Virus tái tổ hợp S-OtrH3N2 xuất hiện: Cảnh giác dịch cúm mới

Thứ sáu, ngày 16/12/2011 22:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều chuyên gia dịch tễ lo ngại dịch cúm do chủng virus cúm tái tổ hợp mới S-OtrH3N2 gây ra sẽ có mặt tại Việt Nam vì nước ta có hoạt động chăn nuôi lợn rất phổ biến và điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus dịch bệnh phát triển.
Bình luận 0

Nguy cơ hiện hữu

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phối hợp với Trung tâm Dự phòng kiểm soát dịch bệnh nước Mỹ tiến hành nghiên cứu và đưa ra kết luận nguyên nhân gây nên bệnh cúm mới này do một loại virus mới có tên khoa học là S- OtrH3N2. Đây là một loại virus cúm tái tổ hợp từ virus cúm A-H1N1 ở người và virus cúm A-H3N2 có nguồn gốc từ lợn (xem thêm thông tin ở bài bên).

img
Nếu không cẩn trọng, nguy cơ dịch cúm mới có thể xảy ra tại VN (ảnh minh họa).

TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư khẳng định: "Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc chủng virus cúm mới S-OtrH3N2, vì thế chưa biết mức độ nặng, nhẹ thế nào. Nếu tách rời nhau, đây chỉ là chủng cúm bình thường nhưng cũng không loại trừ khả năng khi chúng kết hợp với nhau lại trở nên nguy hiểm".

Tuy nhiên, vấn đề mà các chuyên gia dịch tễ lo lắng chính là khi virus cúm A-H1N1 kết hợp với cúm A-H5N1 thành chủng virus mới. Nếu một chủng virus có tốc độ lây lan nhanh như A-H1N1 liên kết với virus cúm A-H5N1 có động lực mạnh thì cực kỳ nguy hiểm. "Nếu điều này xảy ra, nguy cơ thiệt hại vì dịch bệnh này là không thể lường hết được. Đây không chỉ là nỗi lo của Việt Nam mà còn là quan ngại lớn của cả thế giới” - ông Kính nhận định.

Về mối nguy này, ông Nguyễn Thanh Dương - Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Việc giao lưu giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng diễn ra mạnh mẽ, khiến việc kiểm soát dịch cúm mới rất khó khăn. Đặc biệt, nước ta lại có nhiều yếu tố thuận lợi về thời tiết, là quốc gia phát triển mạnh về chăn nuôi gia súc, vì vậy lo ngại của các chuyên gia dịch tễ về việc một chủng virus cúm mới có thể xảy ra tại Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở”.

Khẩn trương tìm biện pháp ứng phó

Ông Nguyễn Thanh Dương cũng cho PV NTNN biết, Cục vừa có công điện yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động phòng, chống dịch cúm mới xâm nhập và lây lan ở Việt Nam.

Để ứng phó với chủng cúm mới này, Cục Y tế dự phòng đã tăng cường hệ thống giám sát tại 15 điểm khác nhau. Đồng thời, tăng cường giám sát những hành khách xuất nhập cảnh trong dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt khách từ Mỹ vào Việt Nam, để phát hiện sớm người nhiễm cúm và cách ly.

Trong trường hợp có các dấu hiệu, nghi ngờ hội chúng cúm thì sẽ tiến hành giải mã trình tự gen phát hiện lên kế hoạch ứng phó nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp với các sở y tế truyền thông về bệnh cúm này để có thêm thông tin cho người dân chủ động thực hiện phòng chống.

Ông Nguyễn Thanh Dương khẳng định: Vì đây là chủng virus mới, triệu chứng bệnh rất nhẹ, trên thế giới chưa xuất hiện tử vong cũng như biến chứng nên người dân hãy yên tâm, không nên hoang mang hay quá lo lắng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm mới, ông Dương cũng khuyến cáo: “Người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, khi thấy có các triệu chứng như: Sốt cao, đau người, đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mũi, đau họng... cần phải tới cơ sở y tế khám để được chẩn đoán, điều trị.

Đối với các cơ sở y tế, phải triển khai chặt chẽ việc giám sát các trường hợp bệnh. Khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, cần lấy các mẫu xét nghiệm, xác định xem có đúng là chủng virus mới không. Nếu phát hiện chủng virus mới thì triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định của Chính phủ và của Bộ Y tế”.

PGS-TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng lưu ý: Trong điều kiện lạnh khô và nóng ẩm, virus cúm thường sống rất dai. Riêng với virus cúm mới S - OtrH3N2 khả năng thích ứng lại càng cao. Vì vậy người dân cần nâng cao cảnh giác, nhất là với các đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem