trong (là thành phần tạo nên mức giá rất cao của những mẫu đồng hồ cao cấp). Do đó, việc trả hơn 10 triệu đồng cho một chiếc đồng hồ (vốn chỉ là một trong rất nhiều loại trang sức của phụ nữ) có vẻ là quá nhiều.

Tổng kết đánh giá về thị trường đồng hồ Việt Nam, VDSC cho rằng, thị trường còn rất phân mảnh, phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ và chợ đồng hồ. Nhu cầu về đồng hồ, mặc dù rất lớn, không phải đều dành cho đồng hồ chính hãng – vốn có giá bán vẫn khá cao so với mức đa số người VIệt sẵn sàng chi trả. Hơn nữa, độ bền cao của đồng hồ (kể cả đồng hồ giả) và không cần phải bảo trì thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến hàng xách tay trở nên phổ biến bởi giá thường rẻ hơn đáng kể so với mua trong nước. Do đó, miếng bánh bán lẻ đồng hồ tuy rất béo bở nhưng "không hề dễ ăn" và là bài toán không dễ với Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem