Vợ “bầu” Kiên: 'Tôi cũng không nghĩ đến một ngày là đồng phạm của chồng'

Thắng Quang Thứ ba, ngày 02/12/2014 12:46 PM (GMT+7)
Sáng nay (2.12), HĐXX vụ án Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) và đồng phạm tiếp làm việc với phần thẩm vấn liên quan đến hành vi kinh doanh trái phép và trốn thuế. Vợ “bầu” Kiên được gọi thẩm vấn và bật khóc tại tòa...
Bình luận 0

img

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa.

Đầu buổi làm việc hôm nay, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng đề nghị bị cáo Kiên nêu các nội dung khiếu nại 26 trang viết tay tới Viện KSND Tối cao. Song “bầu” Kiên đề nghị HĐXX cho luật sư copy lại cho nhanh vì đơn dài. Bầu Kiên cho biết, nội dung có 32 kiến nghị lên Viện KSND Tối cao. Trong phần thẩm vấn, bị cáo Kiên xin được đọc bản kháng cáo viết tay của mình. “Tôi xin phép HĐXX cho phép đọc nội dung kháng án tại toà. Tôi nằm trong trại giam 27 tháng, nội dung kháng án này là một phần của bức tranh. Tôi xin trình bày ở phần thẩm vấn, tôi hứa phần sau tôi sẽ không trình bày lại” - bị cáo Kiên đề nghị.

Nhưng, HĐXX chỉ cho phép được nói tóm tắt chứ không đọc vì quá dài. Bị cáo Kiên ngồi trình bày. Theo bị cáo Kiên, toà sơ thẩm có nhiều sai sót, như không xác định và thiếu: 5 công ty đều được thành lập đúng quy định pháp luật. “Tôi làm doanh nghiệp 30 năm rồi. Trước khi kiếm tiền tôi học luật, học cách làm sao để bảo vệ mình” - bị cáo Kiên nói trước toà.

“Bầu” Kiên phân tích về cáo buộc vi phạm pháp luật trong việc mua bán cổ phần, cổ phiếu: “HĐXX sơ thẩm quy kết tôi là kinh doanh dịch vụ tài chính núp dưới mua cổ phần, cổ phiếu. Trong tất cả các khái niệm về kinh doanh, văn bản quy phạm pháp luật không có khái niệm kinh doanh dịch vụ tài chính”. Về việc kinh doanh vàng trái phép, bị cáo Kiên vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng vàng là hàng hoá được quy định cụ thể tại Luật Thương mại và chi tiết trong Nghị định 59 của Chính phủ nên Công ty Thiên Nam đương nhiên được mua bán. Còn việc kinh doanh vàng trạng thái không nằm trong điều chỉnh của Nghị định 174 chỉ điều chỉnh một số loại hình kinh doanh vàng, có 3 loại hình và Nghị định 168 có 6 loại hình kinh doanh vàng.

Tiếp đó, HĐXX gọi bà Đặng Ngọc Lan - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B (Công ty B&B, vợ "bầu" Kiên) để làm rõ 3 hợp đồng do bà này ký: Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ngày 25.12.2008 với Ngân hàng ACB với nội dung ủy thác cho ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam; ký hợp đồng ủy thác của bà Nguyễn Thúy Hương (em gái “bầu” Kiên), Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỷ đồng và một phụ lục hợp đồng giữa bà Ngọc Lan, Nguyễn Đức Kiên và bà Hương.

img

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ "bầu" Kiên.

HĐXX yêu cầu bà Lan tái khẳng định việc ký hợp đồng của mình, bà Lan nói: “Tôi cũng từng trình bày ở cấp sơ thẩm, tôi không để ý, không tìm hiểu hợp đồng làm cụ thể, chi tiết như thế nào. Anh Kiên mang hợp đồng về bảo tôi ký. Anh Kiên thường uỷ quyền tôi ký vì anh ấy hay đi vắng. Khi cần ký giấy tờ thì tôi được uỷ quyền. Còn nội dung hợp đồng như thế nào thì tại thời điểm ký tôi không để ý”.

Khi được hỏi có nắm được nội dung cũng như nhận thức trách nhiệm của mình khi ký với tư cách là Tổng giám đốc không, bà Lan trình bày: “Nếu mà nói với một người đầy đủ nhận thức, tôi không thể nào nói rằng tôi ký mà không chịu trách nhiệm. Mà tôi đã ký với tư cách một người vợ hoàn toàn tin tưởng vào người chồng của mình. Tôi không thể nói rằng là anh Kiên phải chịu trách nhiệm chứ không phải là tôi”.

Quá xúc động, bà Lan đã  bật khóc khiến chủ toạ phải động viên, an ủi phải bình tĩnh trả lời để HĐXX làm rõ. Sau khi vợ "bầu" Kiên bình tĩnh, HĐXX truy vấn tiếp: “Bà có nhận thức những việc bà làm là đồng phạm với chồng?”.

“Tôi cũng không nghĩ đến một ngày tôi là đồng phạm của chồng. Trong tư duy của tôi, tôi không nghĩ mình làm sai cái gì cả; cũng không nghĩ chồng làm sai cái gì cả. Tôi nghĩ là HĐXX cũng như VKS có thể hiểu, có thể xem xét nghĩa vụ của tôi trong trường hợp với một phụ nữ suốt thời gian dài chỉ ở nhà sinh con, chăm con, thực hiện một số công việc theo sự chỉ dẫn của chồng” – bà Lan nói.

Đại diện VKS hỏi: “Bà đã đọc Luật Doanh nghiệp chưa?”. Lúc này bà Lan thật thà: “Tôi đọc một phần chứ không đọc hết. 2 năm vừa rồi rất là kinh khủng với gia đình tôi. Tôi còn phải chăm 3 con. Mọi người quá sợ hãi không dám làm tiếp các công việc kinh doanh. Tôi là người chưa bao giờ phải làm gì phải đứng ra lo công việc. Nên tôi phải nghiên cứu, tham khảo các luật sư. Nhưng đấy là 2 năm vừa rồi chứ trước đó tôi không thực hiện gì hết mà chỉ làm công việc của phụ nữ ở nhà thôi”.

Tuy nhiên, chủ toạ trích 1 lời khai và bút lục của bà Lan nội dung mâu thuẫn với lời khai: “Do công việc của anh Kiên thường xuyên phải đi công tác, nên khi thành lập Công ty B&B anh Kiên đã uỷ quyền cho tôi ký một số hợp đồng. Sau đó, tôi được nhân viên của công ty chuyển hợp đồng uỷ thác tài chính với ACB và hợp đồng với bà Thuỳ Hương. Tôi đã điện thoại cho chồng để hỏi và chồng bảo đã xem qua nên ký”.

Giải thích về điều này, vợ bầu Kiên vẫn không nhớ chắc chắn là chồng mang về hay nhân viên mang đến nhà, song luôn mực khẳng định: “Tôi không hề nhớ gì về chuyện anh Kiên đi vắng hay ở nhà. Tôi cũng không nhớ vì sao lúc lấy lời khai anh Kiên đi vắng. Nhưng nếu vắng anh Kiên thì tôi phải gọi điện, còn không thì chồng tôi mang về tôi ký”.

Tiếp đó, HĐXX tiếp tục cho bị cáo Kiên trình bày về phần trốn thuế. Bị cáo Kiên trình bày trước tòa: “Ngày 2.12.2008, đồng ý cho em gái tôi ký hợp đồng với Công ty B&B kinh doanh vàng để em gái tôi học kinh doanh. Lý do, trước khi em gái tôi ký hợp đồng, Việt Nam đã có hoạt động này từ năm 2005, từ khi tôi còn là Phó Chủ tịch ACB. Có nhiều khách hàng ký hợp đồng với ACB và đều được báo cáo với các cơ quan chức năng. Qua nhiều cuộc thanh tra nhưng không có bất kỳ cơ quan nào nói rằng việc này là sai.

Tôi là người soạn thảo hợp đồng và ủy quyền cho vợ tôi, thay mặt B&B ký với Hương. Sau đó, ủy thác cho bên thứ 3 là ACB, sau khi đã ký hợp đồng và phụ lục. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, bên nhận ủy thác phải là thương nhân và có chức năng kinh doanh. Bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không là thương nhân. Vì thế, Hương không cần phải đăng ký là hộ kinh doanh cá thể. Hợp đồng nêu rõ, đối tượng là vàng SJC 9999, giao dịch tại Việt Nam và quốc tế. ACB xuất khẩu nhiều loại vàng này ra quốc tế. HĐXX có thể hỏi anh Hân, Hải để biết ACB đã xuất bao nhiêu vàng ra thế giới.

Mặt hàng mà Hương và Công ty B&B ký nằm trong diện hàng hóa được điều chỉnh bởi Luật Thương mại. Công ty B&B không ủy quyền cho ACB mở tài khoản nước ngoài, không kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, không có số dư và không có bất kỳ lệnh mua bán nào”.

Bị cáo Kiên liên tục khẳng định Công ty B&B không trốn thuế. Bị cáo cho biết: "Tôi yêu cầu vợ tôi làm văn bản gửi các cơ quan thuế có thẩm quyền xác định số thuế phải nộp. Các đơn vị liên quan đều có công văn trả lời đã nhận được đề nghị của B&B nhưng chưa có bất kỳ hướng dẫn nào. Số thuế B&B phải nộp là bao nhiêu thì mới ra con số trốn thuế như thế nào?". Bị cáo Kiên cũng đề nghị HĐXX xem xét một số nội dung liên quan đến Tổng cục Thuế.

Chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem