Vinh danh khúc xuân ca

Thứ sáu, ngày 25/11/2011 15:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trưa 24.11, tin vui từ Bali (Indonesia) bay về Việt Nam nhanh như một làn gió: “Hát Xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Bình luận 0

Từ Hà Nội ngược lên đất Tổ Phú Thọ rồi lan ra khắp vùng trung du, những ai từng say đắm với làn điệu Xoan đều thấy như trong lòng đang mở hội.

Đêm ngoại giao đặc biệt

Có được niềm vui hôm nay, cần phải ngược về thời gian hơn 1 tháng trước đây, ngày 15.10.2011 tại khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học (đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội). Thời điểm đó, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ, Viện Âm nhạc Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức buổi "Giới thiệu hát Xoan với các Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội". 30 vị đại sứ, phó đại sứ đã được mời đến để tận tường “mắt thấy tai nghe” những làn điệu dân ca, dân vũ do các nghệ nhân hát Xoan đến từ Phú Thọ trình diễn.

img
Biểu diễn hát Xoan của các nghệ nhân Phú Thọ.

Tối hôm ấy, trong bầu không khí tĩnh lặng của Bảo tàng và ánh nến lung linh, những nghệ nhân hát Xoan già, trẻ, lớn, bé trong sắc phục áo dài nâu (nữ) và áo trắng (nam), nghệ nhân nam đầu chít khăn điều, nghệ nhân nữ vấn khăn đen cùng trình diễn 5 điệu hát múa đặc trưng nhất trong lề lối hát Xoan thờ Vua Hùng của các phường Xoan Phú Thọ.

Dưới vành khăn đen và sự tương phản màu sắc của tấm áo nâu, gương mặt những nữ nghệ nhân trẻ trung ửng hồng hơn, đôi mắt họ lấp lánh, từ khuôn miệng nhỏ xinh với làn môi “cắn chỉ quết trầu”, tiếng hát vang xa réo rắt. Hát Xoan độc đáo ở chỗ khẩu hình nghệ nhân không cần mở rộng, nhưng do có kỹ thuật lấy hơi và ngân nga nền nảy nên tiếng hát không cuồn cuộn mà cứ thánh thót và trong veo như tiếng nước suối rừng.

Trên gương mặt của các vị đại sứ, có thể quan sát thấy rất nhiều trạng thái cảm xúc, người thì thật sự say sưa khi nhắm nghiền đôi mắt lắng nghe, người thì kinh ngạc và thán phục, có vị háo hức nhìn theo đôi bàn tay mềm mại của các nữ nghệ nhân lúc cuộn vào, lúc lại mở ra như một nụ hoa...

Và ngân vang lan ra cả một vùng quanh đó là những tiếng “í a, ứ a, ới a” đệm theo từng điệu hát khiến ở giữa thủ đô mà người nghe cứ tưởng được lạc vào lễ hội trên miền đất Tổ một mùa xuân nào đó.

Tiếng hát thánh thót, trong veo kể về những sinh hoạt bình dị trong đời sống, cầu cho mùa màng tốt tươi mỗi độ mùa xuân mở hội: “Nay mừng xuân tiết mới sang/Xướng ca tiệc mở dân làng ta đây”, “Trông ơn thánh đế muôn vàn/ Dân ta mở tiệc ca xoan phụng thờ”.

Hết buổi diễn, ông Chérif Chikhi- Đại sứ Algeri nói trong niềm xúc động: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe hát Xoan, tôi cảm thấy được rất nhiều điều “hòa trộn” trong đó. Đó là âm nhạc, làn điệu, cách thể hiện, ánh mắt, đều mang đậm chất Việt Nam. Tôi chỉ có một điều ước, ước gì tôi hiểu được tiếng Việt, hiểu được lời bài hát, để hiểu sâu hơn về văn hóa của các bạn”.

Rất nhiều vị đại sứ đã lưu luyến không rời, họ muốn nán lại lâu hơn để chụp ảnh các nghệ nhân, để được gần gũi hơn với chủ nhân của những làn điệu Xoan duyên dáng và đầy quyến rũ.

Đêm ngoại giao đặc biệt này chính là một cuộc “vận động hành lang” hiệu quả nhất từ trước tới nay cho một hồ sơ xin phong tặng danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể của VN. Điều đó giải thích lý do vì sao trong 33 bộ hồ sơ đệ trình lên Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban Liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tại Bali lần này, hồ sơ hát Xoan được đánh giá cao nhất và thông qua với tuyệt đại đa số phiếu ủng hộ.

Hiểu và yêu

Giáo sư Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN- người đã gắn bó với hồ sơ của hát Xoan ngay từ những ngày đầu cho biết: “Vẻ đẹp và giá trị to lớn của di sản hát Xoan cần phải được quảng bá rộng rãi, ngay cả với người Việt, nhất là thế hệ trẻ, không nhiều người Việt biết về di sản độc đáo này. Một làn điệu có từ văn hóa thời Hùng Vương truyền lại, chúng ta là con cháu Vua Hùng, tại sao lại chưa từng biết, chưa từng nghe điệu hát này, đó là một thiệt thòi”.

Ông Thanh bảo, phải hiểu hát Xoan thì mới yêu nó được. Hát Xoan quý giá vì đây là một di sản có tính đồng bộ và có nhiều giá trị cổ xưa. Khi hát có lúc người ta đứng im, nhưng bàn tay cuộn ngón như bông hoa nở 5 cánh. Người đàn ông di chuyển những bước chân đi chéo, hát lên ruộng, xuống đồng như biểu hiện của cuộc sống khó khăn, khúc khuỷu. Ngôn ngữ nghệ thuật ấy rất có chiều sâu, nhưng bây giờ nếu không hiểu thì sẽ thấy nhàm chán.

Ông Hoàng Dân Mạc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ

“Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật hát Xoan, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ phổ biến, quảng bá giới thiệu giá trị của hát Xoan với cộng đồng trong tỉnh, trong cả nước và với bạn bè quốc tế. Tổ chức truyền dạy, phổ biến rộng rãi nghệ thuật này ở trong cả nước. Tỉnh cũng đưa hát Xoan vào dạy trong các trường học ở thành phố Việt Trì, đồng thời tại các làng Xoan cổ thì khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch (bà Trùm phường Xoan An Thái, Phú Thọ)

“Thông thường học hát Xoan từ lúc tập làn điệu đến khi hát thành thạo tất cả các quả cách phải mất ít nhất là 4 tháng. Lớp thanh niên lớn lên rời bỏ làng quê nên dần thấy xa lạ với câu hát Xoan. Còn những người mà câu ca, điệu hát đã hằn sâu trong máu thịt, đa phần đều đã lớn tuổi. Giờ đây hát Xoan đã được vinh danh, tôi chỉ mong làm được gì đó để giữ được câu hát cho dân tộc mình”.

Thoạt đầu hát Xoan là điệu hát thờ trong cửa đình để dâng lên Vua Hùng trong những dịp tế lễ, dần dà, để đáp ứng yêu cầu vui chơi, giải trí, đình đám, hội hè của người dân, Xoan bắt đầu có điệu hát về chuyện thế tục: Tả về “tứ thú” ngư, tiều, canh, mục; về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Đặc biệt là những đoạn thơ tả tình cảm yêu đương trai gái rất thiết tha và đằm thắm ở các phần hát: “Bợm gái”, “Đúm”, “Bỏ bộ”, “Xin huê – Đố chữ”, “Cài huê – Mó cá”.

Trong hát Xoan nam thường giữ giọng chính, nữ chủ yếu hòa theo, ví dụ một câu hát trong điệu “Xe chỉ vá may”: Kép đưa: “A á a a/Ngư thiều canh mục cách/Bắt ngay thuyền lại/Hỏi ngư ông có cá bán chăng?/Dạ dạ thưa rằng/Thuyền còn đang bổ lưới/Những mảng trông nguyệt hút liên không/Ới gọi là ngư thiều/Ứ a là canh mục/Ới gọi là ngư phú/Ới a là phong lưu”. Đào đưa:/“Ngư phú ban cho/Là là cá hở a hở đầu”...

Giờ đây nghệ thuật hát Xoan đang đối mặt với nguy cơ thất truyền ngay trên chính mảnh đất Tổ của người Việt. Theo thống kê của Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, trên toàn tỉnh hiện chỉ còn 68 nghệ nhân hát Xoan, trong đó chỉ có 8 nghệ nhân còn khả năng truyền dạy mà người trẻ tuổi say mê theo học cũng không có nhiều. Thầy ít trò thưa, không gian trình diễn nguyên gốc đang bị bụi thời gian mờ phủ, khúc xuân ca dâng Vua Hùng có hơn 2.000 năm tuổi đang ngấp nghé bên cánh cửa dẫn vào quên lãng.

Có dịp gặp những nghệ nhân ít ỏi của nghệ thuật hát Xoan mới thấy, ở đâu cũng vậy, những người nông dân chân chất gần gũi với bùn đất lấm lem lại chính là những người lo lắng nhất cho sự tồn vong của di sản văn hóa cha ông. Nghệ nhân Lê Xuân Ngũ (75 tuổi), Trùm phường Xoan Phù Đức trăn trở rất nhiều: “Hát Xoan vốn là nghệ thuật cổ, vì thế ca từ đa số theo văn Hán Nôm, phải là người thực sự yêu thích mới hiểu hết được cái hay, cái đẹp của những ca từ đó để rồi đam mê luyện hát. Nay bọn trẻ không yêu thích, không chịu tìm hiểu, không chịu theo học thì chúng tôi biết làm thế nào?”.

Hát Xoan là từ đọc trại đi của “hát xuân”, ra đời từ thời Hùng Vương tới nay đã 2.000 mùa xuân có lẻ. Trong lời hát, điệu múa Xoan lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa cổ từ thời đại bình minh dựng nước của dân tộc Việt, giờ đây hát Xoan đã được nhân loại tôn vinh, người Việt mình sẽ phải ý thức nhiều hơn đến việc gìn giữ báu vật tổ tiên truyền lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem