NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Cua - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng, người đã có công lớn trong hành trình xây dựng thương hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” xung quanh việc này.
Ông Cua cho biết: Từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đồng lúa Sóc Trăng đã in dấu của những nhà khoa học có tầm nhìn xa. Năm 1991, tiến sĩ Huỳnh Quang Tín ở Viện Nghiên cứu phát triển hệ thống canh tác ĐBSCL đã chuyển giao bộ sưu tập giống lúa thơm cho Phòng Nông nghiệp Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) và kỹ sư Hà Triểu Hiệp đã chuyển giao lúa Khaodakmali 105 để trồng khảo nghiệm tại đây. Vì vậy, 20 năm trước, năm 1991 được đánh dấu như cột mốc khởi đầu cho việc xây dựng thương hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng”.
Hành trình 20 năm có quá dài cho việc xây dựng một thương hiệu, thưa ông?
- Dài và rất gai góc, khó khăn. Từ sau 1991, chúng tôi chọn giống Khaodakmali 105 để phát triển. Thế nhưng, khi trình độ thâm canh nâng lên, nông dân đã loại bỏ giống này. Chúng tôi tiếp tục khảo nghiệm ở các giống Việt Đài 20, ST1, ST3, ST5, ST10… cuối cùng chọn được bộ ba giống ST16, ST19 và ST20, trong đó nổi trội hơn hết là giống ST20. Đây là giống hội đủ 4 yếu tố của một thương hiệu tốt: Kháng rầy (không nhiễm đạo ôn lá), chất lượng cao (chiều dài, độ thon hạt gạo, độ nở, mùi thơm, vị ngọt…).
Chọn giống xong, chúng tôi bắt đầu chọn tên cho thương hiệu rồi tiến hành đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) bằng một dự án chi tiết chứng minh những phẩm chất của giống vừa nói. Đó là vào năm 2008. Mãi đến tháng 10.2011 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ mới cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” cho Sở NNPTNT Sóc Trăng.
Bản thân hạt gạo thơm có giá trị cao thì người nông dân sẽ hưởng lợi nhiều hơn.
Ông Hồ Quang Cua - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng
Có được giấy chứng nhận thương hiệu, Sở NNPTNT sử dụng nó như thế nào, thưa ông? Chắc không phải chỉ để… đi thi?
- Ồ không! Chúng tôi tự tin trong cuộc thi các giống lúa gạo trong Festival lần 2 không phải vì Sóc Trăng là chủ nhà. “Gạo thơm Sóc Trăng” là loại gạo thơm ngon hảo hạng là do giống được chúng tôi chọn lọc theo tiêu chuẩn gạo thơm Thái B.E.2541 nhưng lại có những ưu thế hơn: Hạt gạo dài hơn, là lúa cao sản không cảm quang. Đặc biệt, nếu khách sành ăn sẽ nhận ra được mùi cơm nấu từ “Gạo thơm Sóc Trăng” có thoảng hương dứa của miền Nam và hương cốm của miền Bắc…
Các doanh nghiệp muốn được cấp chứng nhận “Gạo thơm Sóc Trăng” sẽ phải làm gì?
- Doanh nghiệp muốn được cấp phép “Gạo thơm Sóc Trăng” chỉ cần liên hệ với Sở NNPTNT để hoàn thành một bộ hồ sơ do Sở chuẩn bị sẵn. Họ phải chứng minh được những yêu cầu của một sản phẩm gạo như tiêu chuẩn mà chúng tôi đã quy định. Trước đây, một số doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, chọn gạo thơm Sóc Trăng để đóng nhãn hiệu riêng nhưng đó không phải là thương hiệu được chúng tôi chứng nhận.
Sơn Nguyễn (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.