Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Kỳ họp Quốc hội, chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà khẳng định, buôn bán thuốc giả thì đi tù và với việc cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù. Tuy nhiên, việc này phải chờ cơ quan pháp luật xem xét... hay các cơ quan thi hành pháp luật sẽ thực hiện đang được dư luận quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.
Về mặt lý thuyết, có thể kiện Viwasupco
Cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vụ đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà là sự cố rất hy hữu, gây tác hại hết sức nghiêm trọng đến môi trường nguồn nước và sức khoẻ người tiêu dùng. Vụ việc này là "cảnh báo đỏ" về vấn đề quản lý an ninh nguồn nước. Hiện chúng ta có đầy đủ quy định pháp luật để xử lý họ.
Đối với một doanh nghiệp đưa các sản phẩm bẩn mà ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và trong trường hợp này là thương mại về nước, kinh doanh nước, cung cấp dịch vụ sản phẩm là nước mà biết nước ô nhiễm vẫn cung cấp thì đối với các hộ sử dụng nước là một bên hợp đồng, có những thỏa thuận, họ có thể kiện.
Về góc độ sức khỏe của người dân, khi cung cấp sản phẩm ra thị trường mà sản phẩm đó bẩn thì rõ ràng quy định của pháp luật đều có thể xem xét xử lý. Chẳng hạn buôn bán thuốc giả thì đi tù và với việc cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù. Tuy nhiên, việc này phải chờ cơ quan pháp luật xem xét cụ thể.
Trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà chia sẻ bên lề kỳ họp Quốc hội, tại buổi tọa đàm “An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý” diễn ra vào sáng nay, 23/10 tại Hà Nội, Luật sư Trương Xuân Hải, Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng: “Cơ sở pháp lý, yêu cầu bồi thường là có, còn nếu kiện theo ý của Bộ trưởng Trần Hồng Hà thì cần phải tính toán kỹ. Về mặt lý thuyết có thể làm được theo lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tuy nhiên, để thực hiện được thì cần phải xem xét kỹ tại các quy định của pháp luật”.
Luật sư Trương Xuân Hải, Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội).
“Về nguyên tắc bồi thường, thiệt hại bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu, lỗi của Công ty CP nước sông Đà (Viwasupco) bao nhiêu thì phải chịu bấy nhiêu, lỗi của đối tượng đổ dầu xuống nguồn nước bao nhiêu thì đối tượng đó phải chịu. Nếu đem hợp đồng của gia đình ký kết với công ty cấp nước đưa đi kiện là không ổn, nếu kiện thì sẽ có khoảng 250.000 hộ dân đồng nghĩa với việc có 250.000 lá đơn. Không có toà án nào tải nổi số lượng đơn kiện”, luật sư Trương Xuân Hải phân tích.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng đô thị (Bộ Xây dựng) đánh giá, về chức năng quản lý nhà nước trong các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm của các bên. Cụ thể, trong Nghị định 117, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước đô thị, Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm về cấp nước nông thôn, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính sẽ phải đảm bảo nguồn lực, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các quy chuẩn...
Đối với việc bảo vệ nguồn nước, trách nhiệm thuộc về Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Ngoài ra, các địa phương cũng phải chịu trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và nước. Những vấn đề này đều có sự phân công rõ ràng.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến.
“Mặc dù, rất nhiều UBND địa phương nói rằng trách nhiệm chính thuộc về đơn vị cấp nước. Trong sự cố này, UBND địa phương phải chịu trách nhiệm liên đơi, doanh nghiệp cung cấp nước chịu trách nhiệm trực tiếp”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến khẳng định.
Viwasupco có phải là nạn nhân?
Cũng tại buổi toạ đàm, chỉ rõ nạn nhân chính trong vụ việc nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm, PGS.TS Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho rằng: “Nhà máy nước sông Đà của Viwasupco cũng là "bị hại" bởi chính nguồn gây ra ô nhiễm không phải là nhà máy nước. Tuy nhiên, Nhà máy nước sạch sông Đà vẫn phải chịu trách nhiệm chính khi bán nước cho dân. Hiện nay, ở các nước, việc bảo vệ nguồn nước rất tốt, gồm có nhiều bước, lớp lang. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được vấn đề này. Hơn nữa, thời đại 4.0, người ta có thể phát hiện nước thông qua máy móc, công nghệ chứ không phải khi xảy ra rồi mới phát hiện được”.
Để bảo vệ nguồn nước đạt tiêu chuẩn, PGS.TS Ứng Quốc Dũng khuyến cáo, việc cổ phần hóa ngành nước phải được thực hiện một cách cẩn trọng, vì nước là an ninh quốc gia, an toàn cho tất cả người dân. Vì vậy, chính quyền phải có trách nhiệm, còn nhà máy nước, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước chính quyền và người dân. Hiện nay, các quy định pháp lý về kiểm soát, bảo vệ nguồn nước, cung cấp nước chúng ta còn chưa đầy đủ, có lỗ hổng. Việc này cần phải có các quy định chặt chẽ hơn.
Trước những thông tin đang được dư luận quan tâm, việc nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu người dân có thể khởi kiện không?, nếu khởi kiện, thì người dân sẽ kiện theo quy định, hình thức nào? Tiến sĩ, Luật sư Vũ Văn Tính, Giám đốc Công ty Luật LT& Cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội); Giảng viên Học Viện hành chính Quốc gia khẳng định: “Xét về quy định pháp luật hiện hành, đơn vị cấp nước ký hợp đồng với người dân phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nhà nước cũng phải có trách nhiệm đảm bảo cho người dân, theo Nghị định 117, chính quyền địa phương ký hợp đồng đầu tiên với đơn vị cấp nước,lựa chọn đơn vị cấp nước đảm bảo chất lượng cho ngừi dân. Do đó, UBND các cấp có trách nhiệm liên đới, chứ không thể đổ hết cho doanh nghiệp.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Trương Xuân Hải - Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) tiếp tục cho rằng, dư luận chỉ trích đơn vị cấp nước, yêu cầu doanh nghiệp ít nhất có lời xin lỗi. Trong trường hợp này, Viwasupco có lỗi, điều này được quy định tại Nghị định 117, chậm cung cấp thông tin cho người dân.
Tuy nhiên, nếu nhân dân không phát hiện, tôi cho rằng cả công ty cấp nước và cơ quan nhà nước cũng không biết, rồi thông tin sẽ bị giấu nhẹm đi. Lỗi ở đây do cả nhà máy cấp nước và cơ quan quản lý nhà nước. Cần có lời xin lỗi của cả công ty và cơ quan nhà nước vì không cung cấp kịp thời thông tin chính xác cho người dân.
Luật sư Trương Xuân Hải cho hay, có mấy điểm kiến nghị như sau: Thứ nhất, trong công tác bảo vệ an ninh an toàn nguồn nước hiện được giao cho doanh nghiệp, nhà nước có trách nhiệm phối hợp. Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sức khỏe tính mạng người dân, do đó, nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, còn doanh nghiệp ở vị trí phối hợp.
Thứ hai, việc cổ phần hóa là chính đáng nhằm huy động các nguồn lực cho sự phát triển, tuy nhiên, khi cổ phần hóa hoàn toàn, doanh nghiệp chỉ chú trọng kinh doanh, cắt giảm các chi phí. Theo tôi, cổ phần hóa công ty hoạt động trong dịch vụ công cần giữ vai trò chi phối của nhà nước, doanh nghiệp công ích phải lấy việc phục vụ người dân là chính, chú trọng hàng đầu đến chất lượng.
Thứ ba, thông qua sự cố trên đã bộc lộ nhiều lỗ hổng. Từ sự việc trên đòi hỏi Hà Nội phải xây dựng chiến lược ứng phó, có các biện pháp thay thế, xây dựng thêm các nguồn dự phòng để đảm bảo cuộc sống ổn định, chất lượng cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.