VinFast hoạt động, Hải Phòng mong thành nơi chế tạo ô tô hàng đầu Châu Á

Hoàng Nhật Thứ bảy, ngày 18/05/2019 15:08 PM (GMT+7)
Cùng với thông tin từ ông Võ Quang Huệ về việc Vingroup đưa nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng đi vào hoạt động chính thức từ ngày 14.6, cử tri thành phố Hải Phòng mới đây cũng đã kiến nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách phù hợp để sớm đưa Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm chế tạo ô tô hàng đầu Châu Á.
Bình luận 0

img

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 được tổ chức cách đây ít ngày, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast, cho biết, Vingroup đang thay đổi toàn diện với định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - thương mại đẳng cấp quốc tế.

Bước đi đầu tiên là xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng ứng dụng công nghệ 4.0. Vào ngày 14.6 tới, Vingroup sẽ đưa nhà máy sản xuất ô tô VinFast đi vào hoạt động chính thức. Với kỷ lục 21 tháng từ lúc khởi công và đi vào hoạt động, VinFast được kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu Việt ra thế giới.

Theo ông Võ Quang Huệ, VinFast cũng đầu tư mạnh mẽ cho quá trình R&D để có thể rút ngắn thời gian và nhanh chóng đi ngang với các quốc gia phát triển trong một số lĩnh vực như xe điện, điện tử, công nghệ thông minh...

"Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cũng được chú trọng bằng việc thành lập trung tâm đào tạo VinFast, thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc", ông Võ Quang Huệ Huệ nói.

img

Một góc bên trong tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng

Cùng với những chuyển động tại VinFast, trong một văn bản gửi tới Quốc hội mới đây, cử tri thành phố Hải Phòng đã kiến nghị Chính phủ có thêm nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất ô tô, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách phù hợp để sớm đưa Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế tạo ô tô hàng đầu Châu Á.

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, Bộ Công Thương cho hay, ngày 16.7.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, mục tiêu của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo anh ninh quốc phòng của đất nước. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Triển khai thực hiện Chiến lược, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP

Bằng các giải pháp đồng bộ nêu trên, đến nay thị trường đã có sự tham gia tích cực và rộng rãi của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có một số công ty trong nước như Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần Huyndai Thành Công, Tập đoàn Vingroup…và các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới (Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi,...). Tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô khoảng 600.000 xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con, xe tải và xe khách.

Một số chủng loại xe đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao như xe tải đến 7 tấn tỷ lệ nội địa hóa đạt 55%; xe khách từ 24 chỗ ngồi trở lên, tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55%, cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra vào năm 2020. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ... đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và phát triển ngành sản xuất - lắp ráp ô tô.

 Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, tăng sức cạnh tranh của các dòng xe lắp ráp trong nước, hình thành các tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô tầm cỡ khu vực, trong đó có Hải Phòng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét xây dựng các chính sách mới nhằm khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong thời gian tới.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16.11.2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1.9.2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan theo hướng rà soát, bổ sung danh mục các linh kiện mà thực tế các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được, đặc biệt là các linh kiện phục vụ việc sản xuất ô tô điện để được xem xét hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu.

Sửa đổi, bổ sung quy định các điều kiện để linh kiện phục vụ sản xuất ô tô điện được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo Chương trình ưu đãi thuế tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP như điều kiện về công suất động cơ và thông số kỹ thuật khác (tương tự như các điều kiện về mức tiêu hao nhiên liệu, dung tích động cơ đối với xe sử dụng động cơ đốt trong…).

Đề xuất Quốc hội sửa đổi luật thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó sẽ không tính thuế đối với phần linh kiện, phụ tùng nội địa hóa của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm giảm giá thành, tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm trong nước so với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem