Việc khởi tố những cán bộ diện cấp uỷ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đều có ý kiến của Ban Nội chính

PVCT Thứ bảy, ngày 09/01/2021 16:26 PM (GMT+7)
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, trong các vụ vụ việc khởi tố những cán bộ diện cấp uỷ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi trình lên đều phải có ý kiến của Ban Nội chính. Ý kiến của Ban Nội chính phải thể hiện quan điểm rõ ràng.
Bình luận 0

Ngày 9/1, diễn ra hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tới dự.

Chuyển biến trong công tác phòng, chống tham nhũng

Phát biểu tại hội nghị Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng được đẩy mạnh, đạt kết quả nổi bật, có sự chuyển biến rất tích cực, nâng cao rõ rệt về chất.

Việc khởi tố những cán bộ diện cấp uỷ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đều có ý kiến của Ban Nội chính - Ảnh 1.

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (ảnh Thanh niên).

Đảng ta đã khẳng định được vài trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng. Cạnh đó, đã phát huy được trí tuệ, phẩm chất của Đảng.

"Chúng ta biết khơi dậy truyền thống yêu nước, sự đoàn kết của đồng bào ta, nhân dân ta, từ dịch Covid – 19 đến thiên tai đã chứng minh rất rõ điều này", Thường trực Ban Bí thư nói và cho rằng, trong đó có vai trò đóng góp của các cơ quan nội chính của Đảng.

Vẫn theo Thường trực Ban Bí thư, ngành Nội chính Đảng đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cấp ủy địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", "bất kể người đó là ai", tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, là "đầu mối", "khâu nối" giúp Ban Chỉ đạo điều hòa, phối hợp, huy động lực lượng trong phòng, chống tham nhũng và phát hiện, xử lý tham nhũng; đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả…

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý 128 vụ án, 91 vụ việc, trong đó 74 vị án/667 bị cáo đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Riêng năm 2020 đã phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý 65 vụ án, 24 vụ việc, trong đó đã xét xử sơ thẩm 20 vụ án/115 bị cáo.

Giải quyết các vụ án tham nhũng rất khó

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho hay, giải quyết các vụ án tham nhũng rất khó, nhiều quan điểm khác nhau nên tìm ra cách làm là quan trọng. Ban Nội chính Trung ương đã đề xuất "làm đến đâu, rõ đến đâu xử lý đến đấy", không trông chờ nên hầu hết các vụ án tham nhũng trong nhiệm kỳ này xử lý đều trong hạn luật định.

"Trong các vụ án việc khởi tố những cán bộ diện cấp uỷ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi trình lên đều phải có ý kiến của Ban Nội chính. Ý kiến của Ban Nội chính thể hiện quan điểm rõ ràng. Tôi cho rằng như vậy là rất bản lĩnh", ông Trần Quốc Vượng nói.

Ở địa phương, Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cấp ủy địa phương chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, khắc phục dần tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Bên cạnh đó, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm, ngày càng đi vào nền nếp, đạt kết quả tích cực.

Ngành Nội chính đảng cũng chủ động tổ chức nhiều cuộc khảo sát tình hình an ninh, trật tự ở một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm, như: an ninh biên giới, khiếu kiện đông người gây mất an ninh, trật tự.. đấu tranh trấn áp các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, không để bị động, bất ngờ…

Về nhiệm vụ năm 2021, theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, đây là có năm ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho một thập kỷ mới.

Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, ngành Nội chính Đảng cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong thời gian tới

Ngành Nội chính Đảng cần tập trung nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời khắc phục những bất cập, những khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".

Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị, ngành Nội chính Đảng phải tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, để công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục là dấu ấn nổi bật và có bước đột phá mới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII; tiếp tục khẳng định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ "không dừng", "không nghỉ", "không chùng xuống"…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem