Việc gỡ bỏ tranh Hồ Xuân Hương tại triển lãm sẽ tạo ra tiền lệ gì?
Việc gỡ bỏ tranh về Hồ Xuân Hương tại triển lãm sẽ tạo ra tiền lệ gì?
Hà Thúy Phương
Thứ hai, ngày 25/07/2022 19:00 PM (GMT+7)
Mới đây, triển lãm tranh Hồ Xuân Hương của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan đã bị gỡ bỏ khỏi triển lãm bởi Hội đông nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt chia sẻ quan điểm với Dân Việt về vụ việc này.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: "Triển lãm tranh Hồ Xuân Hương được tổ chức ở nhà triển lãm 18 Ngô Quyền của Hội Mỹ thuật Việt Nam, thuộc khu vực của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhưng lãnh đạo Hội không có mặt ở Hà Nội. Đương nhiên việc này là của Hội đồng nghệ thuật của nhà triển lãm quyết định. Hôm duyệt triển lãm của 2 tác giả không có đầy đủ thành viên của Hội đồng nghệ thuật, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đi công tác nên cũng có những sơ suất trong việc duyệt tranh.
Đương nhiên Hội tôn trọng quyền công bố nghệ thuật của các tác giả. Các tác giả cũng chịu trách nhiệm đầu tiên về sự công bố các tác phẩm của mình. Nhưng về phía Hội cũng có sơ suất khi để xảy ra những dư luận quan tâm đến chất lượng của triển lãm này. Lãnh đạo Hội cũng đã sớm nhận được tin và quyết định gỡ bỏ một số tác phẩm quá nhạy cảm trong quan niệm về thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và thơ của Hồ Xuân Hương. Tôi cho rằng Hội đã kịp thời tiếp thu ý kiến của dư luận.
Triển lãm chỉ còn vài ngày nên các tác giả xin phép được dừng cả triển lãm trước thời hạn. Tôi nghĩ đây là một sự việc cần rút kinh nghiệm. Quyền tự do sáng tạo của tác giả vẫn được tôn trọng nhưng vẫn còn những vấn đề nội dung tác phẩm. Qua sự việc này Hội sẽ có những cách thẩm định, lựa chọn kỹ càng, cẩn trọng hơn cho nội dung và nghệ thuật các tác phẩm tại nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam".
Chia sẻ về ý kiến cho rằng một số tác phẩm của 2 họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan là nhạy cảm và không đúng với quan niệm thơ Hồ Xuânn Hương, ông Lương Xuân Đoàn cho biết: "Thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tục mà thanh, thanh mà tục. Có thể do quan niệm của 2 họa sĩ về Hồ Xuân Hương không sâu sắc và non tay nên những tác phẩm gây ra phản ứng khác việc họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ thành công tranh về Hồ Xuân Hương. Những bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái hay minh họa của họa sĩ Lâm Lê về Hồ Xuân Hương trước đây hoàn toàn không gợi ý nghĩ dung tục".
Gỡ bỏ tranh Hồ Xuân Hương tạo ra tiền lệ tốt?
Đưa ra quan điểm về việc gỡ bỏ tranh về Hồ Xuân Hương của 2 họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan, họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ với Dân Việt: "Các tác phẩm đó phản cảm và không đúng tinh thần của thơ Hồ Xuân Hương. Việc Hội đồng thẩm định gỡ xuống là đúng. Bởi trong nghệ thuật, ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục chỉ cách nhau sợi tóc. Ngay cả nếu đưa các tác phẩm đó về tiêu chí dung tục, gợi dục, thật ra cũng không tới, mà nghệ thuật càng không tới". Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật của triển lãm có tác phẩm không được treo vì ... xấu."
"Ở đây hoàn toàn không nói đến vấn đề giới tính, chính trị hay tình dục mà khi phân tích bức tranh bằng ngôn ngữ hội họa thì màu sắc, bút pháp, đường nét đều xấu, dung tục, thô thiển và sao chép ngôn ngữ văn học của Hồ Xuân Hương. Vẽ tranh minh họa cho tác phẩm văn học cũng phải sáng tạo lại một lần nữa. Tác phẩm nghệ thuật dù là lấy cảm hứng hay minh họa vẫn phải là độc lập, có thể đứng riêng không cần tầm gửi vào tác phẩm hay cái tên của người khác. Vì mỗi loại hình nghệ thuật có tiếng nói riêng của nó" – họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng cho rằng hành động gỡ bỏ tranh về Hồ Xuân Hương lần này là điều rất hay và nên coi là tiền lệ. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: "Từ giờ trở đi sẽ có việc không được cấp phép tác phẩm không hay, chứ không phải vì vấn đề tình dục, giới tính hay chính trị".
Tranh Hồ Xuân Hương bị gỡ bỏ có dung tục không?
Chia sẻ với Dân Việt, họa sĩ Đinh Công Đạt cho rằng, là nghệ sĩ nói chung sẽ rất dị ứng với kiểm duyệt. Nghệ sĩ là những người suy nghĩ thấu đáo, làm việc nghiêm túc chứ không phải hành động nhất thời, vụ lợi. Việc kiểm duyệt, bị chê bai, bị tấn công, gỡ bỏ ... là tổn thương rất lớn với nghệ sĩ. Tuy vậy, ở quốc gia nào, chính thể nào cũng có kiểu kiểm duyệt riêng, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác cũng vậy. Nhưng việc đưa ra lý do của quyết định đó thì cũng cần có những cách thức truyền đạt hợp lý tránh tổn thương cho người sáng tác.
Họa sĩ Đinh Công Đạt cho rằng, quyết định gỡ bỏ tranh về Hồ Xuân Hương của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan vì không hợp thuần phong mỹ tục là nhận xét chung chung và cảm tính. "Nhận xét như vậy không mang tính lượng hóa tôi cho là hơi thô bạo. Bởi vì hôm nay người nào đưa ra phán quyết đó thì cứ cho là đúng. Nhưng ngày mai, ngày mốt không phải là người ấy, trong một lúc nhất thời cảm tính ấy lại không như vậy thì sao! Với tôi, nếu cấm cái này hay cái kia nên dẫn ra điều luật cụ thể thì người nhận được quyết định cũng rất vui vẻ. Nếu không hợp thuần phong mỹ tục thì phải đưa ra điều luật quy định về thế nào là thuần phong mỹ tục", họa sĩ họ Đinh cho biết.
Họa sĩ Đinh Công Đạt cũng cho rằng, việc đánh giá những tác phẩm xấu nên không được triển lãm cũng là hành động thô bạo: "Nếu xấu thì tác giả tự chịu trách nhiệm với cá nhân với việc bị đánh giá là họa sĩ vẽ xấu, bị cả nước chê. Không thể nói vì xấu mà không cho triển lãm nếu họ triển lãm với tư cách cá nhân. Người nghiệp dư họ vẽ không đẹp vẫn có quyền treo trưng bày. Xấu đẹp là chuyện rất cảm tính. Còn nếu tác giả triển lãm dưới sự quản lý của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội đương nhiên có quyền thẩm định, quyết định thay đổi nếu không cảm thấy phù hợp với tiêu chí nghệ thuật và hình ảnh của Hội".
Đánh giá các bức tranh về Hồ Xuân Hương của 2 họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan, họa sĩ Đinh Công Đạt cho rằng, các tác phẩm vẽ khá non nớt, có thể gọi là xấu. Với ý kiến nói những tác phẩm bị cho là dung tục, họa sĩ Đinh Công Đạt cho rằng, có thể khi họa sĩ sáng tác tác phẩm không có suy nghĩ dung tục mà do non tay nên thể hiện chưa tới. Nhưng họa sĩ Đinh Công Đạt cũng khẳng định, mình mới xem tác phẩm qua ảnh chụp, chứ chưa được xem trực tiếp bằng mắt thường nên cũng chưa thể gọi là đánh giá chính xác về mặt chuyên môn.
Trả lời báo chí trước đó, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng (từng học thiết kế nội thất nhưng yêu thích hội họa, trở lại vẽ 8 năm nay) cho biết, tranh của ông có dung tục hay không thì còn phải bàn luận. Với ông, ông vẽ Hồ Xuân Hương hở hang, gợi cảm, bốc lửa, phồn thực là đúng với con người của bà.
Tại buổi khai mạc hôm 21/7, họa sĩ, đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan cũng bày tỏ rằng, ông diễn tả cõi mơ của Hồ Xuân Hương, đó là nỗi lòng, sự cô đơn, ôm ấp hoài niệm, là cá tính mạnh mẽ của bà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.