Viết gì cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

Lê Hân Chủ nhật, ngày 10/12/2023 14:08 PM (GMT+7)
Vào tối nay 10/12, giữa tiết trời se lạnh trong những ngày đầu đông của Thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên những nhà báo chuyên nghiệp, và cả những cây bút không chuyên về “tam nông” sẽ được vinh danh tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tưởng thưởng cho những đóng góp xứng đáng nhất.
Bình luận 0

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có lẽ là đề tài "bền" nhất, đi liền với lịch sử nước ta, cả từ trong những năm tháng đất nước còn chưa giành được độc lập đến suốt thời kỳ chiến tranh kéo dài và đến thời kỳ xây dựng, đổi mới đất nước.

Viết gì cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn? - Ảnh 1.

Loạt bài "Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng Đồng bằng sông Cửu Long" của Báo Bạc Liêu đạt Giải Ba giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023.

Ở mỗi giai đoạn, nông nghiệp, nông thôn luôn là những đề tài bất tận để các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ chuyển thành những tập truyện nổi tiếng như Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải; Những câu chuyện nông thôn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với câu nói nổi tiếng "Mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn". Rồi đến những vần thơ nổi tiếng, trong đó phải kể đến bài thơ Hạt gạo làng ta của nhà thơ Trần Đăng Khoa với những câu thuộc nằm lòng của học sinh "Hạt gạo làng ta/có vị phù sa/của sông Kinh Thầy…" hay như nhà thơ Giang Nam đã vẽ lên bức tranh quê chỉ qua mấy câu thơ trong bài Quê hương "Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/Ai bảo chăn trâu là khổ?/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao".

Với lĩnh vực âm nhạc, nhắc đến đề tài về nông nghiệp, nông thôn, ai cũng thuộc nằm lòng câu "Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa, vì người trồng lúa cho quê hương" trong bài Hát về cây lúa hôm nay hay không thể không nhớ đến những câu "Cá bạc đầy khoang/để màu da anh rám hồng/lúa vàng trĩu bông/cho má hồng em tươi thắm" trong bài Tình ta biển bạc đồng xanh. Và còn nhiều, nhiều lắm những bài hát về nông nghiệp, nông thôn như thế.

 Đề tài về nông thôn cũng là mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh với hàng loạt bộ phim nổi tiếng như Ma làng, Đất và người, Bí thư Tỉnh ủy, Gió làng Kình… đều lôi cuốn người xem đến lạ thường.

Thống kê qua như thế để thấy, viết về đề tài nông nghiệp, nông thôn luôn được các tác giả dành bằng cả sự sẻ chia, tình cảm, mỗi một đề tài qua ngòi bút của các tác giả đều chan chứa những hiện thực, những khát vọng, những niềm tin yêu vào cuộc sống…

Xuất phát từ những điều như thế và cũng là để cụ thể hóa những mục tiêu, nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đề xuất của Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt và Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT Việt Nam (Agribank), lần đầu tiên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo tổ chức Giải báo chí viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

Chỉ sau 7 tháng phát động, Ban Tổ chức Giải đã nhận được hơn 2.700 tác phẩm tham dự của hàng nghìn tác giả, hàng trăm cơ quan báo chí gửi về. Lý giải về số lượng tác phẩm tham dự cao như vậy, nhà báo Nguyễn Văn Hoài- Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: "Trước đây, đã từng có một số giải báo chí dành cho từng lĩnh vực riêng lẻ như chuyên về chân dung người nông dân, về xây dựng nông thôn mới hay các địa phương cũng tổ chức nhiều giải về tam nông, nhưng đây là lần đầu tiên có một giải báo chí mang tầm toàn quốc, bao quát, toàn diện về cả 3 lĩnh vực là nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì thế, sân chơi dành cho các tác giả rất rộng, thoải mái, không bị bó hẹp vào một lĩnh vực cụ thể".

Theo nhận xét của các giám khảo, giải lần này có nhiều bài viết có tính thực tiễn cao, mang hơi thở từ cuộc sống hiện tại, từ những chủ đề về nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn đến chân dung người nông dân mới, văn minh đến xây dựng nông thôn mới. Nói như Giám khảo Hồ Xuân Hùng- Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, người được ví là "Ông Nông thôn mới": Tôi đã dành ra cả mấy ngày để đọc hết 55 tác phẩm lọt vào chung khảo, qua đọc mỗi bài viết tôi có cảm giác hình dung ra được bức tranh toàn cảnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện tại, như thấy mình được sống, được hòa nhịp trong đó. Mỗi bài báo, tác phẩm về "tam nông" đều rất hiện thực, đời thường, gần gũi.

Là một trong những tác giả có tác phẩm "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch cho vùng ĐBSCL) đoạt giải Ba, nhà báo Lư Dũng (Báo Bạc Liêu) xúc động chia sẻ: "Với mục tiêu làm thay đổi nhận thức, tư duy của người nông dân, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và hướng đến phát triển bền vững, được sự đồng ý của Ban Biên tập, chúng tôi đã quyết định thực hiện loạt bài trên và thật vinh dự đã giành được giải thưởng ngay trong lần đầu tham dự".

Chia sẻ thêm về loạt bài này, Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu Hàn Ái Tiến cho biết: "Mất gần 1 năm. nhóm tác giả Báo Bạc Liêu rong ruổi ở các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL để điều tra, ghi nhận, tìm giải đáp cho những câu trả lời: Vì sao nông dân chưa thể làm giàu? Nông dân sẽ làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)? ĐBSCL sẽ đi về đâu khi gần 95% nguồn nước lệ thuộc hoàn toàn vào thượng nguồn Mekong? Cũng từ đó, loạt bài: "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long" đã được ra đời như thế".

Viết gì cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn? - Ảnh 2.

Loạt bài "Trục trặc chuyển đổi số nông nghiệp" đoạt giải Nhất với 11 bài được đăng tải trên Báo điện tử Dân Việt đã nhận được nhiều phản hồi, động viên từ 3 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đó là: Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Với 2 tác phẩm lọt vào chung khảo và đoạt giải, đó là: Loạt bài: "Tích tụ ruộng đất tạo bước đệm bền vững cho tái cơ cấu nông nghiệp" và loạt bài: "Tạo mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững: Đúng đối tượng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm", Tổng Biên tập Báo Nghệ An Ngô Đức Kiên chia sẻ: "Có thể khẳng định, 2 loạt bài của Báo Nghệ An đã phản ánh nhiều vấn đề "nóng", "gai góc" mang đầy tính thời sự của lĩnh vực "tam nông". Thông qua 2 loạt bài đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của người làm báo đối với người dân trên địa bàn tỉnh, từ đó đã thôi thúc tòa soạn Báo Nghệ An tập trung phản ánh".

Rất nhiều nhà báo khi biết mình sẽ được giải báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều xúc động chia sẻ: Thực sự, so với các mảng khác như thời sự, thể thao, pháp luật…, những bài viết về "tam nông" không hút nhiều "view" bằng nhưng những bài viết về đề tài "tam nông" luôn được các nhà báo, tác giả đầu tư công phu, tâm huyết và mỗi tác phẩm khi được đăng tải, ai đã đọc thường đọc rất sâu, có phản hồi tốt.

Nếu chỉ nhìn vào 3 cụm từ nông nghiệp, nông dân, nông thôn tưởng giản đơn thôi, nhưng mỗi chủ đề về "nông" cũng đặt ra hàng loạt vấn đề cần đào sâu, giải quyết. Nông nghiệp thời nay không phải chỉ là câu chuyện về thời vụ, về cày cấy đơn thuần, mà đòi hỏi phải có sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của chính người nông dân, đó là sản xuất nông nghiệp mang tính chất hàng hóa, có sự liên kết theo chuỗi, sản phẩm nông nghiệp làm ra không phải mang về để chứa ở gầm giường, nhà kho mà còn phải đưa ra được chợ, siêu thị và cả thị trường thế giới. Nông dân thời nay không chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mà là những người nông dân mới, văn minh, biết làm chủ "cuộc chơi" của chính mình. Nông thôn thời nay cũng không còn hình ảnh là bụi ruối, bờ tre, là làng, là xã như xưa kia, mà đó phải là những vùng nông thôn hiện đại, đáng sống, nhưng vẫn giữ gìn được nét truyền thống trong đó... Chỉ sơ qua vài gạch đầu dòng đã cho thấy, đề tài về "tam nông" còn rất rộng lớn, nhiều chiều để các nhà báo, tác giả khai thác, tổ chức các loạt bài, tác phẩm.

Viết gì cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn? - Ảnh 3.

Trong toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước, kể từ lúc nước ta chưa giành được độc lập, đã có hàng trăm tác phẩm thuộc trường phái "hiện thực phê phán" viết về đề tài nông nghiệp, nông thôn. Ngay khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh". Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, mặt trận thông tin, tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn đi trước một bước, để từ đó nói như ông Hồ Xuân Hùng, đã có rất nhiều chủ trương, Nghị quyết xuất phát, ra đời từ thực tiễn, từ ruộng đồng.

Cũng bởi thế, tại Nghị quyết số 26/NQ-TTg ngày 27/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định nhiệm vụ đầu tiên và số một, đó là "Đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Cũng vì thế, Giải báo chí toàn quốc viết về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" Việt Nam như một trong những giải pháp đổi mới về truyền thông nhằm tạo sự lan tỏa, đồng thuận tới toàn xã hội về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự hành động của các Bộ, ngành, địa phương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới, giai đoạn mới.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem